Viêm màng não do ký sinh trùng

- 13 lượt xem - Chưa phân loại

Viêm não, màng não do amip

Amip có ở sông ngòi ao hồ nước ngọt ấm, xâm nhập cơ thể người qua đường mũi trong khi bơi hay ngụp lặn ở đó. Từ mũi, amip đi vào não phá hủy mô não. Bệnh không truyền qua đường uống; không có amip trong nước biển mặn; bệnh không lây từ người sang người.

Biểu hiện: Từ 1 – 7 ngày khi amip xâm nhập, người bệnh thấy đau đầu, sốt, buồn nôn và nôn, cứng cổ. Thời gian muộn hơn: bệnh nhân bị lẫn lộn, thờ ơ với mọi người xung quanh, mất thăng bằng, có các cơn động kinh, ảo giác. Bệnh nặng lên rất nhanh và thường tử vong trong vòng 1 – 12 ngày, dù có điều trị hay không. 

 
 
Viêm màng não do ký sinh trùng
 

 Chu trình nhiễm giun mạch gây viêm màng não.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Viêm màng não do giun mạch

Giun mạch là nguyên nhân gây viêm màng não hay gặp nhất. Ấu trùng giun mạch có tính ưa thần kinh. Giun mạch ký sinh ở động mạch phổi của chuột nên được gọi là “giun ở phổi chuột”, đẻ trứng trong các động mạch và nở thành các ấu trùng giai đoạn 1. Ấu trùng xuyên qua thành động mạch đi vào phổi và di cư lên các phế quản rồi xuống ruột, thải ra ngoài theo phân. Người là ký chủ tình cờ, bị nhiễm do ăn phải ốc sên chưa nấu chín kỹ mang ấu trùng, hay ăn rau sống có dính chất nhờn do ốc sên hay các loài nhuyễn thể khác tiết ra. Ở ruột người, ấu trùng xuyên qua thành ruột di cư lên não và tủy sống, gây viêm màng não và lên mắt, gây giảm thị lực hay mù mắt. Ở người, trên bề mặt não và tủy sống, ký sinh trùng trở thành ấu trùng giai đoạn cuối nhưng chúng không thể phát triển thành giun trưởng thành như ở chuột.

Viêm màng não do giun đầu gai

Bệnh truyền từ động vật sang người, ấu trùng của giun đầu gai bám lên thành ruột của các động vật như lợn, chó, mèo sau đó được thải ra phân và phát triển thành phôi bào trong môi trường nước. Chúng phát triển trong các ký chủ trung gian như các loại cá, ếch, rắn nước. Người nhiễm bệnh khi ăn các loại thức ăn chế biến từ cá, rắn, gia cầm mang ấu trùng hay uống nước có ấu trùng không được nấu chín. Ấu trùng của giun đầu gai có thể di chuyển dưới da, đi đến các nội tạng, ổ mắt, hệ thần kinh gây viêm màng não.

Viêm màng não do nhiễm giun đũa chó, mèo

Người ăn phải những thức ăn có nhiễm trứng các loại giun này do ruồi làm lây nhiễm, hay do nhiễm trứng giun từ bàn tay khi tiếp xúc với đất nhưng không được rửa sạch trước khi ăn. Trong cơ thể, ấu trùng của giun đũa chó, mèo có thể di cư đến nhiều cơ quan gây bệnh như ngứa da, mù mắt, sưng gan, tràn dịch màng tim, màng phổi, viêm màng não.

Viêm màng não do ký sinh trùng

 Nang sán lợn trong “thịt lợn gạo”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Viêm màng não do nang sán lợn

Người ăn phải thịt lợn gạo còn sống như trong nem chua, hay thịt lợn nấu tái, vào ruột non người ấu trùng phát triển thành sán trưởng thành. Sán lợn trưởng thành ở trong ruột non của người đẻ ra trứng, trứng theo phân ra ngoài, khi lợn ăn vào (lợn là ký chủ trung gian) khi đến ruột lợn, trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng xuyên qua thành ruột đi đến khắp nơi trong cơ thể lợn dưới dạng các nang sán lợn nên thịt những con lợn này, gọi là “thịt lợn gạo”. Khi đó gọi là mắc bệnh sán lợn. Nếu người ăn phải thức ăn chưa được nấu chín bị nhiễm trứng sán từ môi trường bên ngoài thì sẽ dẫn đến bệnh nang sán lợn ở người. Từ trong ruột, các ấu trùng sán sẽ xâm nhập mạch máu và di cư đến khắp nơi gây ra những nốt cứng ở bắp thịt, nhiều nhất là ở mô dưới da, não và mắt. Trường hợp này, người là ký chủ trung gian. Nang sán lợn có thể gây bệnh viêm màng não, tổn thương não gây động kinh, giảm thị lực hay mù mắt…

Dấu hiệu viêm màng não ký sinh trùng

Khi bị viêm màng não do ký sinh trùng, các triệu chứng thường gặp là: sốt, đau đầu, thường đau nhiều vùng trán, chẩm, hai bên thái dương, đau nhiều về đêm, buồn nôn, nôn, dị cảm tay chân, đau mỏi cổ gáy, đôi khi cứng cổ. Có thể có triệu chứng nhìn đôi do liệt các dây thần kinh vận nhãn, giảm thị lực, yếu tay chân. Trường hợp bệnh diễn tiến nặng, bệnh nhân có thể hôn mê, thậm chí tử vong. Nếu nhiễm giun đầu gai thì bị nổi mẩn da do ấu trùng di chuyển.

Xét nghiệm công thức máu thấy tăng bạch cầu ái toan, chọc dò dịch não tủy thấy tăng bạch cầu ái toan, xét nghiệm phát hiện được kháng thể chống ký sinh trùng trong dịch não tủy. Chụp cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính não bộ có thể thấy hình ảnh của viêm màng não. Sinh thiết mô xác định có ký sinh trùng trong các tạng.

Điều trị và phòng bệnh

Bệnh viêm màng não ký sinh trùng cần được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Thuốc cần dùng là các thuốc điều trị đặc hiệu cho từng loại ký sinh trùng.

Phòng bệnh có thể được thực hiện dễ dàng, hiệu quả và không tốn kém chỉ bằng các biện pháp giản đơn như rửa tay sạch trước khi ăn, thức ăn cần được nấu chín và không để ruồi bu, không để chân tiếp xúc với bùn đất khi làm việc đồng bằng cách đi ủng, đeo xà cạp. Tránh viêm não màng não do amip: hạn chế các hoạt động dưới nước hoặc tắm ở ao, hồ, sông, suối nhiễm bẩn bởi phân rác; nút mũi hoặc dùng clips mũi khi làm việc dưới nước, tránh ngụp lặn tại các nơi nước ngọt ấm và nông. Dùng nước muối sinh lý rửa mũi, súc rửa xoang…
 
 
ThS. Trần Minh Thanh
Back To Top