GIẢI PHÁP TỐI ƯU ĐIỀU TRỊ BỆNH TRĨ

- 72 lượt xem - Nội tiết, Y học thường thức

Bệnh trĩ không quá nguy hiểm nhưng lại gây ra nhiều bất tiện và phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày. Vậy, cách chữa bệnh trĩ như thế nào là an toàn và hiệu quả? Thông qua bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn tất tần tật các phương pháp chữa trị hiện nay.

Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ không chỉ đơn thuần là bệnh của tĩnh mạch. Đây là các bệnh của 1 hệ thống mạch máu từ tiểu động mạch, tĩnh mạch, thông nối động tĩnh mạch đến cơ trơn và mô liên kết được lót bởi lớp biểu mô bình thường của ống hậu môn. Đám rối tĩnh mạch nằm ở lớp dưới niêm được nâng đỡ bởi cấu trúc mô sợi đàn hồi. Tình trạng gia tăng áp lực thường xuyên như rặn đi cầu, kèm ứ máu liên tục sẽ dẫn đến phình giãn và tạo các búi trĩ vào trong lòng ống hậu môn. Đồng thời càng lớn tuổi, các cấu trúc mô liên kết nâng đỡ ngày càng bị suy yếu, các búi trĩ tụt dần ra khỏi lỗ hậu môn dẫn đến trĩ nội sa.

Cách chữa bệnh trĩ hiệu quả đơn giản

Chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu vận động, áp lực công việc cao,… đều là những yếu tố gây áp lực lên ổ bụng, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Để hỗ trợ chữa bệnh trĩ hiệu quả, cách đơn giản nhất mà bạn có thể làm là loại bỏ thói quen xấu và thay đổi lối sống sao cho phù hợp:

Ăn uống lành mạnh:

Một chế độ ăn uống hợp lý có tác dụng hỗ trợ và làm tăng hiệu quả điều trị bệnh. Dưới đây là một số loại thực phẩm mà bạn nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày của mình:

– Rau xanh, củ, quả, trái cây,… đều là những thực phẩm giàu xơ, chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. Đặc biệt, chất xơ có trong những loại thực phẩm này sẽ làm mềm phân, kích thích tiêu hóa tốt. Vì vậy, để hạn chế tình trạng táo bón làm bệnh trở nên tồi tệ hơn, bạn nên ăn nhiều rau xanh.

– Uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước ép từ trái cây, rau, củ,…

– Tránh ăn đồ ăn dầu mỡ, món ăn tẩm ướp nhiều gia vị, thịt, cá,… nếu ăn quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng táo bón.

– Bạn nên hạn chế sử dụng các loại đồ uống có gas, rượu bia và chất kích thích như: thuốc lá,… để bệnh không tiến triển nặng hơn.

Làm việc kết hợp nghỉ ngơi hợp lý:

Chế độ làm việc kết hợp nghỉ ngơi hợp lý là cách chữa trị bệnh trĩ đơn giản nhưng mang lại hiệu quả tốt. Khi bạn cân bằng được giữa công việc và cuộc sống thì mọi áp lực, căng thẳng sẽ biến mất.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên xây dựng cho mình thói quen vận động khoa học như: tập thể dục, tập yoga, đi bộ, chơi thể thao,… mỗi ngày. Đối với những người phải ngồi hàng giờ liên tục để làm việc thì có thể đi lại, đứng lên ngồi xuống,… giúp máu lưu thông tốt.

Đại tiện đúng cách:

Nhịn đi ngoài sẽ làm cho phân bị dồn nén lại tạo thành một khối cứng chắc, ứ đọng trong trực tràng. Tình trạng này khiến người mắc bệnh trĩ gặp khó khăn trong lần đại tiện tiếp theo. Việc dùng sức để rặn có thể làm búi trĩ sa ra ngoài nhiều hơn, đồng thời gây tổn thương niêm mạc hậu môn.

Vì vậy, bạn không nên nhịn đi đại tiện hoặc đại tiện quá lâu. Tốt nhất, khi vào nhà vệ sinh bạn không nên mang theo điện thoại, các thiết bị điện tử,… để tránh gây mất tập trung, kéo dài thời gian đại tiện.

Ngoài ra, bạn nên sử dụng nước sạch để rửa hậu môn nhằm ngăn ngừa triệu chứng viêm nhiễm. Lưu ý: không sử dụng các loại giấy cứng hoặc dùng tay chà sát mạnh vào hậu môn.

XEM THÊM: ĐIỀU TRỊ BỆNH TRĨ CẦN LƯU Ý NHỮNG GÌ

Điều trị ngoại khoa

  • Đối với các trường hợp trĩ có các biến chứng huyết khối: bệnh trĩ có huyết khối nên được can thiệp sớm bằng cách thực hiện phương pháp cắt bỏ theo các phương pháp kinh điển hoặc phối hợp lấy huyết khối kèm cắt trĩ bằng các phương pháp khác.
  • Thủ thuật thắt búi trĩ bằng dây thun hoặc chích xơ mạch máu đến nuôi búi trĩ, thường được áp dụng cho các trường hợp trĩ mức độ nhẹ
  • Chích xơ chỉ định trong trĩ độ 1 và 2, không chỉ định cho trĩ ngoại, trĩ có huyết khối, trĩ nội bị viêm loét hoặc hoại tử. Đối với thủ thuật điều trị chích xơ, 1-2 ml chất làm xơ (thường là natri tetradecyl sulfate hoặc phenol 5%, quinine, urea hydrochloride, polidocanol) được tiêm bằng kim 25-gauge vào lớp dưới niêm của búi trĩ.
  • Thắt bằng dây thun-Vòng thắt cao su được đặt bao quanh búi trĩ, thắt gây ra sự thiếu máu cục bộ, búi trĩ bị xơ, teo lại và tự rụng đi. Ưu điểm là dễ thực hiện, đơn giản, rẻ tiền, có thể điều trị ngoại trú cho những bệnh nhân trĩ độ 2 và 3
  • Phương pháp Longo (stapled hemorrhoidectomy-PPH, 1998) được thừa nhận ở nhiều nước châu Âu, châu Á. Phương pháp này đã trở thành một lựa chọn được chấp nhận rộng rãi trong phẫu thuật cắt bỏ trĩ để điều trị trĩ nội độ 3 và độ 4. Ở Trung Quốc trong thập kỷ gần đây, thậm chí nó có xu hướng thay thế cho cắt bỏ trĩ truyền thống. Đây là phương pháp không cắt trĩ mà nguyên lý là làm gián đoạn các mạch máu trĩ trên và giữa, sau đó khâu niêm mạc hậu môn-trực tràng bị sa lên trên, đưa các búi trĩ về vị trí trong ống hậu môn do đó làm teo mô trĩ. Ưu điểm ít gây khó chịu hơn vì không cắt bỏ vùng da hậu môn.
  • Phương pháp khâu triệt mạch THD được thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm để làm tắc mạch cung cấp máu cho hậu môn, do đó làm giảm sự phình búi trĩ.
  • Cắt trĩ bằng các phương pháp kinh điển: Miligan Morgan, Ferguson, White Head, các phương pháp này can thiệp trực tiếp vào búi trĩ nên thường gây đau.

Phòng ngừa bệnh trĩ

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh trĩ là giữ cho phân mềm, để chúng dễ dàng đi qua lỗ hậu môn. Để ngăn ngừa trĩ và giảm triệu chứng trĩ, hãy làm theo các phương pháp sau:

  • Ăn thực phẩm nhiều chất xơ. Ăn nhiều trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên cám ví dụ lúa mì, yến mạch, lúa mạch, ngô, gạo lứt, lúa mạch đen, kê,… giúp làm mềm phân và tăng khối lượng phân. Thêm chất xơ vào chế độ ăn uống từ từ để tránh xì hơi quá mức.
  • Uống nhiều nước. Uống từ sáu đến tám ly nước và các chất lỏng khác (không phải rượu) mỗi ngày để giúp làm mềm phân.
  • Xem xét chất bổ sung chất xơ. Hầu hết mọi người không nhận đủ lượng chất xơ được khuyến cáo 25 gram mỗi ngày đối với phụ nữ và 38 gram mỗi ngày đối với nam giới trong chế độ ăn uống. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung chất xơ không kê đơn, chẳng hạn như Metamucil và Citrucel, giúp cải thiện các triệu chứng và giảm chảy máu từ búi trĩ. Những sản phẩm này giúp giữ phân mềm và đi cầu đều đặn mỗi ngày. Cần lưu ý khi sử dụng chất chất xơ bổ sung, hãy chắc chắn uống ít nhất tám ly nước hoặc các chất lỏng khác mỗi ngày. Nếu không, các chất bổ sung có thể gây táo bón hoặc làm táo bón nặng hơn.
  • Không rặn mạnh khi đi cầu vì khi cố gắng rặn sẽ tạo ra áp lực lớn hơn lên các tĩnh mạch ở trực tràng dưới làm búi trĩ phình to và dễ chảy máu.
  • Đi cầu ngay khi có cảm giác mắc cầu. Nếu bỏ lỡ cảm giác mắc đi cầu, niêm mạc trực tràng dần hấp thu nước trong phân bị ứ đọng, phân sẽ trở nên khô, cứng và khó hơn đi cầu hơn.
  • Tập thể dục. Duy trì vận động mỗi ngày để giúp ngăn ngừa táo bón và giảm áp lực lên tĩnh mạch, có thể xảy ra khi đứng lâu hoặc ngồi lâu. Tập thể dục cũng có thể giúp giảm cân.
  • Tránh ngồi lâu. Ngồi quá lâu, đặc biệt là trên bồn cầu, có thể làm tăng áp lực lên tĩnh mạch ở hậu môn.

Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương luôn đưa vào áp dụng đầy đủ các phương pháp chữa bệnh trĩ hiệu quả.

Để được tư vấn và giải đáp mọi thắc mắc, Quý khách hàng vui lòng liên hệ số Hotline: 18009415

 

 

Back To Top