Xả stress cho người nghèo

- 38 lượt xem - Chưa phân loại

Lạc vào "ma trận" lo âu

Bà Nguyễn Thị Tơ, xã Thủy Phương, thị xã Hương Thủy là một phụ nữ đơn thân năm nay đã gần 60 tuổi. Người ta hay nói đến số phận éo le khi nhắc đến những người phụ nữ sống đơn thân cả đời. Nhưng với những người nông dân chất phác như bà Tơ, câu chuyện ấy không khiến bà phiền lòng. Gia cảnh bà Tơ nghèo nhưng không đến mức thiếu ăn. Niềm vui và hạnh phúc của bà là chăm sóc cha, mẹ già.

Cuộc sống cứ thế trôi đi một cách êm đềm. Nhưng một biến cố lớn đến với bà khi các cụ thân sinh qua đời. Niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất đã không còn, cuộc đời bà bỗng chốc rơi vào cô quạnh. Nhiều đêm bà thức trắng. Có những ngày bà ngồi bần thần, bất động cả mấy tiếng đồng hồ với những ý nghĩ mông lung. Bà thường xuyên cảm thấy ngộp thở, tức ngực, chóng mặt. Đó là những điều bà chưa từng gặp phải từ trước tới nay.

Bà tự cho rằng mình đã mắc một chứng bệnh nan y không thể chữa được. Hàng xóm thấy bà mất hết "thần hồn, thần sắc", nhiều người thương tình mách nước cho bà đi khám chỗ này, chỗ kia. "Có bệnh thì vái tứ phương", bà Tơ cũng lặn lội đi chữa nhiều nơi, uống đủ cả "thuốc tây, thuốc ta". Nhưng bệnh không thuyên giảm mà ít tiền tích cóp "đội nón ra đi". Đã suy sụp, lại suy sụp hơn. Chưa đầy 1 năm mà bà trở nên tiều tụy như một cái bóng. "Tui luôn lo âu, buồn phiền, mất ăn, mất ngủ, có lúc tui thích tìm đến cái chết mà không được, ông bà chưa cho tui về , cả năm tui không ra khỏi nhà ai cho chi thì ăn nấy", bà Nguyễn Thị Tơ chia sẻ.

Xả stress cho người nghèo
 

"Đây là một trong những trường hợp điển hình của bệnh rối loạn lo âu lan tỏa", BS CKI Nguyễn Thị Lành, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thủy Phương, thị xã Hương Thủy cho biết.

Người bị bệnh rối loạn lo âu lan tỏa trong một thời gian dài luôn lo âu quá mức về nhiều sự kiện, vấn đề như sức khỏe, tiền bạc v.v… Họ bị các cảm giác căng thẳng, sợ hãi, có lúc kèm thêm buồn rầu. Khác với lo âu bình thường, các biểu hiện của người bệnh quá nặng nề. Nó gây xáo trộn và làm cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Khi lên đến cực độ, những người mắc chứng bệnh này có thể kèm theo trầm cảm, khiến bệnh nhân không còn khả năng thức dậy ra khỏi giường hoặc chăm sóc cho bản thân họ nữa.

Bác sỹ chuyên khoa II tâm thần và chuyên gia tâm lý lâm sàng Lâm Tứ Trung, Phó chủ tịch Hội Tâm thần học Việt nam cho biết: Trước đây người ta thường nghĩ đây là bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, thần kinh, do đó người bệnh đến các bác sĩ nội khoa khám và điều trị. Các điều trị này có giúp giảm triệu chứng nhưng không hoàn toàn.

Trường hợp của bà Nguyễn Thị Tơ được các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Huế, phối hợp với trạm Y tế xã Thủy Phương, thị xã Hương Thủy tư vấn tâm lý và hướng dẫn tập kỹ thuật quản lý nhịp thở để kiểm soát lo âu. Hàng tuần, bà tới trạm y tế theo lịch hẹn để BS CKI Nguyễn Thị Lành hướng dẫn giúp giải quyết tâm trạng lo âu và cách giải quyết các vấn đề tâm lý để bà có cuộc sống thoải mái hơn. Sau thời gian điều trị tâm lý, sức khỏe của bà Tơ đã trở lại bình thường. "Hiện tại tui cảm thấy thoải mái, hết lo buồn phiền, không uống thuốc ngủ mà tui cũng ngủ được", bà Tơ chia sẻ.

Với những bệnh nhân nghèo như bà Nguyễn Thị Tơ, chữa khỏi bệnh mà không tốn kém tiền bạc là một điều không tưởng. Giờ đây, bà đã tìm lại được niềm vui sống.

Quẳng gánh lo âu

Bà Nguyễn Thị Tơ chỉ là một trong số hàng trăm bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa được điều trị thành công tại các trạm y tế, đó là một phần hoạt động của chương trình “Hỗ trợ xây dựng mô hình chăm sóc sức khoẻ tâm thần cộng đồng và phát triển" do tổ chức Atlantic Philanthroples thông qua tổ chức Basic Needs tài trợ được thực hiện tại 15 xã của các địa phương: thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2014.

Bác sĩ Lâm Tứ Trung đánh giá: Dự án này của BasicNeeds Việt Nam giúp bệnh nhân mắc bệnh lo âu lan tỏa nhận biết được mình bị bệnh gì, điều trị ở đâu và tự bản thân họ cũng khống chế được bệnh và bệnh nhân có thể giúp đỡ người khác bị bệnh tương tự. Trong dự án bệnh nhân được điều trị toàn diện: thuốc- tâm lý và hỗ trợ kinh tế, xã hội tại địa phương và không mất tiền. Qua điều trị bệnh nhân tìm được lại giá trị của bản thân.

Đây cũng là chương trình đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và toàn quốc nói chung triển khai can thiệp đến bệnh rối loạn lo âu lan tỏa với cách tiệp cận hoàn toàn mới.

Trong khuôn khổ của dự án, các bác sĩ thuộc 15 trạm y tế được tham gia các lớp tập huấn chuyên môn do các chuyên gia đầu ngành tâm thần trong nước và nước ngoài hướng dẫn.

Sau khi khám sàng lọc tại cộng đồng, những bệnh nhân nặng được Bệnh viện Tâm thần Huế phối hợp với các trạm y tế kết hợp cùng điều trị. Bên cạnh đó, bác sĩ của 15 trạm y tế đã chủ động chẩn đoán bệnh, điều trị đối với các trường hợp nhẹ và trung bình. Đánh giá chung của các chuyên gia cho thấy bước đầu cách tiếp cận này cho hiệu quả tốt. Tổng số bệnh nhân được khám, chẩn đoán gồm 655 người, có 594 bệnh nhân chấp nhận điều trị, đa số bệnh nhân sau khi điều trị đạt kết quả tốt.

Mô hình khám và điều trị bệnh rối loạn lo âu lan tỏa ngay tại trạm y tế phường, xã cho thấy lợi ích rất thiết thực với bệnh nhân tâm thần nói chung, bệnh rối loạn lo âu lan tỏa nói riêng. Đặc biệt với bệnh nhân nghèo không có điều kiện đi xa, có thể được khám, điều trị ngay tại tuyến y tế cơ sở.

Theo Y học thực hành

Back To Top