Ngộ độc methanol Những điều nên biết

- 26 lượt xem - Chưa phân loại

Methanol là gì?

Methanol còn tên khác như carbinol, hydroxymethane, methyl alcohol, alcohol gỗ, naphtha gỗ, methyl hydrate, methyl hydroxide, methylic alcohol, methylol, wood alcohol. Methanol tức rượu methyl, là một chất cồn, có công thức hóa học là CH3OH (viết tắt MeOH), là loại rượu đơn giản nhất, nhẹ, dễ bay hơi, không màu, dễ cháy, dễ tan trong nước, một chất lỏng với một mùi đặc trưng, nhưng hơi ngọt hơn ethanol (rượu uống). Ở nhiệt độ phòng, nó là một chất lỏng phân cực và được sử dụng như một chất chống đông, dung môi, nhiên liệu và như là một chất làm biến tính cho ethanol. Nó cũng được sử dụng để sản xuất diesel sinh học thông qua phản ứng xuyên este hóa. Trong đời sống, methanol thường được dùng trong công nghiệp để làm chất chống đông lạnh, làm dung môi trong nước rửa kính xe, chất tẩy rửa sơn, mực in máy photo và làm nhiên liệu cho các bếp lò loại nhỏ…

Ngộ độc methanol Những điều nên biết

Cấp cứu một trường hợp ngộ độc methanol.

Methanol gây độc cho cơ thể như thế nào?

Methanol dễ dàng được hấp thu qua ruột, da, phổi của người. Sau khi được đưa vào cơ thể, methanol sẽ đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 30 – 60 phút. Hóa chất này được phân bố rộng rãi vào các chất dịch của cơ thể với thể tích phân phối là 0,6 lít/kg, được chuyển hóa chậm và thất thường ở gan. Khoảng 3% lượng methanol đưa vào cơ thể được đào thải qua phổi hoặc đào thải nguyên vẹn không thay đổi qua nước tiểu.

Bản thân methanol là một chất có độc tính thấp nhưng sau khi được đưa vào cơ thể, methanol được ôxy hóa tạo nên formaldehyde, chất này lại tiếp tục được ôxy hóa tạo nên acid formic (hoặc formate, tùy theo độ PH). Cuối cùng, acid formic được chuyển hóa thành CO2 và nước, hai chất này được thải qua phổi và thận. Quá trình ôxy hóa xảy ra nhanh chóng khiến acid formic tích tụ trong huyết thanh.

Sự tích tụ của acid formic trong huyết thanh gây nên tình trạng toan chuyển hóa. Sự chuyển hóa methanol và tích tụ acid formic bên trong võng mạc mắt gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác dẫn đến mù lòa.

Rượu có chứa hàm lượng methanol cao do có thể rượu được pha từ cồn công nghiệp hoặc dùng nguyên liệu có lẫn bã (gỗ). Thường rượu được chưng cất từ gạo (tẻ, nếp) hoặc từ đường mía (dạng mật mía). Nguyên liệu phải không chứa các loại bã dạng gỗ (cenlulose). Cơ sở cất rượu thủ công có khi dùng loại mật mía không sạch bã. Trong quá trình lên men chưng cất, bã sẽ phân hủy cho ra methanol. Cũng có thể do chế từ loại cồn ethylic kém chất lượng vì thông thường vẫn có thể dùng cồn thực phẩm hay cồn được dung hòa với nước để có rượu. Một lượng lớn rượu bán trên thị trường chế theo cách này. Loại cồn có chất lượng kém này sẽ có nhiều methanol, aldehyde, aceton.

Methanol có nhiệt độ bốc hơi thấp hơn rượu. Người làm rượu thường cho loại cồn khô này vào khi chưng cất, khi pha rượu (từ cồn) hay chế rượu thuốc để làm cho rượu chóng ra hơn, dậy mùi hơn, mà không biết làm thế là đưa chất độc methanol vào rượu.

Do không loại bỏ phần rượu chứa methanol lúc đầu kể từ khi chưng cất rượu thì giai đoạn đầu tiên sẽ có tạp chất methanol, aldehyde, aceton (vì các chất này bốc hơi ở nhiệt độ thấp, bốc ra ngay ở giai đoạn cất đầu). Song methanol không phải là loại thực phẩm, vì vậy, việc sử dụng các loại rượu có nồng độ methanol vượt mức quy định (ngưỡng cho phép là <0,1%, nghĩa là trong 1.000ml rượu chỉ có dưới 1ml methanol) có thể gây ngộ độc methanol.

Nhiễm độc methanol và cách xử trí

Nhiễm độc methanol bắt đầu xuất hiện từ 18 – 24 giờ sau khi uống phải hóa chất này, bao gồm các biểu hiện tương tự như khi uống quá nhiều rượu nên thấy buồn ngủ, lú lẫn, mất điều hòa vận động, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng kèm với các biểu hiện rối loạn thị giác từ nhìn mờ đến không nhìn thấy hoàn toàn. Trường hợp nhiễm độc nặng sẽ có dấu hiệu thở nhanh, hôn mê, suy thở, tụt huyết áp nặng, ngưng tim và có thể dẫn đến tử vong.

Khi gặp tình trạng này cần đưa nạn nhân cùng với những chất mà họ đã sử dụng (nghi tác nhân gây ngộ độc) tới cơ quan chống độc của bệnh viện để phát hiện sớm nguyên nhân ngộ độc và được cấp cứu kịp thời.

Tuy nhiên, nhiễm độc methanol là loại nhiễm độc nặng, nguy hiểm, nhanh chóng đưa đến tử vong nhưng lại có thể phòng ngừa được. Do đó nên tránh uống các loại rượu trôi nổi chưa được kiểm định chất lượng và chưa qua kiểm tra của cơ sở y tế, của cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường tuyên truyền và phổ biến sâu rộng trong cộng đồng, nhất là người nghiện rượu, nhận biết sớm các dấu hiệu nhiễm độc methanol để kịp thời đưa người bị nhiễm độc đến cấp cứu tại các cơ sở y tế.

BS. Hoàng Thanh Sơn

Back To Top