Nguyên nhân gây bệnh suy giáp

- 123 lượt xem - Nội tiết, Y học thường thức

Suy giáp là tình trạng giảm chức năng tuyến giáp làm giảm sản xuất hormone tuyến giáp, dẫn đến một loạt các chức năng và cơ quan trong cơ thể bị ảnh hưởng. Nếu không nhận biết sớm và điều trị, suy giáp có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe.

Khi nồng độ hormone tuyến giáp quá thấp, các tế bào của cơ thể không thể nhận đủ hormone tuyến giáp và các quá trình chuyển hóa của cơ thể trở nên chậm lại. Khi cơ thể hoạt động chậm, có thể nhận thấy mình lạnh hơn, dễ mệt mỏi hơn, da khô hơn, giảm trí nhớ, trầm cảm và bắt đầu bị táo bón. Bởi các triệu chứng thường thay đổi và không đặc hiệu, cách duy nhất để biết chắc chắn liệu bạn có bị suy giáp hay không cần đến bệnh viện thăm khám cụ thể.

NGUYÊN NHÂN GÂY RA SUY GIÁP

Có nhiều hội chứng suy chức năng tuyến giáp có liên quan đến bệnh. Suy giáp tiên phát bắt nguồn từ tuyến giáp, chiếm 90-95% các trường hợp. Trong khi suy giáp thứ phát chỉ chiếm 5-10%.

Suy giáp tiên phát có thể xuất hiện do một số nguyên nhân sau:

  • Sau khi bị bệnh Hashimoto – một tình trạng viêm tuyến giáp tự miễn.

– Viêm tuyến giáp bán cấp tái phát nhiều lần.

– Tuyến giáp teo ở phụ nữ mãn kinh.

– Khiếm khuyết bẩm sinh trong quá trình tổng hợp và bài tiết hormone giáp trạng.

– Rối loạn chuyển hóa Iod.

– Không có tuyến giáp, tuyến giáp lạc chỗ.

– Sau phẫu thuật cắt tuyến giáp.

– Sau khi điều trị tuyến giáp bằng iod phóng xạ.

– Sau khi điều trị tuyến giáp bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp quá liều.

Suy giáp thứ phát có thể xảy ra do một số nguyên nhân như:

– Khối u tuyến yên.

– Sau tổn thương hoặc phẫu thuật tuyến yên.

– Hội chứng Sheehan.

– Chiếu tia xạ điều trị tuyến yên.

– Rối loạn chức năng vùng dưới đồi.

Biểu hiện người bệnh 

Suy giáp không có bất kỳ triệu chứng đặc hiệu nào ở giai đoạn sớm. Rất nhiều trường hợp khi đi khám thì các biểu hiện lâm sàng đã rõ rệt, thậm chí là đã bị biến chứng nặng, đặc biệt ở người có tuổi.

Tùy vào độ tuổi và mức độ giảm tiết hormone tuyến giáp mà suy giáp sẽ có các biểu hiện khác nhau. Biểu hiện  ở người lớn và trẻ em đôi khi rất khác nhau. Ở người lớn thường xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi hoặc đã mãn kinh với các triệu chứng:

– Các biểu hiện về da, lông tóc móng: Da mặt trở lên dày, mất các nếp nhăn, có màu vàng sáp, mi mắt phù (mi dưới ), gò má tím, gan bàn chân- tay vàng, ngón tay to – khó gấp, da tay – chân lạnh đôi khi tím, có thể có lưỡi dày, nói khàn, ngủ ngáy, ù tai do bị thâm nhiễm.

Tóc – lông khô , dễ gãy rụng, móng tay – chân khô dễ gãy.

– Các biểu hiện chuyển hóa :

‎+ Rối loạn điều hòa thân nhiệt: sợ lạnh, hạ nhiệt độ, thích mùa hè.

‎+ Hô hấp: thở nông, chậm

‎‎‎‎+ Tăng cân mặc dù ăn kém, táo bón mạn tính do giảm nhu động ruột.

‎+ Tim mạch: nhịp tim chậm , huyết áp thấp , đau vùng trước tim, có thể có tăng huyết áp.

‎+ Thiếu máu

‎+ Yếu cơ, đau cơ, hay bị chuột rút, trương lực cơ giảm, phản xạ gân xương giảm hoặc mất.

‎+ Tinh thần: mệt mỏi, khó tập trung, giảm nhu cầu và khả năng tình dục, một số trầm cảm hoặc kích động.

– Các biểu hiện rối loạn nội tiết: rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, mất kinh, chảy sữa.

CHẨN ĐOÁN SUY GIÁP NHƯ THẾ NÀO?

Chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh, hỏi triệu chứng, khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.

Một số xét nghiệm cơ bản để đánh giá tình trạng suy giáp và ảnh hưởng của bệnh:

– Xét nghiệm công thức máu.

– Xét nghiệm hormone tuyến giáp: TSH, T3, FT3, T4, FT4.

– Xét nghiệm sinh hóa: Cholesterol, Triglycerid, Glucose, Natri, Creatine Kinase (CK)…

– Phản xạ đồ gân gót

– Siêu âm tuyến giáp

– Siêu âm tim

– Chụp X-quang tim phổi

– Điện tâm đồ

Xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh:

– Xét nghiệm tìm kháng thể tuyến giáp.

– Định lượng hormone tuyến thượng thận, tuyến sinh dục.

– Chụp MRI sọ não.

Khi có triệu chứng cần đến bệnh viện thăm khám cụ thể để được bác sĩ tư vấn làm các cận lâm sàng cần thiết.

Back To Top