Vài chia sẻ về người làm quản lý chất lượng tốt

- 77 lượt xem - Quản lý chất lượng
1. Có khả năng ảnh hưởng đến người khác – Influence competency
Để làm một trưởng phòng quản lý chất lượng, việc chúng ta cần chuẩn bị là tạo một khả năng ảnh hưởng đến người khác.

Các nhà quản lý mới được lên chức thường đòi QUYỀN – “anh phải cho tôi quyền tôi mới làm được”. Đó là một biểu hiện khá phổ biến vì các nhà quản lý mới thường gặp khó khăn trong việc tác động, ảnh hưởng đến người khác.

Tôi thường nghe các trưởng phòng quản lý chất lượng than thở “ở đây nói không ai nghe, phòng quản lý chất lượng không có quyền gì hết…”

>>> Quyền và khả năng ảnh hưởng
Quyền có thể có trong bản mô tả công việc, nhưng bạn chưa chắc có khả năng ảnh hưởng đến người khác.

Quyền có thể có được từ việc mượn danh lãnh đạo cao hơn (“cái này là sếp lệnh nghe…”), có thể làm người ta khiếp sợ, có thể áp đặt người khác trong một số tình huống. Nhưng, với hàng ngàn lý do, đâu cũng vào đấy, công việc vẫn không tiến triển gì, hoặc có tiến triển cũng chỉ đủ để đối phó.

Ngược lại, đôi khi bạn không được thể chế công nhận quyền nhưng bạn lại có khả năng tạo ra ảnh hưởng đến người khác.
Nghĩa là người ta tự nguyện tự giác làm theo những gì ta triển khai mà không cần “mang sếp ra dọa”.

Để triển khai công việc tốt, bạn cần “tu luyện” năng lực ảnh hưởng đến người khác hơn là nôn nóng quyền lực.

Để có khả năng ảnh hưởng đến người khác, bạn cần thay đổi tư thế của mình. Tôi thường khuyên các anh chị làm trưởng phòng quản lý chất lượng, các anh chị không phải là “cảnh sát trưởng” mà là “tư vấn trưởng”. Nghĩa là tôi ở đây không phải coi anh sai cái gì để đi méc, mà tôi ở đây để cùng anh giải quyết vấn đề, và tháo gỡ khó khăn.

Chịu khó hạ mình một chút, không mất của ta thứ gì, nhưng công việc sẽ chạy tốt hơn.
Câu “đầu môi” của trưởng phòng quản lý chất lượng thường là “việc này của anh là phức tạp đó, theo tôi, anh thử suy nghĩ nên làm như thế này…”.

Luôn đồng cảm, có giải pháp và nhường cho người khác ghi công. Làm được điều này, bạn sẽ là người mà ai cũng cần đến và những tư vấn của bạn luôn được người khác lắng nghe (vì bạn không đe dọa ai), do đó bạn được người ta tôn trọng và dễ dàng chấp nhận ý kiến của bạn – đó là sự ảnh hưởng, thuyết phục của bạn với người khác.

Quyền có thể đến từ học vị, bằng cấp, bảng thành tích trong quá khứ. Nhưng nếu bạn không có năng lực giải quyết vấn đề thực sự thì nó cũng nhanh chóng mờ nhạt trong tâm trí người khác.

Tóm lại, người có khả năng ảnh hưởng là người mà trong tâm trí người khác “có ông đó (bà đó), thì chuyện gì cũng có thể giải quyết được, người chuyên đi giải quyết việc khó”.

Cái tệ hại nhất của một trưởng phòng quản lý chất lượng “ông (bà) đó chuyên đi tạo ra vấn đề cho người khác giải quyết, bản thân ổng (bả) chả nghĩ được cái gì…”.
2. Có khả năng truyền cảm hứng (inspire competence)
Cải tiến chất lượng, giải quyết các vấn đề chất lượng luôn đối diện khó khăn. Bạn không thể ra lệnh cho ai đó “anh/chị phải nghĩ cho tôi giải pháp ngay lập tức”.

Ý tưởng sáng tạo không đến từ sự dọa nạt hay đặt hàng, những tác động từ bên ngoài (extrinsic motivation). Ý tưởng sáng tạo đến từ động lực nội tại (intrinsic motivation), cảm thấy vấn đề thú vị, cảm thấy thách thức, cảm thấy vấn đề có ý nghĩa,..

Cho nên, để người khác hứng thú sáng tạo, hay hứng thú nghĩ cách giải quyết vấn đề, bạn cần cho người khác thấy ý nghĩa của việc đang làm. Câu “đầu môi” của người làm quản lý chất lượng “ta đang gặp thách thức chỗ này, thách thức này là thú vị đấy, ta mà nghĩ cách giải được nó, mang đến lợi ích cho nhiều người…”. Nghĩ không ra giải pháp không phải là một cái tội. Nhưng nghĩ ra được ý tưởng gì đó thì quá tốt.

Người truyền cảm hứng là người tạo ra hứng thú cho người khác làm việc. Có sự xuất hiện của bạn, mọi người cảm thấy muốn làm việc, muốn suy nghĩ, muốn đóng góp.

Muốn truyền được cảm hứng thì bản thân bạn phải có hứng trước, nghĩa là phải tự tạo cảm hứng cho mình trước. Ngay cả mình còn không có hứng nữa thì truyền được cho ai.

Phàm là con người, ai cũng có lúc này lúc khác, có lúc có cảm hứng làm cái gì đó, có lúc chán nản buông xuôi, và thậm chí chạy trốn công việc. Để giữ được nguồn cảm hứng dồi dào, theo tôi, kết nối với bên ngoài (networking) là một phương pháp quan trọng. Bạn cần đi dự workshop chuyên ngành nhiều hơn, kết nối với nhiều chuyên gia hơn, tham gia các diễn đàn, các nhóm trên mạng xã hội chẳng hạn. Ở đó bạn sẽ gặp gỡ nhiều người “cùng cảnh ngộ”, bạn được chia sẻ. Từ đó cảm hứng sẽ quay về và bạn mới “keep moving” được.

Back To Top