Những điều cần biết về bệnh suy giáp (tiếp)

- 9 lượt xem - Chưa phân loại

Khi tuyến giáp sản xuất không đủ hormon, chuyển hóa trong cơ thể bạn có thể sẽ mất cân bằng. Nó có thể do 1 số nguyên nhân như bệnh tự miễn, điều trị cường giáp, phẫu thuật tuyến giáp, dùng 1 số thuốc đặc biệt.

Bệnh tự miễn: Các bệnh tự miễn như viêm tuyến giáp Hashimoto là nguyên nhân thường gặp nhất gây suy giáp. Các rối loạn miễn dịch xuất hiện khi cơ thể tự sinh ra kháng thể tấn công các mô tuyến, có thể bao gồm cả tuyến giáp. Các nhà khoa học cũng chưa chắc chắn lý giải được tại sao hệ thống miễn dịch lại sinh ra kháng thể chống lại chính cơ thể mình. 1 số người lý giải có thể tác nhân virus hoặc vi khuẩn gây nên các phản ứng này. Nhưng hầu hết trường hợp, các bệnh tự miễn là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố. Khi bệnh tự miễn sinh ra kháng thể chống tuyến giáp sẽ khiến tuyến giáp không sản xuất được hormon.

Điều trị cường giáp: Những người mà tuyến giáp sản xuất nhiều hormon quá mức sẽ được điều trị bằng xạ trị iot hoặc thuốc kháng giáp trạng nhằm mục đích đưa trị số hormon tuyến giáp về bình thường. Tuy nhiên trong 1 số trường hợp, điều trị cường giáp có thể gây nên hậu quả là suy giáp.

Phẫu thuật tuyến giáp: Cắt 1 phần hoặc toàn bộ tuyến giáp có thể gây giảm sản xuất hormon. Trong trường hợp này, bạn cần điều trị hormon tuyến giáp cả đời.

Xạ trị tuyến giáp: Xạ trị có thể được dùng để điều trị ung thư vùng đầu, cổ nhưng có thể gây biến chứng suy giáp.

Thuốc: 1 số thuốc có thể gây tình trạng suy giáp như lithium điều trị bệnh lý rối loạn tâm thần. Nếu bạn phải dùng thuốc này, hãy thông báo cho bác sĩ biết.

Một số nguyên nhân hiếm gặp khác có thể gây suy giáp

Bệnh bẩm sinh: 1 số trẻ sơ sinh khi sinh ra không có tuyến giáp hoặc thiếu sót tuyến giáp. Trong hầu hết trường hợp, tuyến giáp không phát triển bình thường, hoặc không biết lý do. Thông thường, những trẻ em bị suy giáp trạng bẩm sinh đều được sinh ra bình thường. Đây cũng là lý do tại sao tất cả các trẻ em sinh ra đều nên được xét nghiệm tầm soát chức năng tuyến giáp.

Rối loạn tuyến yên: 1 nguyên nhân rất hiếm gặp gây suy giáp là tuyến yên không sản xuất đủ hormon TSH.

Phụ nữ mang thai: 1 số phụ nữ bị suy giáp khi đang mang thai hoặc sau khi sinh, thường là do cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại tuyến giáp. Nếu điều trị không đúng tình trạng này có thể gây sảy thai, đẻ non, tiền sản giật, ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai.

Giảm iot: Iot thường được tìm thấy trong các thực phẩm biển, tảo biển, những loại cây phát triển trên vùng đất nhiều iot là 1 thành phần sản xuất hormon tuyến giáp.

Yếu tố nguy cơ

Mặc dù tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh suy giáp nhưng 1 số người sẽ có nguy cơ mắc suy giáp nhiều hơn người khác

  • Phụ nữ trên 60 tuổi
  • Người mắc bệnh tự miễn
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp
  • Mắc bệnh tự miễn khác như viêm khớp dạng thấp, lupus, tình trạng bệnh mãn tính
  • Điều trị iod phóng xạ, hoặc thuốc kháng giáp trạng
  • Điều trị phóng xạ vùng đầu, hoặc từ ngực trở lên
  • Phẫu thuật tuyến giáp
  • Mang thai hoặc mới sinh con trong 6 tháng

Biến chứng

Nếu không điều trị nhược giáp có thể dẫn đến 1 số vấn đề sức khỏe

  • Bướu giáp: để sản xuất được nhiều hormon hơn tuyến giáp có thể phải phì đại to hơn, gọi là bướu giáp. Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto là 1 trong những nguyên nhân thông thường nhất gây bướu giáp.
  • Vấn đề tim mạch: suy giáp có thể dẫn đến tăng nguy cơ tim mạch do nồng độ LDL tăng cao. Suy giáp cũng có thể dẫn đến suy tim.
  • Vấn đề sức khỏe tâm thần: Sự suy giảm chức năng tâm thần có thể xuất hiện sớm khi suy giáp và trở lên nặng hơn qua thời gian.
  • Vấn đề thần kinh ngoại biên: Không kiểm soát tình trạng suy giáp trong thời gian dài có thể gây ra 1 số vấn đề về thần kinh ngoại biên. Dấu hiệu và triệu chứng có thể gồm đau, tê, cảm giác kiến bò tại vùng chi phối thần kinh bị tổn thương. Nó cũng có thể gây yếu cơ hoặc mất kiểm soát cơ.
  • Phù niêm: Hiếm khi xảy ra, khi tình trạng bệnh không được chẩn đoán trong thời gian dài. Dấu hiệu có thể gồm sợ lạnh, trạng thái lơ mơ, uể oải, buồn ngủ, hôn mê. Nếu bạn có dấu hiệu và triệu chứng của phù niêm thì bạn cần đến gặp cơ quan y tế để điều trị.

Chẩn đoán

Nhìn chung, bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng tuyến giáp nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, da khô, giảm cân, hoặc có vấn đề về tuyến giáp trước đó hoặc bướu giáp.

Xét nghiệm máu: xét nghiệm nồng độ TSH, nồng độ hormon T4. Nồng độ thấp của hormon T4 và nồng độ cao của TSH chỉ ra tuyến giáp đang hoạt động kém hiệu quả.

Điều trị

  • Điều trị cơ bản của suy tuyến giáp là hàng ngày uống thuốc levothyroxine (levothroid, synthroid,…). Thuốc uống này giúp hồi phục nồng độ hormon tuyến giáp, đảo ngược các triệu chứng của suy giáp.
  • 1 hoặc 2 tuần sau bắt đầu điều trị, bạn sẽ thấy mình đỡ mệt hơn. Thuốc này cũng làm giảm nồng độ cholesterol và giúp bạn có thể tăng cân. Điều trị với levothyroxine thường lâu dài, nhưng liều dùng có thể thay đổi, bác sĩ sẽ phải kiểm tra nồng độ TSH mỗi năm.

 

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org/diseases-conditions/hypothyroidism/symptoms-causes/syc-20350284

 

Back To Top