Cách phát hiện và kỹ năng chăm sóc

- 17 lượt xem - Chưa phân loại

Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể trẻ không được cung cấp đủ năng lượng, chất đạm cũng như các vitamin và chất khoáng để đảm bảo sự phát triển của cơ thể. Đây là tình trạng bệnh lý hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 năm đầu.

 Khi con bị SDD hay còi xương, cha mẹ cần đến TT dinh dưỡng để được tư vấn.

Khi con bị SDD hay còi xương, cha mẹ cần đến TT dinh dưỡng để được tư vấn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến SDD: Có thể do chế độ nuôi dưỡng không đúng, trẻ thiếu sữa hoặc không được bú mẹ. Ở trẻ lớn khi đã ăn bổ sung, các bà mẹ không cho trẻ ăn đủ về số lượng  (ăn ít bữa, ăn không đủ lượng của bữa ăn) cũng như chất lượng bữa ăn (bữa ăn không đủ các chất dinh dưỡng: đạm, béo, vitamin, chất khoáng). SDD do trẻ bị ốm kéo dài như trẻ bị mắc các bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy, sau biến chứng của lỵ, sởi… SDD còn hay gặp ở những trẻ đẻ non, SDD bào thai, dị tật sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh.

Khi trẻ bị SDD, điều quan trọng là nuôi dưỡng và chăm sóc. Trẻ cần phải có một chế độ ăn hợp lý tùy thuộc vào tuổi của trẻ cũng như mức độ SDD. Với các thể SDD vừa và nhẹ (độ I, độ II) có thể điều trị tại nhà. Trẻ dưới 6 tháng tuổi nên cho trẻ bú sữa mẹ, bú theo nhu cầu nhiều lần, cho trẻ bú cả ban đêm. Nếu mẹ thiếu sữa, mất sữa, cho trẻ ăn thêm bằng các loại sữa công thức cho trẻ dưới 6 tháng tuổi (sữa công thức I), số lần ăn và lượng sữa tùy thuộc vào từng bé. Nếu không có điều kiện có thể thay thế sữa công thức bằng sữa đậu nành: cứ 150g đậu nành chế biến thành 1 lít sữa + 35g dầu và 100g đường. Các bà mẹ có thể tính lượng sữa cho bé dựa vào nhu cầu năng lượng theo tuổi, cụ thể trẻ dưới 6 tháng nhu cầu năng lượng 550Kcal/ngày; đối với trẻ đẻ thiếu tháng có cân nặng dưới 2,5kg, nhu cầu năng lượng 110 – 130Kcal/kg trọng lượng cơ thể. Trong trường hợp trẻ không chịu ăn sữa, nếu đã tròn 4 tháng có thể dùng nước cháo xay pha sữa cho trẻ uống nhiều bữa trong ngày theo công thức: gạo tẻ 30g (1 nắm) + thịt nạc 30g + rau củ 50g, nấu chín xay nhuyễn thành 600 – 700ml nước cháo pha sữa theo tỷ lệ bình thường cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày.

Trẻ trên 6 tháng, khi đã ăn bổ sung nên cho trẻ ăn đủ bữa, trẻ ăn ít cho ăn nhiều bữa. Chú ý, trong mỗi bữa ăn bổ sung (bột, cháo) cần có đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột, chất đạm, béo, rau xanh), thường xuyên thay đổi thực phẩm để không những cung cấp đủ dinh dưỡng, giúp trẻ ăn ngon miệng lại không bị biếng ăn. Các bà mẹ có thể tăng năng lượng bữa ăn của trẻ bằng các men tiêu hóa (enzym) trong các hạt nảy mầm để làm lỏng thức ăn, như vậy sẽ tăng nhiệt lượng của thức ăn. Cách dùng giá đậu xanh để làm lỏng thức ăn có thể tăng được lượng bột khô lên 2 – 3 lần mà bột của trẻ vẫn mềm, khiến trẻ dễ nuốt. Cứ 10g bột cho 10g giá đậu xanh giã nhỏ, lọc lấy nước. Những thực phẩm nên cho trẻ ăn là gạo, khoai tây, thịt gà, thịt lợn, thịt bò, tôm, cua, cá, trứng, sữa, dầu, mỡ, các loại rau xanh, quả chín. Ngoài chế độ ăn nên cho trẻ uống bổ sung vitamin, vi khoáng như các vitamin tổng hợp, chế phẩm có chứa sắt chống thiếu máu, men tiêu hóa. Trẻ SDD do sức đề kháng kém, trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, vì thế các bà mẹ nên cho trẻ tiêm chủng đầy đủ, tăng cường chăm sóc, vệ sinh cho trẻ: vệ sinh da, tai-mũi-họng. Trẻ sống trong môi trường trong sạch, không bị ô nhiễm khói, bụi… và cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng.       

Cách phát hiện trẻ em SDD

Muốn biết trẻ bị SDD hay không, các bà mẹ cần theo dõi cân nặng của trẻ thường xuyên bằng biểu đồ tăng trưởng. Nếu cân nặng của bé nằm dưới đường chuẩn (kênh B, C) và 2 – 3 tháng liền trẻ không lên cân nên cho trẻ đi khám để tìm hiểu nguyên nhân. Khi trẻ bị SDD thường có các dấu hiệu như: trẻ không lên cân hoặc giảm cân, teo mỡ cánh tay, thịt nhẽo, mất hết lớp mỡ dưới da bụng; da xanh, tóc thưa, dễ gãy, đổi màu; trẻ ăn kém, hay rối loạn tiêu hóa (đi ngoài phân sống, tiêu chảy). Nếu bị SDD nặng có thể bị phù hoặc teo đét.

TS.BS. Cao Thị Hậu

Back To Top