UNG THƯ CỔ TỬ CUNG: NHỮNG NGUYÊN NHÂN VÀ TRIỆU CHỨNG ĐIỂN HÌNH

- 539 lượt xem - Sản phụ khoa, Y học thường thức

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể không rõ ràng. Trong giai đoạn tiến xa, các triệu chứng của bệnh có thể bao gồm chảy máu, tiết dịch âm đạo bất thường, đau bụng, đau lưng,…

Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung là ung thư phát triển từ các tế bào bất thường tại cổ tử cung. Về mặt giải phẫu học, cổ tử cung là phần dưới của tử cung, được nối với âm đạo ở phía dưới và với tử cung ở phía trên.

Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, đặc biệt ở những phụ nữ trên 30 tuổi.

Điểm danh ngay các nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung chính

Tử cung là cơ quan quan trọng của hệ sinh dục, có vai trò tạo môi trường và nuôi dưỡng hợp tử sau thụ tinh di chuyển, làm tổ và phát triển thai nhi. Cổ tử cung là bộ phận nằm giữa âm đạo và thân tử cung, có vai trò liên kết, nơi tinh trùng di chuyển qua để vào tử cung gặp trứng.

Ung thư xảy ra khi tế bào niêm mạc tử cung bị đột biến, phát triển nhanh chóng ngoài tầm kiểm soát, lấn chấm tế bào lành và hình thành khối u. Tình trạng này gây ảnh hưởng đến chức năng cơ quan, khi khối u phát triển lớn, ung thư sẽ di căn lan rộng ra các cơ quan trong cơ thể.

Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh lý cổ tử cung này sẽ gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe, đe dọa đến tính mạng và cuộc sống của người bệnh. Nguyên nhân chính xác gây bệnh ung thư này hiện vẫn chưa xác định rõ, nhưng có mối quan hệ đặc biệt với virus HPV.

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung thường gặp

Ở giai đoạn sớm, người bệnh thường không có biểu hiện hay triệu chứng cụ thể. Khi bệnh ở giai đoạn tiến xa, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện rõ hơn do khối u phát triển tại chỗ gây ảnh hưởng tới các cơ quan xung quanh, cũng như di căn xa tới các cơ quan khác trong cơ thể.

Các biểu hiện ung thư cổ tử cung có thể là:

  • Các dấu hiệu cảnh báo sớm: Ra máu và tiết dịch âm đạo bất thường, đau và chảy máu khi quan hệ tình dục.
  • Các dấu hiệu khi bệnh ở giai đoạn tiến xa: đau vùng chậu, đau lưng, phù chân và đau nhức chân, mệt mỏi, sụt cân, rò phân/nước tiểu qua ngả âm đạo, gãy xương,…

Chảy máu âm đạo bất thường

Ra máu âm đạo bất thường là một dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư.

Các triệu chứng chảy máu âm đạo thường gặp như:

  • Chảy máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục
  • Chảy máu sau khi mãn kinh
  • Chảy máu giữa các kỳ kinh
  • Kinh nguyệt kéo dài
  • Kinh nguyệt nhiều hơn bình thường

Tiết dịch âm đạo bất thường 

Đây cũng là một trong các dấu hiệu cảnh báo sớm

Các triệu chứng thường gặp như:

  • Dịch tiết ra có thể chứa một ít máu, giữa chu kỳ kinh hoặc sau khi mãn kinh.
  • Dịch tiết có mùi hôi.
  • Dịch có màu khác thường (trắng, trong, dạng nước hoặc màu nâu).

Đau khi quan hệ tình dục

Đây cũng là một trong những dấu hiệu gợi ý ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.

Đau vùng chậu 

Đau vùng chậu không phải do ngồi sai tư thế, nằm hay đau không giải thích được có thể là triệu chứng của ung thư cổ tử cung. Cơn đau thường gặp ở vị trí gần ruột thừa hoặc ở vùng giữa của xương chậu. Đây có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung ở giai đoạn tiến xa (khi u chèn ép các cơ quan trong vùng chậu, di căn xương,…).

Phù chân

Phù chân không giải thích được có thể là một dấu hiệu ung thư cổ tử cung. Các tế bào ung thư di căn đến các hạch bạch huyết vùng chậu gây chèn ép đường dẫn lưu bạch huyết (còn được gọi là phù bạch huyết).

Các dấu hiệu khác như: Sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, chán ăn kéo dài, gãy xương do di căn xương, rối loạn đại-tiểu tiện do u phát triển gây chèn ép trực tràng-bàng quang,…

Tầm soát phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

Tầm soát là phát hiện những thay đổi tiền ung thư hay ung thư giai đoạn sớm khi chưa có dấu hiệu hay triệu chứng của bệnh, mục đích nhằm điều trị sớm và giúp giảm tỷ lệ tử vong do bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), việc tầm soát ung thư cổ tử cung nên được thực hiện như sau:

1. Khám sàng lọc

Phụ nữ từ 21 – 29 tuổi

Nên bắt đầu làm xét nghiệm Pap ở tuổi 21. Nếu kết quả xét nghiệm Pap bình thường, lần xét nghiệm Pap tiếp theo có thể làm sau 3 năm.

Phụ nữ từ 30 – 65 tuổi

– Chỉ làm xét nghiệm Pap: Nếu kết quả bình thường, lần xét nghiệm Pap tiếp theo có thể làm sau 3 năm.

– Chỉ làm xét nghiệm HPV: Nếu kết quả bình thường, lần xét nghiệm tiếp theo sẽ làm sau 5 năm.

– Xét nghiệm HPV kết hợp với xét nghiệm Pap: Đây được gọi là bộ đôi xét nghiệm. Nếu cả hai kết quả đều bình thường, lần sàng lọc tiếp theo có thể được tiến hành sau 5 năm.

Phụ nữ trên 65 tuổi

Những trường hợp không cần thiết phải tầm soát trong nhóm tuổi này như: Những phụ nữ đã có kết quả xét nghiệm tầm soát bình thường trong nhiều năm, những phụ nữ đã được cắt bỏ cổ tử cung trong điều trị bệnh lý lành tính như u xơ tử cung,…

Những lưu ý trước khi tiến hành xét nghiệm Pap hoặc HPV:

  • Không nên tiến hành vào thời điểm đang có kinh, hoặc trước kỳ kinh 2 ngày.
  • Không nên thụt rửa âm đạo.
  • Không nên sử dụng tampon.
  • Không nên quan hệ tình dục.
  • Không nên dùng thuốc hoặc kem bôi vào âm đạo.

Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung

XEM THÊM: NHỮNG DẤU HIỆU NHẬN BIẾT UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), điều quan trọng nhất có thể làm để giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung là tiêm vắc xin dự phòng và làm các xét nghiệm tầm soát định kỳ.

Xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV có thể giúp tầm soát, phát hiện sớm ung thư.

Vắc xin phòng ngừa HPV

Tiêm vắc xin phòng ngừa HPV giúp bảo vệ cơ thể chống lại các loại virus HPV thường gây ra ung thư CTC, âm đạo và âm hộ. Tuy nhiên, tiêm vắc xin không thể thay thế cho việc tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ.

Tại Mỹ, tiêm phòng HPV được khuyến cáo cho trẻ em gái từ 11 tuổi đến 12 tuổi, nhưng có thể được tiêm bắt đầu từ 9 tuổi.

Tại Việt Nam, thuốc chủng ngừa HPV cũng được khuyến cáo cho tất cả nữ giới từ 26 tuổi trở xuống, nếu chưa từng được chủng ngừa.

Tiêm phòng HPV thường không được khuyến cáo cho phụ nữ trên 26 tuổi do những phụ nữ ở độ tuổi này thường đã phơi nhiễm với HPV và ít mang lại lợi ích dự phòng. Tuy nhiên, một số phụ nữ trong độ tuổi từ 27 đến 45 tuổi và chưa được chủng ngừa có thể được tiêm phòng HPV sau khi thảo luận với bác sĩ về nguy cơ nhiễm chủng HPV mới, cũng như những lợi ích có thể có của việc tiêm phòng.

Trẻ em gái dưới 15 tuổi sẽ được tiêm 2 liều vắc xin, mỗi liều cách nhau từ 6-12 tháng. Với những trẻ từ 15 tuổi trở lên, tiêm 3 liều cách nhau 6 tháng.

Trên đây là những thông tin hữu ích liên quan đến nguyên nhân ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Bệnh có thể được phòng ngừa tốt bằng các biện pháp như vắc-xin, xét nghiệm tầm soát hay điều trị tích cực. Đến với Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, bạn không cần quá lo lắng vì các bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa theo tình trạng sức khỏe, độ tuổi của bạn và tư vấn cụ thể về loại xét nghiệm, vắc-xin hoặc phác đồ chữa trị phù hợp, hiệu quả.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ số Hotline: 18009415 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

Back To Top