UNG THƯ THỰC QUẢN LÀ GÌ?

- 212 lượt xem - Bệnh ung thư, Y học thường thức

Ung thư thực quản là căn bệnh khá phổ biển ở cả hai giới, bệnh thường phát triển thầm lặng, ở giai đoạn đầu không có nhiều dấu hiệu rõ ràng dễ gây lầm tưởng với những bệnh lý thông thường khác. Chỉ đến khi bệnh tiến triển ở giai đoạn muộn hơn các triệu chứng mới rõ ràng nhận thấy như nghẹn, khó nuốt, đau rát cổ họng….

1. Ung thư thực quản là gì?

Ung thư thực quản bắt đầu trong các tế bào trong lòng thực quản. Theo thời gian, ung thư có thể xâm nhập sâu hơn vào các lớp của thành thực quản và do thực quản không có thanh mạc nên u nhanh chóng xâm lấn qua cơ quan lân cận.

Các tế bào ung thư có thể lây lan bằng cách phá vỡ ừ khối u ban đầu cũng có thể xâm nhập vào mạch máu hoặc mạch bạch huyết quanh thực quản, nhanh chóng di căn vào hạch ngay khi bệnh còn mới và di căn xa khắp các mô của cơ thể như phổi, gan, xương.

Chỉ đến khi bệnh tiến triển ở giai đoạn muộn hơn các triệu chứng mới rõ ràng nhận thấy như nghẹn, khó nuốt, đau rát cổ họng…

2. Các yếu tố gây ung thư thực quản?

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

– Hút thuốc

– Uống rượu

– Chế độ ăn uống ít trái cây và rau quả. Thực phẩm và nước uống có nhiều Nitrit và Nitrat (là nguồn sinh ra Nitrosamin – chất gây ung thư). Thói quen ăn và uống nhiều đồ nóng và các chất gây cọ sát niêm mạc thực quản.

– Béo phì

– Trào ngược dạ dày thực quản(GERD)

– Barrett thực quản

– Co thắt tâm vị không được điều trị

– Hội chứng Plummer-Vinson: bệnh thường ở nữ, thiếu máu nhược sắc, viêm lưỡi thể teo, viêm thực quản kèm nuốt nghẹn.

– Túi thừa thực quản

– Bỏng thực quản do hóa chất

– Xạ trị ở vùng ngực hay bụng trên

3. Ung thư thực quản gây ra các triệu chứng gì?

– Nuốt nghẹn: là triệu chứng dễ cảm nhận và gặp ở đa số bệnh nhân. Lúc đầu, bệnh nhân thường có biểu hiện khó nuốt nhưng không cảm thấy đau. Khi bệnh nặng hơn, khó nuốt sẽ kèm thêm đau. Lúc đầu, bệnh nhân chỉ khó nuốt với thức ăn rắn, về sau khó nuốt với cả thức ăn lỏng, thậm chí nuốt nước bọt cũng thấy đau và khó thực hiện.

– Thường xuyên có hiện tượng chảy nước bọt kèm theo hơi thở mùi hôi khó chịu, ợ hơi, sặc khi ăn uống.

– Sụt giảm cân rõ rệt, xảy ra tình trạng mất nước và dần dần là suy kiệt do không ăn và nuốt được.

– Thường xuyên bị đau lưng, phía sau xương ức hoặc hai xương bả vai.

– Có thể cảm thấy rát họng, ho kéo dài, thậm chí ho ra máu.

– Thường xuyên cảm thấy nôn, buồn nôn.

– Các biểu hiện khác có thể bắt gặp khi khối u phát triển như tức nặng, cảm giác vướng vùng họng, khó thở, khạc đờm, khàn giọng,…

Tuy nhiên, chỉ dựa vào các triệu chứng bệnh (tiêu biểu là nuốt nghẹn, khó nuốt) là chưa đủ để kết luận mắc căn bệnh này. Việc chẩn đoán còn dựa vào các chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cận lâm sàng khác. Để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần được nội soi kết hợp với siêu âm và sinh thiết để có thể nhìn thấy hình ảnh bất thường về hình dạng của thực quản cũng như các tổ chức ung thư hoặc các bất thường của tổ chức dẫn đến ung thư hoặc các tổn thương khác.

Nuốt nghẹn là triệu chứng dễ cảm nhận và gặp ở đa số bệnh nhân mắc bệnh.

4. Ung thư thực quản có mấy giai đoạn?

Ung thư thực quản có 4 giai đoạn, khi người bệnh thăm khám và được chẩn đoán, các bác sĩ sẽ phân theo giai đoạn để có phác đồ điều trị thích hợp và hiệu quả nhất.

Giai đoạn 1: Ung thư chỉ nằm ở lớp trên cùng của thành thực quản.
Giai đoạn 2: Ung thư lan đến lớp sâu hơn của thành thực quản hoặc xâm lấn đến tổ chức bạch huyết lân cận. Ung thư chưa xâm lấn đến các bộ phận khác của cơ thể.
Giai đoạn 3: Ung thư xâm lấn lớp sâu hơn của thành thực quản hoặc xâm lấn tổ chức hoặc hạch bạch huyết trong vùng cạnh thực quản.
Giai đoạn 4: Ung thư xâm lấn các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư có thể lan đến mọi vị trí bao gồm: gan, phổi, não, xương.

5. Điều trị ung thư thực quản như thế nào?

Những phương pháp điều trị được lựa chọn dựa trên loại tế bào ung thư, giai đoạn bệnh, sức khỏe tổng thể và yêu cầu của bạn.

Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bỏ khối u có thể sử dụng đơn thuần hoặc kết hợp với các phương pháp khác.

Cắt u tại chỗ qua nội soi: Nếu u rất nhỏ, giới hạn ở niêm mạc của thực quản sẽ được cắt qua nội soi bằng phương pháp cắt niêm (EMR) hoặc dưới niêm (ESD).

Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thực quản: Trong trường hợp u lấn khỏi niêm mạc, thực quản được cắt đi và tái tạo lại bằng nhiều cách. Cắt thực quản kèm nạo hạch sẽ cho tiên lượng sống tốt hơn tuy nhiên có nhiều tai biến và biến chứng phẫu thuật chẳng hạn như nhiễm trùng, chảy máu và rò miệng nối…

Hóa trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch

Thuốc hóa trị thường được sử dụng trước hoặc sau phẫu thuật. Hóa trị cũng có thể được kết hợp với xạ trị. Ở những người bị ung thư giai đoạn muộn, hóa trị có thể được sử dụng đơn thuần để giúp làm giảm các triệu chứng gây ra bởi ung thư. Với người bệnh ở giai đoạn này có thể sử dụng thuốc điều trị đích hoặc điều trị miễn dịch mang lại hiệu quả cao hơn cho người bệnh.

Xạ trị

Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị ở những người bị ung thư thực quản không thể phẫu thuật được. Xạ trị cũng được sử dụng để làm giảm các biến chứng của bệnh ung thư thực quản tiến triển.

Xem thêm: Ung thư tuyến giáp và những điều có thể bạn chưa biết

6. Lời khuyên để phòng tránh căn bệnh này mà bạn cần lưu ý

Không hút thuốc lá: Lý do là bởi trong khói thuốc lá có chứa các chất kích thích độc hại gây kích thích tế bào ung thư thực quản. Chính vì thế việc để phòng bệnh chúng ta cần tránh hút thuốc lá.

Hạn chế lạm dụng uống bia rượu: do uống rượu trong thời gian dài sẽ gây hậu quả nặng nề, làm phá hủy niêm mạc thực quản và dạ dày.

– Áp dụng chế độ ăn khoa học và chia nhỏ bữa ăn trong ngày: chế độ ăn uống nhiều rau quả, trái cây sẽ giúp chúng ta ngăn ngừa hiệu quả bệnh ung thư thực quản. Vì thế cần ưu tiên các thực phẩm chứa nhiều chất xơ, nhiều đạm và giàu protein, rau xanh, ngũ cốc, trà xanh…. Bên cạnh đó, cần tránh xa những thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều dầu mỡ, đồ chiên rán nhiều lần, đồ cay nóng…cũng giúp ngăn ngừa tổn thương ở thực quản.

Duy trì trọng lượng hợp lý và có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt khoa học

Áp lực công việc, thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, stress… là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở dạ dày – thực quản trong đó có ung thư. Vì thế ngoài việc tuân thủ một chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, chúng ta nên có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, stress kéo dài ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Áp lực công việc, thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi, stress… là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở dạ dày – thực quản trong đó có ung thư

Tuy nhiên việc tầm soát ung thư là yếu tổ quan trọng nhất để phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh này, đặc biệt với những bệnh nhân có tiền sử viêm thực quản kéo dài, ung thư vùng cổ… cần thăm khám bác sĩ thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả.

Để đặt lịch khám tầm soát ung thư thực quản cũng như các bệnh ung thư đường tiêu hóa khác với các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Hệ thống y tế Hùng Vương, xin vui lòng liên hệ tổng đài 18009415.

Back To Top