Nguyên tắc sơ cứu cần khẩn trương, đúng phương pháp với mục đích cấp cứu là giải phóng đường thở và cung cấp ôxy cho trẻ.
Bước 1: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.
Bước 2: Đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng cứng khô ráo, thoáng khí.
Bước 3: Kiểm tra tình trạng của trẻ
Nếu trẻ còn tự thở, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.
Nếu trẻ tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải tiến hành hồi sinh tim phổi. Các bước hồi sinh tim phổi:
Ép tim
Vị trí ép tim ở 1/3 dưới xương ức
Ép nhanh,mạnh,không gián đoạn để lồng ngực nở hết sau mỗi lần ép
Một chu kỳ ép tim là 30 lần ép tim mới thổi ngạt,tần số ép tim từ 100- 120 l/p
Kiểm tra lại sau mỗi 5 chu kỳ ép tim ( 2 phút)
Kiểm soát đường thở
Ngửa đầu bệnh nhân tối đa , đẩy cằm ra trước lấy hết dị vật chú ý bệnh nhân bị chấn thương cột sống cổ không ngửa đầu
Móc hết dị vật,lau sạch miệng mũi
Thổi ngạt
Sau mỗi 30 lần ép tim thì thổi ngạt 2 lần
Thổi ngạt miệng miệng hít một hơi dài cúi xuống áp vào miệng bệnh nhân 1 tay bịt 2 lỗ mũi 1 tay đẩy hàm bệnh nhân ra phía trước thổi mạnh ra đồng thời nhìn lồng ngực bệnh nhân có phồng lên không, thời gian thổi ngạt 1 giây 1 lần.
Bước 4: Sau khi trẻ tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước nên cần đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại.
Bước 5: Kiểm tra xem trẻ có bị gãy cột sống hoặc các chấn thương về xương khớp nào hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ bằng nẹp.
Bước 6: Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sỹ cấp cứu kịp thời.
Cảnh giác phù phổi cấp sau khi đuối nước
Sau sơ cứu ban đầu trẻ bị đuối nước đã tỉnh lại, cần được đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra, mục đích xem nạn nhân có bị phù phổi cấp sau khi đuối nước, hay còn được gọi là “chết đuối trên cạn” hay không.
Một người đã hít phải nước thì có thể có các dấu hiệu của phù phổi cấp như: Khó thở, đau ngực hoặc ho; thay đổi đột ngột hành vi, người mệt mỏi,… những dấu hiệu này không dễ dàng phát hiện, đặc biệt ở trẻ nhỏ mà bình thường chúng có thể khó chịu. Nếu để lâu, nguy cơ tử vong sẽ cao nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Những sai lầm cần tránh
Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì thứ nhất, nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Thứ 2 là khi ngạt nước thực ra nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.
Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống. Điều này là do thiếu ôxy ở các tổ chức trong một thời gian dài, đặc biệt là não.
Cách phòng ngừa
Không nên để trẻ chơi một mình mà không giám sát, đậy kín các chum vại nước xung quanh nhà, không cho trẻ chơi gần ao hồ, tốt nhất nên dạy cho trẻ tập bơi để tránh những tai nạn không mong muốn.