CAN THIỆP ĐỘNG MẠCH VÀNH VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

- 707 lượt xem - Tim mạch, Y học thường thức

Can thiệp động mạch vành là gì? Khi nào thì nên làm và cần chuẩn bị ra sao? là vấn đề mà các bệnh nhân hẹp tắc mạch vành quan tâm. Để hiểu chi tiết về những vấn đề này, cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

CAN THIỆP ĐỘNG MẠCH VÀNH LÀ GÌ? 

Bệnh mạch vành là một trong những bệnh lý gây tử vong ở Việt Nam cũng như trên thế giới, là hậu quả của sự mất cân bằng cung-cầu oxy cơ tim do tưới máu không đủ, gây thiếu máu cơ tim hoặc hoại tử cơ tim.

Điều trị bệnh mạch vành bao gồm các phương pháp:

– Điều trị nội khoa và thay đổi lối sống

– Tái thông mạch vành bị hẹp bằng đặt stent

– Phẫu thuật cầu nối chủ vành.

Can thiệp mạch vành qua da là thủ thuật dùng một loại ống thông nhỏ luồn từ động mạch quay hoặc động mạch đùi vào động mạch vành, để qua đó làm thông lòng động mạch vành bị hẹp, tắc bằng dụng cụ như bóng hay giá đỡ (stent). Ưu điểm của thủ thuật này giúp phục hồi lưu lượng máu đến cơ tim mà không cần phẫu thuật tim hở.

Người bệnh sẽ được gây tê tại vùng cổ tay hay bẹn, sau đó chọc kim vào để đưa ống thông. Thủ thuật này thường không gây đau, người bệnh vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật.

Thời gian thực hiện thủ thuật thường kéo dài trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Phần lớn bệnh nhân có thể xuất viện sau 2 ngày, tính từ khi kết thúc thủ thuật.

KHI NÀO CẦN CAN THIỆP ĐỘNG MẠCH VÀNH? 

Đau thắt ngực ổn định mà không khống chế được dù đã điều trị nội khoa tối ưu.

– Đau thắt ngực ổn định, có bằng chứng của tình trạng thiếu máu cơ tim (nghiệm pháp gắng sức dương tính hoặc xạ hình tưới máu cơ tim dương tính) và tổn thương ở động mạch vành cấp máu cho một vùng lớn cơ tim.

– Đau ngực không ổn định/nhồi máu cơ tim cấp không có ST chênh lên mà phân tầng nguy cơ cao.

– Nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên.

– Đau thắt ngực xuất hiện sau khi phẫu thuật làm cầu nối chủ vành.

– Có triệu chứng của tái hẹp mạch vành sau can thiệp động mạch vành qua da

 

CHỐNG CHỈ ĐỊNH TƯƠNG ĐỐI CỦA CAN THIỆP ĐỘNG MẠCH VÀNH

– Bệnh đông máu

– Một mạch duy nhất cấp toàn bộ máu cho tim mà mạch này bị hẹp

– Hẹp thân chung động mạch vành trái nặng mà không có tuần hoàn bàng hệ từ một nhành khác nuôi hoặc trong trường hợp tiền sử đã phẫu thuật bắc cầu nối tới động mạch liên thất trước

– Tổn thương lan tỏa hệ động mạch vành mà không có chỗ hẹp khu trú

– Tình trạng tăng đông máu

– Không có sẵn đơn vị phẫu thuật tim hỗ trợ khi cần thiết

– Hẹp động mạch vành < 50%

– Tắc hoàn toàn một nhánh động mạch vành

NONG MẠCH VÀNH LÀ GÌ? LÀM THẾ NÀO ĐỂ NONG VÀ ĐẶT STENT?

Bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ gọi là bóng nong mạch vành (balloon) vào đúng chỗ hẹp hay tắc nghẽn. Quả bóng sẽ được bơm căng tại khu vực hẹp của động mạch vành. Quá trình này làm ép các mảng xơ vữa hoặc cục máu đông vào thành động mạch, giúp máu lưu thông.

Trước khi tiến hành thủ thuật nong động mạch vành, bạn sẽ được giải thích tại sao cần thực hiện kỹ thuật này, phương pháp tiến hành ra sao, biến chứng có thể xảy ra trong và sau khi thực hiện. Khi đồng ý làm thủ thuật, bạn sẽ ký vào giấy cam kết thực hiện thủ thuật.

– Bạn được yêu cầu dùng đầy đủ thuốc chống ngưng tập tiểu cầu (aspirin, clopidogrel) trước thủ thuật can thiệp.

– Bạn được kiểm tra, đánh giá các tình trạng bệnh đi kèm (bệnh dạ dày, bệnh phổi mạn tính), chức năng thận…, tiền sử bệnh lý như tiền sử xuất huyết tiêu hóa, các bệnh rối loạn đông máu, dị ứng các thuốc cản quang…

– Chụp và can thiệp động mạch vành qua da có thể được tiến hành qua động mạch cổ tay, hoặc vùng bẹn. Vùng làm thủ thuật sẽ được làm sạch và cạo lông, sát khuẩn sạch và gây tê tại chỗ. Sau đó, bác sĩ sẽ đâm kim để mỡ một lỗ nhỏ vào lòng động mạch tại vùng đó.

Chụp mạch vành:

Một ống thông nhỏ được đưa qua chổ mỡ mạch máu vào tim. Sau khi ống thông đã được đưa vào động mạch vành thì dung dịch thuốc cản quang sẽ được bơm qua hệ thống ống thông vào mạch vành. Kết quả là hiển thị hình ảnh của hệ động mạch vành trên màn hình tăng sáng, dựa vào các hình ảnh này cho phép đánh giá những tổn thương của hệ động mạch vành như hẹp, tắc, lóc tách, huyết khối,…

Làm thế nào để nong và đặt stent?

Để nong mạch vành, bác sĩ sẽ đưa một ống dài và mỏng (ống thông) vào mạch máu ở tay qua động mạch quay hoặc động mạch đùi ở bẹn và đưa đầu ống thông đến động mạch vành bị tắc.

Người bệnh sẽ được gây tê tại vùng cổ tay hay bẹn, sau đó chọc kim vào để đưa ống thông. Thủ thuật này thường không gây đau, người bệnh vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật.

Thời gian thực hiện thủ thuật thường kéo dài trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Phần lớn bệnh nhân có thể xuất viện sau 2 ngày, tính từ khi kết thúc thủ thuật. Các chuyên gia trong lĩnh vực tim mạch can thiệp sẽ sử dụng phương pháp soi huỳnh quang trong quá trình phẫu thuật. Nội soi huỳnh quang là một loại tia X đặc biệt, giống như tia X trong chụp X-quang phổi. Phương pháp này giúp bác sĩ tìm ra những chỗ tắc nghẽn trong động mạch tim khi thuốc cản quang di chuyển qua động mạch, được gọi là chụp động mạch vành.

Các bác sĩ có thể dùng một sợi dây dẫn đặc biệt (guidewire) đưa vào ống thông đến mạch vành và qua chỗ hẹp hay tắc nghẽn mạch vành.

hệ thống máy DSA thực hiện can thiệp động mạch vành

ĐẶT STENT MẠCH VÀNH LÀ GÌ?

Hiện nay, stent mạch vành được sử dụng trong hầu hết các thủ thuật nong mạch vành. Stent là một cuộn lưới kim loại nhỏ, có thể nong rộng ra tùy theo kích cỡ mạch máu, được đưa vào khu vực mới nong bằng bóng của động mạch để giữa cho động mạch không bị thu hẹp hoặc tắc lại.

Sau khi đặt stent, mô sẽ bắt đầu bao phủ stent như một lớp da. Stent sẽ được lót hoàn toàn bằng mô trong vòng 3 – 12 tháng, tùy thuộc vào việc stent có phủ thuốc hay không.

Bác sĩ sẽ theo dõi và điều trị các loại thuốc kháng tiểu cầu để giảm nguy cơ huyết khối do tiểu cầu bám vào. Thuốc cũng có thể ngăn hình thành cục máu đông bên trong stent. Thuốc được dùng liên tục trong 6 – 12 tháng tùy vào loại stent.

Hầu hết các stent đều được phủ một lớp thuốc để ngăn sự hình thành mô sẹo bên trong stent. Những stent này được gọi là stent phủ thuốc (DES). Chúng giải phóng thuốc bên trong mạch máu, làm chậm sự phát triển quá mức của mô bên trong stent. Điều này giúp ngăn ngừa mạch máu bị hẹp trở lại.

Một số stent không có lớp phủ thuốc này được gọi là stent kim loại trần (BMS). Chúng có thể có tỷ lệ hẹp cao hơn, nhưng bệnh nhân không cần sử dụng thuốc chống kết tập tiểu cầu lâu dài. Đây có thể là loại stent phù hợp ở những người có nguy cơ chảy máu cao.

Nếu mô sẹo hình thành bên trong stent nghĩa là bị tái hẹp lại trong stent, cần một thủ thuật lặp lại. Điều này có thể được sử dụng để nong mạch bằng bóng hoặc với một stent thứ hai.

NHỮNG NGUY CƠ CÓ THỂ GẶP TRONG CAN THIỆP ĐỘNG MẠCH VÀNH

Chụp và can thiệp động mạch vành thủ thuật xâm lấn nên vẫn có thể xảy ra những nguy cơ nhất định. Những rủi ro của thủ thuật này bao gồm chảy máu, nhiễm trùng, phản ứng dị ứng với thuốc cản quang, nguy cơ tổn thương mạch máu, đột quỵ và suy thận.

Ngoài ra, cũng có trường hợp các stent đã đặt có thể bị tắc hay hẹp lại gây thiếu máu cơ tim và cần phải can thiệp lại. Nhưng với sự tiến bộ của y học về cả trang thiết bị và kỹ thuật, chúng ta cũng không nên quá lo lắng về các nguy cơ này, vì theo thống kê của các nghiên cứu lớn trên thế giới, các tai biến cần can thiệp cấp cứu hay tử vong liên quan đến kỹ thuật này là khá thấp (dưới 1%).

Ngoài ra, sau khi sử dụng phương pháp này, nguy cơ phải đặt thêm stent thứ 2,3,4… là rất cao, bởi khả năng động mạch vành sẽ bị tắc hẹp ở vị trí khác. Đồng thời, sau khi đặt bạn phải sử dụng thêm rất nhiều loại  thuốc khác nhau. Do đó, sẽ để lại cho người bệnh một số tác dụng phụ không mong muốn như: Đau đầu, chóng mặt choáng váng, tăng nhịp tim phản xạ…nặng hơn là viêm loét dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa….Gây ảnh hưởng tới những bộ phận khác trong cơ thể như Gan và Thận.

hình ảnh minh họa

SAU KHI THỰC HIỆN THỦ THUẬT NGƯỜI BỆNH CẦN LÀM GÌ?

Sau thủ thuật, người bệnh cần lưu ý:

– Nằm theo dõi tại phòng hồi sức trong vòng 24 – 48 giờ.

– Băng ép tại vị trí chọc kim: 8 giờ với động mạch quay, 24 giờ với động mạch đùi và nằm thẳng chân ít nhất 12 giờ.

– Sau 48 giờ người bệnh có thể xuất viện.

– Duy trì thuốc kháng tiểu cầu kép đúng thời gian thủ thuật cho từng loại stent theo hướng dẫn của bác sĩ.

– Tái khám định kỳ đều đặn theo chỉ định của bác sĩ.

– Trường hợp người bệnh gặp các triệu chứng như đau ngực, khó thở đột ngột… cần đến ngay bệnh viện để được can thiệp xử trí ngay lập tức.

XEM THÊM: 6 dấu hiệu không ngờ của bệnh tim 

Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, bệnh nhân cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý. Tổng đài Chăm sóc khách hàng 18009415.

Back To Top