Đau là gì, nó là một triệu chứng hay một bệnh?

- 170 lượt xem - Sức khỏe tổng quát, Y học thường thức

Từ vị trí bị tổn thương, tín hiệu đau được dẫn truyền dọc theo sợi thần kinh đến tận bộ não nơi mà cơ thể ta có thể nhận thấy đau tại một vùng nhận thức cảm giác đau. Tín hiệu đau được chuyển đổi suốt chặng đường mà nó đi qua bởi các hệ thống khác nhau và độ mạnh của tín hiệu đau có thể bị tăng lên hay giảm đi.

Tổng quan về đau

Định nghĩa đau của hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế vào năm 1994: “Đau là một cảm giác khó chịu và sự chịu đựng về cảm xúc, đa số đi kèm theo các tổn thương tổ chức hay mô tả như một tổn thương tổ chức hoặc cả hai”.

Closeup of young man touching temples with fingers as if suffering from severe migraine, feeling sick, isolated on gray background

Đau là cảm giác tạo ra bởi hệ thống thần kinh khi có tác động tại các thụ cảm thể nhận cảm đau. Là một yếu tố quan trọng của sự sinh tồn, nhờ đau mà con người hay con vật có phản ứng theo phản xạ hoặc kinh nghiệm để tránh không tiếp tục bị chấn thương.

Phân loại

Đau được phân loại theo nhiều cách, tuy nhiên có 3 cách phân loại chính được áp dụng.

Đau theo cơ chế gây đau

  • Đau cảm thụ: là đau do tổn thương tổ chức (cơ, da, nội tạng…) gây kích thích vượt ngưỡng đau. Được chia làm 2 loại bao gồm: đau thân thể là đau do tổn thương mô da, cơ, khớp,… và đau nội tạng là đau do tổn thương nội tạng.
  • Đau thần kinh: Là chứng đau do những thương tổn nguyên phát hoặc những rối loạn chức trong hệ thần kinh gây nên. Đau thần kinh chia 2 loại:
    • Đau thần kinh ngoại vi do tổn thương các dây hoặc rễ thần kinh. Ví dụ: đau dây V, đau sau herpes, bệnh thần kinh ngoại vi do đái tháo đường, bệnh thần kinh ngoại vi sau chấn thương, bệnh thần kinh ngoại vi sau phẫu thuật,…
    • Đau thần kinh trung ương do tổn thương ở não hoặc tủy sống, ví dụ như: đau sau đột quỵ não, chèn ép tủy, xơ não tủy rải rác, u não,…
  • Đau hỗn hợp: gồm cả 2 cơ chế đau cảm thụ và đau thần kinh. Ví dụ: đau thắt lưng với bệnh lý rễ thần kinh, bệnh lý rễ thần kinh cổ, đau do ung thư, hội chứng ống cổ tay,…
  • Đau do căn nguyên tâm lý

Đau theo thời gian

  • Đau cấp tính: là đau mới xuất hiện, có cường độ mạnh mẽ, có thể được coi là một dấu hiệu báo động hữu ích. Thời gian đau dưới 3 tháng.
  • Đau mạn tính: là chứng đau dai dẳng, thường bị tái đi tái lại nhiều lần.

Đau theo khu trú đau

  • Đau cục bộ: là cảm nhận vị trí đau trùng với vị trí tổn thương.
  • Đau xuất chiếu: là cảm nhận vị trí đau ở vị trí khác với vị trí tổn thương. Tại lớp V sừng sau tủy sống, có những neuron đau không đặc hiệu gọi là neuron hội tụ, tại đây sẽ hội tụ những đường cảm giác đau hướng tâm xuất phát từ da, cơ xương và vùng nội tạng, làm cho não khi tiếp nhận thông tin từ dưới lên sẽ không phân biệt được đau có nguồn gốc ở đâu, và thường được hiểu nhầm là đau xuất phát từ vùng da tương ứng.
  • Đau lan xiên: là cảm giác đau gây ra do sự lan tỏa từ một nhánh dây thần kinh này sang một nhánh thần kinh khác. Ví dụ khi kích thích đau ở một trong ba nhánh của dây thần kinh sinh ba có thể đau lan sang vùng phân bố của hai nhánh kia.

Xem thêm:NHỮNG LÝ DO DOANH NGHIỆP NÊN QUAN TÂM ĐẾN SỨC KHOẺ NHÂN VIÊN

Chẩn đoán đau

Đau được lượng giá bởi nhận thức chủ quan tùy theo từng người, mỗi người sẽ có những cảm nhận đau khác nhau. Do đó, việc chẩn đoán và lượng giá mức độ đau rất phức tạp và khó thống nhất. Vì vậy có rất nhiều thang điểm chẩn đoán và lượng giá đau. Dưới đây, là một số thang điểm được công nhận và áp dụng tương đối phổ biến:

Thang điểm đau bao gồm 10 mục đánh giá:

  • 0 điểm: Không đau.
  • 1 điểm: Đau rất nhẹ, hầu như không cảm nhận và nghĩ đến nó, thỉnh thoảng đau nhẹ.
  • 2 điểm: Đau nhẹ, thỉnh thoảng đau nhói mạnh.
  • 3 điểm: Đau làm người bệnh chú ý, mất tập trung trong công việc, vẫn thể thích ứng với nó.
  • 4 điểm: Đau vừa phải, bệnh nhân có thể quên đi cơn đau nếu đang làm việc.
  • 5 điểm: Đau nhiều hơn, bệnh nhân không thể quên đau sau nhiều phút, bệnh nhân vẫn có thể làm việc.
  • 6 điểm: Đau vừa phải nhiều hơn, ảnh hưởng đến các sinh hoạt hàng ngày, khó tập trung.
  • 7 điểm: Đau nặng, ảnh hưởng đến các giác quan và hạn chế nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • 8 điểm: Đau dữ dội, hạn chế nhiều hoạt động, cần phải nỗ lực rất nhiều.
  • 9 điểm: Đau kinh khủng, kêu khóc, rên rỉ không kiểm soát được.
  • 10 điểm: Đau không thể nói chuyện được, nằm liệt giường và có thể mê sảng.

Đau là một triệu chứng

Cơ thể nhận biết đau như thế nào?

Một tổn thương tại chỗ, ví dụ như bị bỏng ở bàn tay, làm kích thích những đơn vị tiếp nhận cảm giác đau. Bắt đầu là phần tận cùng của những sợi thần kinh cảm giác nhạy cảm với tín hiệu đau có thể tìm thấy trong tất cả các loại mô: da, cơ và các cơ quan nội tạng. Từ vị trí tổn thương tại chỗ, tín hiệu đau sẽ được dẫn truyền qua các hệ thống dẫn truyền ngoại vi để đưa thông tin cảm giác đau đến bộ não. Hệ thống này bao gồm những sợi thần kinh với kích thước khác nhau và có khả năng truyền tải những dạng tín hiệu khác nhau với vận tốc khác nhau:

  • Sợi thần kinh có kích thước càng lớn thì truyền tải thông tin càng nhanh, thường là loại thông tin về sự hiện diện của đau tại chỗ.
  • Sợi thần kinh càng thanh mảnh thì tốc độ dẫn truyền càng chậm, thường là loại thông tin liên quan đến cảm giác đau lan tỏa

Những tín hiệu đau sẽ được dẫn truyền từ ngoại vi đến tủy sống (nằm trong cột sống). Từ tủy sống, thông tin sẽ được truyền tới bộ não. Các cấu trúc khác nhau trong bộ não sẽ tham gia, phối hợp để giải mã vị trí cũng như tính chất của đau. Từ đó sẽ phát động những phản xạ khác nhau đáp lại thông tin về cảm giác đau mà nó nhận được: ví dụ như co tay lại để tránh nguồn gây bỏng. Đau là một phản xạ bảo vệ cơ thể.
Một số vùng bộ não thì chuyên về việc lưu giữ những cảm nhận và hình thành sự so sánh với những trải nghiệm trong quá khứ (hay gọi là quá trình học hỏi). Ví dụ như cảm nhận và so sánh về cảm giác đau khi bị bỏng bởi các tác nhân khác nhau: bỏng lửa, bỏng dầu hay bị bỏng do nước nóng. Một số vùng khác thì lại chuyên hơn về mặt cảm xúc về đau và hình thành cách ứng xử của cơ thể khi đối mặt với đau.

Cơ thể có thể tự bảo vệ để giảm đau

Chất giảm đau gây nghiện nội sinh: Đau là một dấu hiệu cảnh báo có lợi cho sự toàn vẹn về thể chất nhưng đau cũng là một cảm giác khó chịu đối với cơ thể. Vì thế, cơ thể cũng tìm cách để chống lại cảm giác khó chịu này. Từ năm 1975, người ta đã biết rằng cơ thể có thể bài tiết ra các chất chống đau. Đó là những Morphine nội sinh (endophine, endomorphine) có tác dụng ức chế cảm giác đau nhằm bảo vệ cơ thể trước những tổn thương gây đau. Đây cũng là nền tảng cho sự ra đời các loại thuốc giảm đau gây nghiện ngoại sinh hay còn gọi các chất giảm đau gây nghiện tổng hợp.

Đau là một bệnh

Giả thuyết “cánh cổng”- Cơ chế dẫn truyền đau và điều hoà đau

Cổng kiểm soát là một khái niệm quan trong đánh giá và kiểm soát đau. Tín hiệu đau được truyền tải suốt chặng đường nhờ có hệ thống điều phối: Tại tủy sống, có một hệ thống lọc rất quan trọng, còn được gọi là “cánh cổng”. Nó được miêu tả dưới tên “giả thuyết cổng kiểm soát” do ông Patrick Wall và Ronald Melzack vào năm 1965.
Tín hiệu đau truyền tải qua cánh cổng này. Tùy theo cổng được mở rộng ít hay nhiều mà dung lượng thông tin có thể bị tăng lên hoặc được giảm đi, thậm chí là bị ngắt đứt một cách hoàn toàn. Cánh cổng càng mở rộng thì tín hiệu đau được nhận biết càng nhiều, càng mạnh. Cánh cửa đóng hoàn toàn thì sẽ không còn nhận thấy cảm giác đau nữa.

Giả thuyết này cho phép hiểu những ảnh hưởng của một số đáp ứng nhất định đối với cảm giác đau. Ví dụ như cho nước lạnh trên vùng bị bỏng, nó có thể giảm đau một cách hiệu quả do nó kích hoạt việc đóng cổng, làm giảm thông tin đau đi đến bộ não, kết quả là cảm thấy ít đau hơn. Việc cơ thể tự tiết ra chất giảm đau gây nghiện nội sinh để chống lại cảm giác đau cũng theo cơ chế tác động trên sự đóng cánh cổng này.

Giả thuyết cánh cổng rất quan trọng trong điều trị đau. Để giảm đau, chúng ta có thể tác động trên cánh cổng để cho cánh cửa được đóng lại một phần hoặc hoàn toàn. Giả thuyết này cũng cho phép lý giải cảm giác đau xuất hiện khi có sự mất cân bằng giữa hệ thống kích thích đau (cánh cổng rất dễ bị mở, hoặc bị mở một cách quá mức) và hệ thống ức chế đau (suy yếu hệ thống kích hoạt đóng cổng).

Vì vậy có thể nói rằng một phần công việc của bác sĩ điều trị đau là tìm cách “đóng cổng”, tìm hiểu sự bất thường khi “mở cổng” và khi “đóng cổng” để giúp bệnh nhân nhanh chóng vẫy chào tạm biệt với đau.

Đau mạn tính ảnh hưởng đến 20% dân số trên thế giới. Đau mạn tính gây trầm cảm, lo âu, suy giảm các hoạt động sống, tăng sự chịu đựng; khổ sở đồng thời làm tăng gánh kinh tế cho gia đình và xã hội. Vì vậy, tháng 5 năm 2019, phân loại quốc tế về bệnh tật (International Classification of Diseases) đã đưa ra một phiên bản phân loại mới là ICD-11, trong đó đau mạn tính được coi là một vấn đề sức khoẻ, là một bệnh. Đau kéo dài hơn 3 tháng được gọi là bệnh đau mạn tính. Người bệnh bị đau mạn tính có quyền được điều trị đau. Người bị đau mạn tính cần được tiếp cận với điều trị chăm sóc ban đầu như các loại bệnh tật khác.

Xem thêm: TỔNG HỢP NHỮNG LƯU Ý QUAN TRỌNG TRƯỚC KHI KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT

Điều trị đau

Mục tiêu của điều trị đau là làm giảm đau, được điều trị theo nguyên nhân và sử dụng một cách tối ưu thuốc giảm đau. Ngoài ra cần điều trị các triệu chứng kèm theo như mất ngủ, rối loạn cảm xúc và phục hồi chức năng cho phép bệnh nhân trở lại với các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày.

Thuốc giảm đau dược phân làm 3 bậc theo Tổ chức y tế Thế giới WHO:

  • Đau nhẹ: sử dụng thuốc không opioid như acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không phải steroid NSAID
  • Đau trung bình hoặc đau dai dẳng tăng lên: thuốc opioid nhẹ, có thể kèm thêm thuốc không opioid và thuốc hỗ trợ
  • Đau nặng hoặc đau dai dẳng tăng lên: opioid mạnh có thể kèm thêm thuốc không opioid và thuốc hỗ trợ

Ngoài ra, có thể điều trị đau bằng cách không sử dụng thuốc giảm đau như:

Các biện pháp điều trị kích thích thần kinh:

  • Kích thích điện thần kinh qua da tần số cao: Điện cực bề mặt được đặt trên vùng đau. Dùng xung điện tần số cao > 50Hz (thường 80-200Hz) và cường độ thấp (dưới ngưỡng gây đau) nhằm mục đích kích thích sợi Aβ. Phương pháp được cho là có tác dụng giảm đau nhờ cơ chế đóng cổng kiểm soát và kích thích giải phóng morphin nội sinh. Tuy nhiên, chưa đủ bằng chứng cho thấy hiệu quả phương pháp này ở bệnh nhân đau thần kinh
  • Kích thích tủy sống: đưa điện cực vào kích thích trực tiếp sừng sau tủy sống bên đau. Phương pháp cho thấy hiệu quả trong đau vùng lưng.
  • Kích thích não sâu: đưa điện cực vào vùng dưới vỏ để kích thích vùng đồi thị và quanh não thất. Hiện chưa chứng minh được rõ ràng hiệu quả của phương pháp này.
  • Kích thích từ trường xuyên sọ lặp lại: tác dụng giảm đau ngắn nên không phù hợp điều trị đau mạn tính.

Các biện pháp khác như: châm cứu, trị liệu tâm lý, massage…

Đau là một cảm giác khó chịu khi có xuất hiện những tổn thương, và được đánh giá mức độ chủ quan theo từng người. Có nhiều biện pháp điều trị đau như sử dụng thuốc giảm đau tùy từng mức độ hoặc massage, trị liệu tâm lý,… Đau là một biểu hiện của sự tổn thương, bất thường ở vị trí nào đó, cần phải tìm ra nguyên nhân. Do đó, khi thấy có những biểu hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, tìm ra nguyên nhân và được can thiệp kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Back To Top