Các chuyên gia cho rằng trong những tháng mùa hè nóng để đảm bảo sức khỏe của đường tiêu hóa nên ăn một số thực phẩm có tác dụng kháng khuẩn. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu một loại rau quả như thế: mướp đắng
Lợi ích của mướp đắng
Mướp đắng (Momordica charantia) còn gọi là khổ qua, có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo y học cổ truyền, mướp đắng tính hàn, vị đắng, vào kinh tâm, phế, vị; có tác dụng thanh nhiệt giải thử, lương huyết lợi niệu, thanh tâm khứ hỏa nếu được dùng thường xuyên sẽ giúp giảm các bệnh ngoài da, làm cho da dẻ mịn màng. Nước sắc mướp đắng tươi có tác dụng chữa ho, chữa mụn trứng cá, chữa rôm sẩy (uống trong và bôi ngoài). Ngoài ra, mướp đắng còn có nhiều tác dụng khác như: kích thích ăn uống, chống viêm, hạ sốt.
Trong mướp đắng có: momordicin, hỗn hợp charantin và protein, adenin, betanin, các loại đường β-Sitosterol-β-D-glucoside, 5,25-Stigmastadien-3β-ol-β-D-glucoside vitamin B, và rất giàu vitamin C (đứng hàng đầu trong các loại rau, dưa, bí; gấp 5 – 20 lần dưa chuột, có tác dụng phòng bệnh xuất huyết, bảo vệ màng tế bào)… Trong đó momordicin là các glucozid đắng (momordiccosid A,B,C,D,E) có tác dụng diệt vi khuẩn và siêu vi khuẩn, giúp cơ thể chống lại các tế bào ung thư đang phát triển. Theo các nghiên cứu dược lý, mướp đắng còn có các tác dụng sau:
– Chống các gốc tự do là nguyên nhân gây lão hóa và phát sinh các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tổn thương thần kinh, viêm đường tiết niệu, đái tháo đường, phòng xơ vữa động mạch…
– Tăng ôxy hóa glucose, ngăn chặn sự hấp thu glucose vào tế bào, ức chế hoạt tính các men tổng hợp glucose.
– Có tác dụng sinh học giống insulin, giúp cơ thể tăng tiết insulin, rất tốt với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2.
Mướp đắng tươi ăn sống có tác dụng hạ đường huyết, hạ mỡ máu, giảm béo rất tốt. Mướp đắng còn dùng đắp mặt nạ dưỡng da rất tốt.
Một số món ăn, bài thuốc từ mướp đắng
– Trà ướp mướp đắng: Sử dụng quả mướp đắng cắt phần trên, bỏ vỏ rửa sạch, cắt thành từng lát mỏng, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng thì hãm trong bình nước sôi đậy kín khoảng 30 phút. Trà có tác dụng thanh nhiệt, giải khát rất tốt.
– Nước sắc mướp đắng: mướp đắng tươi 1 – 2 quả rửa sạch, bổ làm đôi, nấu với nước, đun khoảng 10 phút, để nguội dùng thay nước, có tác dụng thanh nhiệt, sáng mắt tốt cho người bệnh về gan, bệnh mắt và tăng huyết áp.
– Nước ép mướp đắng: Mướp đắng rửa sạch, bỏ ruột, ướp với đường cát trắng khoảng một giờ để đường thấm, sau đó cho vào máy ép lấy nước uống.
– Mướp đắng trộn rau cần: Mướp đắng một quả, rau cần 200 gam, tương, tỏi giã nhuyễn, rau thơm, gia vị vừa đủ. Gọt sạch vỏ bỏ hạt thái thành sợi nhỏ và trần qua nước sôi, sau đó dội qua nước lạnh. Ráo nước trộn mướp đắng với rau cần và cho thêm các gia vị.
– Mướp đắng nhồi thịt: Chọn ba quả mướp đắng loại vừa, gai căng đều và còn xanh. Dùng dao bén cắt một bên (theo chiều dọc), bỏ ruột và hạt, rửa sạch. Thịt nạc dăm (hoặc ba rọi) băm nhuyễn 200 gam cùng gia vị (muối, bột ngọt, hạt tiêu), nấm hương (rửa sạch, ngâm nước nóng cho nở mềm), hành tím xắt nhuyễn. Mướp rửa sạch, cắt khúc vừa ăn (tầm 3 cm). Dùng muỗng tán cho các thứ trộn đều vào nhau rồi nhét vào giữa cho thật chặt và miết phẳng hai mặt. Đun nước sôi, cho mướp vào nồi.
– Canh khổ qua chay: mướp đắng nhỏ bằng nắm tay, một miếng đậu hũ trắng, một gói bún nhỏ, vài tai mộc nhĩ, một nửa củ hành tây, một muỗng canh dầu ô liu, chút muối, tiêu, đường, bột nêm, vài cọng hành lá dài cho vào nấu canh.
– Mướp đắng xào trứng vịt: Mướp đắng rửa sạch, bỏ ruột và hạt, xắt miếng xéo dày cỡ 2 – 3mm, rửa sạch để ráo. Đập trứng vịt vào bát đánh đều, cho thêm gia vị. Phi dầu cho mướp đắng đã xắt vào chảo xào vừa chín tới. Cuối cùng, đổ trứng vịt vào, đảo đều cho đến khi trứng chín hẳn.
– Khổ qua đại táo thang: mướp đắng ba quả rửa sạch đun lấy nước, cho đại táo 20 quả vào đun sôi 10 – 15 phút có tác dụng thanh nhiệt giải thử, chữa ho.