Loãng xương là một rối loạn hệ thống của xương, đặc trưng bởi mật độ khoáng xương thấp làm tăng nguy cơ gãy xương.
Triệu chứng
Loãng xương không có triệu chứng rõ ràng, thường chỉ tới khi có triệu chứng thì loãng xương đã ở mức độ nặng. Khoảng 60% trường hợp xẹp đốt sống do loãng xương không có biểu hiện lâm sàng. Các triệu chứng phổ biến của loãng xương là: Đau lưng, giảm chiều cao, gù vẹo cột sống (còng lưng), gãy xương sau một chấn thương rất nhẹ.
Nguyên nhân
Tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng mật độ xương bị suy giảm. Ngoài ra, một số tác động sau cũng có khả năng gây bệnh như:
- Phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh hay có chu kỳ kinh nguyệt không đều gây suy giảm nồng độ estrogen, thường có nguy cơ cao mắc bệnh. Ở nam giới, nồng độ testosterone thấp cũng là nguyên nhân gây loãng xương.
- Chế độ ăn uống không khoa học, thiếu dưỡng chất, đặc biệt là những chất có lợi cho xương khớp như canxi, vitamin D, omega-3…
- Tác dụng phụ của thuốc do sử dụng thuốc corticosteroid, heparin trong thời gian dài, không tuân theo chỉ định của bác sĩ.
- Lối sống lười vận động, không luyện tập thể dục thể thao, mức độ hoạt động thấp, ngồi nhiều… đều có thể dẫn tới tình trạng xương khớp suy yếu.
- Những chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá là các tác nhân gây hại, thúc đẩy và làm suy yếu hệ thống xương khớp.
- Người lao động nặng, phải thường xuyên khuân vác vật nặng sẽ có nguy cơ mắc những bệnh cơ xương khớp cao hơn người bình thường.
- Không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết trong giai đoạn hình thành và phát triển hệ thống xương khớp cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy yếu xương khớp sớm.
- Ngoài ra, có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới tình trạng loãng xương. Trong đó, một số yếu tố có thể thay đổi được, một số khác thì không thể.
Các nguy cơ không có khả năng thay đổi gồm:
- Giới tính: Ở nữ giới, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh, nguy cơ loãng xương tăng cao hơn so với nam giới cùng độ tuổi. Vì phụ nữ có tổng khối lượng xương thấp hơn và sự thay đổi hormone sau mãn kinh.
- Tuổi tác: Khi tuổi càng lớn, nguy cơ mắc bệnh càng cao.
- Kích thước cơ thể: Phụ nữ gầy, nhỏ người thường có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn.
- Tiền sử gia đình có người từng bị bệnh từ trước.
- Phụ nữ mãn kinh trước 45 tuổi.
- Đã từng bị gãy xương.
- Mắc các bệnh lý khác: Bệnh nội tiết, viêm khớp dạng thấp, bệnh thận, hội chứng Cushing…
Phòng bệnh và quản lý bệnh nhân loãng xương
Việc phòng bệnh phải được thực hiện ngay từ khi còn là bào thai, mẹ ăn chế độ ăn đầy đủ canxi và vitamin D. Khám sức khỏe định kỳ từ lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo để phát hiện bệnh còi xương. Tất cả mọi người thực hiện chế độ ăn đầy đủ canxi và vitamin D, hạn chế hút thuốc, uống rượu bia, tập thể dục đều đặn, tránh dùng những thuốc kéo dài tăng nguy cơ loãng xương, mang dụng cụ bảo vệ chậu hông khi đi lại nếu có nguy cơ ngã.
Các bệnh nhân loãng xương phải được điều trị lâu dài và theo dõi sát, ít nhất là 3-5 năm liên tục. Đo mật độ xương 6 tháng đến 1 năm 1 lần để theo dõi kết quả điều trị.
Bệnh loãng xương hoàn toàn có thể phòng và tránh được nếu như chúng ta có những hiểu biết về bệnh, thực hiện chế độ phòng và điều trị một cách tích cực nhất.