UNG THƯ TUYẾN GIÁP VÀ NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT

- 295 lượt xem - Bệnh ung thư, Y học thường thức

Ung thư tuyến giáp là một trong những bệnh thường gặp ở vùng đầu, mặt, cổ ở cả nam và nữ giới, bệnh lý thường không có dấu hiệu rõ ràng nên âm thầm di căn đến nhiều bộ phận khác, khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn. Vậy hãy cùng bệnh viện đa khoa Hùng Vương tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh ung thư này nhé!.

1.Bệnh ung thư tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết lớn nhất cơ thể, có chức năng bài tiết hormon tuyến giáp như thyroxin, triiod-thyroxin và các tế bào cạnh nang giáp bài tiết calcitonin. Tuyến giáp nằm ở phía trước khí quản cổ, gồm 2 thùy trái và thùy phải, nối với nhau bởi một eo giáp.

Ung thư tuyến giáp là tình trạng tăng sinh bất thường các tế bào tuyến giáp. Đây là bệnh lý ác tính thường gặp nhất trong số các ung thư tuyến nội tiết.

Bệnh ung thư này là bệnh có tiên lượng tốt và có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Khi tuyến giáp xuất hiện khối u sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe, khiến người bệnh đau, khó nuốt, khó thở và ho nhiều… Vì thế ngay khi được chẩn đoán ung thư tuyến giáp, người bệnh cần điều trị càng sớm càng tốt.

2.Nguyên nhân ung thư tuyến giáp

Nguyên nhân của ung thư tuyến giáp thường không rõ. Tuy nhiên, sự kết hợp của các điều kiện di truyền và các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng phát triển tình trạng này. Một số yếu tố nguy cơ ở một số vùng nhất định khiến số trường hợp ung thư tuyến giáp ở một số quốc gia nhiều hơn những quốc gia khác.

Ung thư tuyến giáp là gì
Tuyến giáp là một tuyến có hình bướm, nằm ở trước cổ, có nhiệm vụ tạo ra các hormone kiểm soát sự trao đổi chất

2.1. Các nguyên nhân khách quan có thể gồm:

  • Lượng iốt quá cao hoặc quá thấp.
  • Tiếp xúc với bức xạ ion hóa.

2.2. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm:

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao thì thì nguy cơ mắc bệnh ung thư này ngày càng cao hơn. 
  • Thừa cân, béo phì: Người thừa cân có nhiều khả năng phát triển ung thư cao hơn người bình thường.

2.3. Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ sau cũng góp phần gây ung thư tuyến giáp bao gồm:

  • Nữ giới: Bệnh ung thư này xảy ra ở phụ nữ thường xuyên hơn ở nam giới, với tỷ lệ xấp xỉ 3:1.
  • Người châu Á.
  • Người thường xuyên tiếp xúc với tia bức xạ.
  • Tiền sử gia đình bị ung thư, bướu cổ hoặc bệnh tuyến giáp khác.
  • Một số điều kiện di truyền, chẳng hạn như ung thư tuyến giáp thể tủy.

3.Những triệu chứng của ung thư tuyến giáp

Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không gây ra triệu trứng. Bạn có thể phát hiện ra bệnh khi đi khám định kỳ.

Khi bệnh lý này có triệu chứng, thường bạn sẽ sờ thấy một khối ở tuyến giáp (vùng cổ). Ngoài ra, các dấu hiệu và triệu chứng khác của bệnh ung thư này bao gồm:

  • Khàn tiếng
  • Nuốt vướng khi u chèn ép vào thực quản
  • Khó thở khi u xâm lấn vào khí quản
  • Ở giai đoạn muộn hơn, bạn có thể sờ thấy hạch cổ hoặc các triệu chứng của di căn xa như đau xương trong di căn xương…

Những triệu chứng trên có thể là biểu hiện của nhiều bệnh khác mà không phải là ung thư. Tuy nhiên khi có những triệu chứng này, bạn nên đi khám tại các cơ sở chuyên khoa.

4.Bệnh ung thư tuyến giáp có chữa khỏi được không?

Bệnh ung thư tuyến giáp là bệnh lý có tiên lượng khá tốt, so với các loại ung thư khác. Do tính chất bệnh ung thư này thường tiến triển chậm và tỷ lệ khả năng khỏi hoàn toàn cao nếu được phát hiện, điều trị ở những giai đoạn đầu.

Ung thư tuyến giáp

  • Nếu điều trị bệnh ung thư này ngay từ giai đoạn I và II khi khối u còn nằm ở tuyến giáp, chưa di căn ra các vị trí khác của cơ thể thì khả năng sống sau 5 năm là gần 100%, tỷ lệ sống trên 10 năm là trên 75%.
  • Nếu điều trị ở giai đoạn III khi khối u lớn hơn 4cm, đã phát triển ra bên ngoài tuyến giáp và có thể lan tới các hạch bạch huyết ở vùng cổ. Thì tỷ lệ sống sau 5 năm là trên 80%.
  • Giai đoạn IV là khối u đã vượt ra khỏi tuyến giáp và có thể đã di căn xa sang các cơ quan khác. Thì tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn này là dưới 50%, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, tùy thuộc vào từng loại ung thư mà tỷ lệ khỏi bệnh khác nhau như ung thư tuyến giáp thể nhú tỷ lệ sống sau 5 năm là trên 95% và sau 10 năm là trên 90%. Ung thư tuyến giáp thể nang tỷ lệ sống sau 5 năm là trên 90% và sau 10 năm là trên 70%. Ung thư dạng tủy tỷ lệ sống sau 5 năm là 90% và và 10 năm là trên 86%. Riêng đối với ung thư không biệt hóa tỷ lệ gặp thấp nhất và tiên lượng nặng nhất, thường phát hiện khi di căn, tỷ lệ sống là thường dưới 1 năm.

Nói chung, bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu như được phát hiện sớm. Người bệnh khi có các dấu hiệu bất thường nên thăm khám để phát hiện sớm. Đặc biệt đối với những bệnh nhân có bệnh lý tại tuyến giáp cần kiểm tra định kỳ, những người có người trong gia đình mắc bệnh ung thư này.

5.Xét nghiệm nào chẩn đoán ung thư tuyến giáp

Bác sĩ có thể chỉ định nhiều loại xét nghiệm khác nhau giúp chẩn đoán bệnh, bao gồm:

  • Chẩn đoán hình ảnh trong đó siêu âm hay được sử dụng nhất. Siêu âm là phương pháp dùng sóng âm để tái tạo lại hình ảnh của các cơ quan trong cơ thể trong đó có tuyến giáp. Từ đó, các bác sĩ có thể đánh giá mức độ ác tính qua hình ảnh siêu âm.
  • Chọc hút tế bào kim nhỏ – bác sĩ sẽ dùng một kim nhỏ chọc vào khối u ở tuyến giáp lấy ra một ít bệnh phẩm, sau đó sẽ quan sát chúng qua kính hiển vi để chẩn đoán. Đây là phương pháp rất có giá trị để chẩn đoán khối u lành tình hay ác tính.

6.Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp

Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân ung thư tuyến giáp một hoặc nhiều phương pháp điều trị như sau:

6.1. Phẫu thuật

– Bệnh ung thư này thường có thể điều trị bằng phẫu thuật, các kỹ thuật bao gồm:

  • Cắt một thùy và eo giáp trạng
  • Cắt toàn bộ tuyến giáp
  • Một số trường hợp đã di căn hạch cổ, bạn cần được lấy bỏ toàn bộ tổ chức hạch bạch huyết quanh tuyến giáp.
phẫu thuật ung thư tuyến giáp

6.2. Iod phóng xạ

 Bạn sẽ phải uống một lượng nhỏ iod phóng xạ. Các tế bào tuyến giáp (kể cả lành tính và ác tính) sẽ bắt nguồn phóng xạ này và bị tiêu diệt. Chỉ khi bạn đã được cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp thì chỉ định điều trị Iod phóng xạ mới được đặt ra.

6.3. Điều trị hormon

– Sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp, hoặc sau khi điều trị iod phóng xạ, bạn sẽ phải bổ sung hằng ngày lượng hormone thiếu hụt do tuyến giáp tiết ra.

Xem thêm: 6 DẤU HIỆU CẢNH BÁO SỚM UNG THƯ VÚ PHỤ NỮ CẦN BIẾT

6.4. Xạ trị từ bên ngoài

– Xạ trị là phương pháp sử dụng các tia bức xạ ion hóa có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư và xạ ngoài là nguồn xạ được đặt ngoài cơ thể. Vai trò của phương pháp này trong điều trị bệnh ung thư này còn hạn chế, chỉ sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt.

6.5. Hóa chất

– Dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này ít có vai trò trong điều trị ung thư tuyến giáp.

6.6. Điều trị đích

 Thường chỉ tác động đến tế bào ung thư, không diệt các tế bào lành và được chỉ định khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Để đặt lịch khám tại bệnh viện đa khoa Hùng Vương, Quý khách vui lòng gọi HOTLINE 1800 9415 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời!

Back To Top