Viêm tụy cấp: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Viêm tụy cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của nhu mô tụy, bao gồm cả các thương tổn kèm theo ở nhiều mức độ khác nhau của các cơ quan lân cận, cũng như các biến chứng toàn thân.

Nguyên nhân của viêm tụy cấp

Có nhiều nguyên nhân gây viêm tuỵ cấp, trong đó có các nguyên nhân chủ yếu như sau:

– Nguyên nhân do rượu: Hiện nay nguyên nhân này là thường gặp nhất.

– Nguyên nhân do tắc nghẽn: Sỏi ống mật chủ, u tụy (dạng nang hoặc u ác tính) hay u vùng vater, giun chui ống mật hoặc dị vật…

– Nguyên nhân sau phẫu thuật vùng quanh tụy, sau can thiệp nội soi mật – tụy ngược dòng.

‎- Nguyên nhân do chấn thương đụng dập vùng tụy.

– Nguyên nhân do rối loạn chuyển hoá như: Tăng Triglycerid máu, tăng canxi máu.

‎- Các nguyên nhân khác: Nhiễm vi khuẩn, virus, độc chất hoặc thuốc. (Azathioprin, Mercaptopurin, Tetracyclin, Ethylalcol, thuốc trừ sâu Phospho hữu cơ…)

‎Tuy nhiên, ở một số trường hợp viêm tụy cấp không xác định được nguyên nhân, chiếm khoảng 10 – 15% các trường hợp.

Biểu hiện của viêm tụy cấp

Khi bị viêm tụy cấp người bệnh có các biểu hiện như sau:

– Đau bụng: Biểu hiện chính của viêm tụy cấp là một cơn đau bụng dữ dội. Đau bụng đột ngột thường xảy ra sau bữa ăn “thịnh soạn”, bữa ăn có nhiều dầu mỡ, rượu. Vị trí đau vùng bụng trên rốn, có khi đau ¼ bụng trên bên phải hay bên trái. Cơn đau dữ dội, mức độ đau tăng dần sau 10 – 20 phút sau và có thể kéo dài đến nhiều giờ. Đau có thể lan ra sau lưng, đau tăng lên sau khi ăn. Đau giảm khi nghiêng người về phía trước hoặc nằm co người lại (nghiêng, đầu co xuống gối, gối co lên). Nằm ngửa, ho, cử động mạnh và thở sâu đau tăng lên. Đây chính là biểu hiện dễ nhầm lẫn với các triệu chứng của các bệnh lý khác như đau dạ dày, đau ruột thừa…

– Người bệnh có biểu hiện buồn nôn: Đa số đều có biểu hiện nôn, nôn ra nhiều nước, nôn vẫn không làm giảm đau bụng. Nếu không tìm được nguyên nhân gây nôn, cần nghĩ đến viêm tụy.

Các triệu chứng khác của viêm tụy cấp: Tiêu chảy, khó tiêu, sốt: Nhiệt độ cao từ 38 độ C trở lên; vàng da, vàng mắt; Nhịp tim nhanh, thở nhanh nông.

Ở viêm tụy cấp nặng, người bệnh sẽ có những biểu hiện như: Nhiễm trùng, nhiễm độc: Vẻ mặt mệt mỏi, lừ đừ, môi khô, lưỡi bẩn. Ngoài ra, có các biểu hiện mất nước: Môi khô, khát nhiều, mắt trũng…; Dấu hiệu sốc: Tay chân lạnh, huyết áp thấp, mạch nhanh…; Suy hô hấp: Mệt khó thở, SpO2 giảm; Da đổi màu xanh tím vùng quanh rốn (dấu hiệu Cullen), hoặc da đổi màu xanh tím vùng hông trong viêm tụy thể xuất huyết…

Các phương pháp điều trị viêm tụy cấp

Giảm đau, bù dịch, dinh dưỡng, điều trị nội khoa và quan trọng là việc xử trí viêm tuỵ cấp còn tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh chính vì vậy khi có biểu hiện của bệnh cần đến bệnh viện thăm khám và điều trị sớm.

Phòng ngừa viêm tụy cấp

  • Sử dụng rượu, bia, hút thuốc lá trong mức độ cho phép
  • Ăn uống khoa học, vệ sinh với chế độ ăn nhạt để tránh bị sỏi mật, vì sỏi mật là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra viêm tuỵ cấp
  • Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, mỡ máu, sỏi mật… nên thăm khám định kỳ để quản lý tốt bệnh nền, tránh để biến chứng gây viêm tuỵ cấp
Back To Top