Sắc màu dược phẩm

- 8 lượt xem - Chưa phân loại

Dược phẩm thường bao gồm 3 thành phần cấu tạo chính: dạng phân liều (chứa dược chất và tá dược) được chứa đựng và bảo vệ trực tiếp bởi bao bì cấp 1 (chai lọ bằng chất dẻo, nhôm hay thủy tinh) và gián tiếp bởi bao bì cấp 2 (hộp giấy). Màu sắc đối với dược phẩm có liên quan đến màu của dạng phân liều (với tá dược màu), màu của bao bì cấp 1 và bao bì cấp 2; trong đó, màu của dạng phân liều và bao bì cấp 1 có vai trò quan trọng đối với chất lượng sản phẩm và an toàn sử dụng.

Màu sắc tác động đến tâm lý và điều trị

Về tâm lý, người ta có thể cảm thấy bồn chồn trong phòng màu vàng hay an dịu và thư giãn với môi trường màu xanh. Từ lâu, các nghệ nhân và nhà thiết kế đã hiểu màu sắc ảnh hưởng đối với tính khí, cảm giác và xúc cảm.

Vùng màu đỏ bao gồm các màu: đỏ, cam và vàng. Đây là các màu “ấm” có thể gây ra các cảm xúc từ ấm áp, thoải mái cho đến bực bội.

Vùng màu xanh dương bao gồm các màu: xanh dương, đỏ tía và xanh lá. Đó là các màu “dịu” có thể gây ra các cảm xúc từ êm dịu, buồn bã cho đến ấm áp, từ thoải mái cho đến dửng dưng. Nhiều bệnh nhân thường thích các viên thuốc màu hồng vì cho rằng nó có vẻ ngọt hơn các viên màu đỏ; không thích các viên thuốc an thần có màu hạt dẻ, mà thích màu xanh hơn vì cảm giác êm dịu; không thích các viên thuốc trị chứng ợ chua có màu đọt chuối vì sợ cảm giác buồn nôn mà thích màu hồng với cảm giác dễ chịu.

Một số công trình nghiên cứu chứng minh màu sắc có ảnh hưởng trên con người. Chẳng hạn: các thuốc với dạng tiểu hoàn có màu “ấm” được ghi nhận có hiệu quả nhiều hơn các các thuốc vờ dạng tiểu hoàn có màu “dịu”.

Màu sắc cũng có thể gây ra những phản ứng sinh lý (một số màu có liên quan đến chứng tăng huyết áp, tăng biến dưỡng và căng mắt). Người Ai Cập và Trung Quốc cổ đại đã dùng màu sắc trong trị liệu (chromotherapy, light therapy, colourology). Ngày nay, phương pháp trị liệu với màu sắc cũng được dùng như liệu pháp thay thế. Cơ sở lý luận của phương pháp trị liệu này cho rằng màu sắc rung động với tần số đặc biệt và cơ quan, phủ tạng trong cơ thể con người cũng vậy; màu tương ứng với các vùng trên cơ thể có cùng tần số. Khi người ta bệnh, các tần số của cơ quan, phủ tạng bị bất thăng bằng; do đó, màu phù hợp có thể giúp phục hồi sức khỏe. Một số màu và tác dụng có thể trị liệu như sau:

Màu đỏ: kích thích cơ thể và tinh thần và làm tăng sự tuần hoàn, kích thích gan, giảm đau, giảm các rối loạn của phụ nữ…

Màu cam: kích thích phổi và gia tăng oxy, làm giảm sự co rút hay co thắt, giúp giảm cơn đau bụng kinh, giảm chứng đầy hơi…

Màu vàng: kích thích thần kinh và làm thanh khiết cơ thể, giúp ngon miệng, giúp tim khỏe và tăng sự tuần hoàn…

Màu xanh lá: kích thích não, kích thích hệ tiêu hóa, giúp thư giãn cơ, làm lành vết thương ngoài da, tạo trạng thái mạnh khỏe…

Màu nước biển: an thần nhẹ mà không có tác dụng phụ, giảm nhức đầu, giúp hài hòa hệ tuần hoàn, giúp giảm đau do phỏng…

Màu xanh da trời: làm giảm bệnh trạng và xoa dịu cơn đau; trị mụn và rối loạn da, trị rối loạn giấc ngủ, giảm ngứa và kích ứng…

Màu chàm: giảm đau và giảm sưng, an thần và khiến ngủ, làm săn se và làm giảm bớt những vấn đề của da, làm ngưng chảy máu mũi…

Màu tím: kích thích hoạt động của hoóc-môn, làm tăng miễn nhiễm tổng quát, kích thích lá lách, làm thư giãn cơ…

Sắc màu dược phẩm
 

Lược sử và ý nghĩa của màu sắc dược phẩm

Thời Ai Cập cổ đại phân liều dạng tiểu hoàn chứa các dược chất được trộn với đất sét hay bánh mì. 5 ngàn năm sau cho đến thế kỷ 20, các tiểu hoàn vẫn màu trắng. Phần lớn thuốc dạng rắn vẫn không màu trừ xirô có màu hồng. Sự chuyển dạng thuốc có màu khởi sự từ thập niên 60 và viên nang mềm có màu đầu tiên ra đời năm 1975.

Ngày nay, nhờ sự phát triển của công nghệ, viên nang có hơn 80.000 màu khác nhau. Bên cạnh đó, thuốc viên nén cũng được bao với phong phú bảng màu.

Ngoài thuộc tính hấp dẫn, màu sắc của dược phẩm có các lợi ích đối với những người sử dụng. Màu giúp người sử dụng phân biệt các dược phẩm dạng viên nén hay viên nang, là thuốc không kê đơn hay thuốc kê đơn. Bệnh nhân đáp ứng tốt hơn với các thuốc có màu định hướng tác dụng: thuốc an thần có màu xanh dương, thuốc giảm đau có màu đỏ. Màu và sự phối màu tạo nên sự hấp dẫn khi cảm nhận và giúp giảm sự nhầm lẫn dược phẩm (các bệnh nhân mỗi ngày phải dùng thuốc thì thích dùng các viên có màu sáng; các bệnh nhân lớn tuổi hay nhầm lẫn đối với các viên nhỏ màu trắng).

Trong tiếp thị, màu sắc của dược phẩm cũng không kém phần quan trọng. Có 3 phương cách chọn màu của một nhà sản xuất dược phẩm:

Dùng một màu chung cho tất cả sản phẩm của một nhà sản xuất. Thí dụ: đối với Cipla, tất cả dược phẩm đều màu trắng; trong khi Himalaya, mọi dược phẩm được đóng gói màu vàng.

Dùng một màu cho mỗi sản phẩm tùy theo bản chất của nó và dựa trên các màu có tính cạnh tranh (cần có ý tưởng và nghiên cứu).

Dùng màu theo chủ định: thuận tiện cho việc chọn lựa dược phẩm, phù hợp với máy in hay vật liệu làm bao bì dược phẩm.

Bên cạnh đó, một số hiệp hội chuyên ngành cũng ra những quy định riêng, chẳng hạn theo Hội hàn lâm Nhãn khoa của Mỹ, màu của nắp ngoài và nhãn thuốc nhỏ mắt nên phù hợp với nhóm dược chất như sau:

Nhóm dược chất kháng khuẩn: có màu nắp ngoài nâu vàng; nhóm kháng viêm steroid: hồng; giãn đồng tử và liệt cơ thể mi: đỏ; kháng viêm không steroid: xám; co đồng tử: xanh lá; chẹn bêta: vàng hay xanh dương; đối kháng cường giao cảm: đỏ tía; chất ức chế enzyme carbonic anhydrase: lam ngọc.

Tác dụng phụ của màu trong dược phẩm

Ngày xưa, khi danh mục dược phẩm còn ít và sự cạnh tranh trên thị trường chưa khốc liệt, dược phẩm thường không màu là lý tưởng vì các lý do: không có tá dược màu tức không có chất lạ vào cơ thể. Viên thuốc màu trắng khiến dễ nhận biết dược chất bị biến đổi màu (thường giảm chất lượng).

Ngày nay, do tiện phân biệt và nhằm cạnh tranh, dược phẩm được “nhuộm màu” là vấn đề bất đắc dĩ. Vấn đề đặt ra là tá dược màu (coloring excipients) có gây tác dụng phụ cho người dùng hay không? Màu dùng dược phẩm phải đạt tiêu chuẩn dược dụng (D: Drug). Các màu dùng trong mỹ phẩm (C: Cosmetics) hay thực phẩm (F: Food) không được phép dùng; một số màu dùng được trong nhiều ngành, thí dụ cả 3 ngành trên được ký hiệu FD&C.

Thông thường thuốc generic thường có nhiều tá dược màu hơn biệt dược (thuốc gốc); do đó, nguy cơ tác dụng phụ của tá dược màu sẽ tăng.

Ngoài ra, nhiều nhóm màu dược dụng có liên quan đến tác dụng phụ nghiêm trọng. Đây là những vấn đề sẽ được bàn kỹ vào một dịp khác.

GS.TS. ĐẶNG VĂN GIÁP

Back To Top