Quá tải trầm trọng, hàng loạt dự án bệnh viện… "vẫn treo"

- 6 lượt xem - Tin tức
Bác sĩ “ngộp thở” vì bệnh nhân quá đông

Các bệnh viện trên địa bàn thành phố đang đối mặt với sự quá tải của những chuyên khoa: Tim mạch, Sản, Nhi, Ung bướu, Chấn thương Chỉnh hình. Trong đó, nhức nhối nhất là hai chuyên khoa Ung bướu và Nhi đồng. BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc bệnh viện Ung Bướu, cho biết: “Gần đây tình trạng quá tải tại bệnh viện đang trở nên trầm trọng hơn vì Bảo hiểm y tế quy định các bác sĩ tham gia khám chữa bệnh phải có chứng chỉ điều trị ung thư”. Bệnh nhân đến khám tại các khoa Ung bướu mỗi ngày một đông, phải xếp hàng lấy số thứ tự từ 3 đến 4 giờ sáng, người điều trị phải nằm ghép, nằm dưới gầm giường, nằm ngoài hành lang nhưng không đủ chỗ.

 

Để khám được bệnh tại bệnh viện Ung bướu là thách thức không nhỏ đối với bệnh nhân
Để khám được bệnh tại bệnh viện Ung bướu là thách thức không nhỏ đối với bệnh nhân

 

Nhiều dịch bệnh diễn biến khó lường thời gian qua khiến bệnh viện Nhi căng như dây đàn. Tại bệnh viện Nhi Đồng 1 mỗi ngày phải tiếp nhận trung bình hơn 6.000 lượt bệnh nhân đến khám, tình trạng tương tự cũng diễn ra tại bệnh viện Nhi Đồng 2. Các y bác sĩ, nhân viên y tế hoạt động “hết công suất” nhưng cũng không thể đáp ứng nhu cầu quá lớn của người bệnh.

“Nếu một bác sĩ chỉ phải khám cho khoảng 70 bệnh nhân mỗi ngày thì toàn bệnh viện chúng tôi đều vỗ tay vui mừng. Tuy nhiên, trên thực tế một ngày làm việc, mỗi bác sĩ đang phải khám cho không dưới 100 bệnh nhân. Bệnh nhân xếp hàng dài chờ nhiều giờ, chỉ cần phòng khám kế bên đã chạy đến số thứ tự 60 nhưng bên này mới đến số 40 thì đường dây nóng sẽ liên tiếp nhận được các cuộc gọi phản ánh của thân nhân bệnh nhi về sự chậm trễ của bác sĩ”, BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 chia sẻ.

 

Nhân viên y tế chìm giữa phòng bệnh chật chội của Nhi Đồng 1
Nhân viên y tế "chìm" giữa phòng bệnh chật chội của Nhi Đồng 1

 

Cũng theo BS Thanh Hùng: “Nhiều trường hợp đến khám, bác sĩ chỉ kịp nhìn qua rồi chuyển sang khoa khác hoặc cho nhập viện”. Chờ đợi hàng tiếng đồng hồ nhưng bệnh nhân chỉ được gặp bác sĩ khoảng 3-4 phút, thời gian trên thậm chí không kịp để thăm khám lâm sàng chứ chưa đề cập đến khâu tư vấn cho người bệnh.

Sự quá tải là “mặt tối” mà cả bệnh nhân và các y bác sĩ đang phải đối mặt trong cuộc chiến chống bệnh tật. GS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh chia sẻ: “Mới đây, sau khi đi thăm bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Nhân Dân 115, các chuyên gia y tế của Mỹ đã đề nghị tôi sang giảng ở nước họ về chuyên đề… áp lực của ngành Y tế. Họ cho biết nhân viên y tế ở Mỹ chưa bao giờ phải đối mặt với tình trạng khủng khiếp do quá tải như các bệnh viện của Việt Nam”.

Hàng loạt dự án giảm tải còn… trên giấy

Ngày 16/5, tại buổi làm việc giữa Ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân với Sở Y tế thành phố về nâng cao năng lực khám, chữa bệnh cho các bệnh viện, đại diện Sở Y tế cho biết: Để kéo giảm tình trạng quá tải, thời gian qua ngành Y tế thành phố đã phát triển các phòng khám vệ tinh, khoa vệ tinh, phòng khám bác sĩ gia đình tại các tuyến y tế cơ sở. Nhiều bệnh viện đã được đầu tư xây mới và nâng cấp như: Bệnh viện quận 6, bệnh viện quận Tân Phú, bệnh viện quận Bình Tân.

 

Một góc khu khám bệnh tại bệnh viện Nhi Đồng 1
Một góc khu khám bệnh tại bệnh viện Nhi Đồng 1

 

Tuy nhiên, nhiều dự án xây mới, cải tạo bệnh viện triển khai quá chậm. Trong đó, khu khám bệnh mới của bệnh viện Ung bướu (số 47 đường Nguyễn Huy Lượng, phường 14, quận Bình Thạnh) sau 10 năm được phê duyệt đến nay vẫn chưa đủ thủ tục để khởi công xây dựng; dự án xây mới bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tại quận 9 vẫn chưa được triển khai; bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (tại huyện Bình Chánh) sau 6 tháng khởi công san lấp mặt bằng tới nay vẫn chưa giải tỏa xong; dự án bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn (một trong những bệnh viện cửa ngõ của thành phố) sau nhiều năm được phê duyệt vẫn chưa hoàn tất hồ sơ.

Nhiều bệnh viện đã được thành phố phê duyệt cho nâng cấp và xây dựng thêm từ lâu như bệnh viện quận 4, bệnh viện quận 10, bệnh viện quận Gò Vấp,… nhưng việc triển khai đang diễn ra “ì ạch”. Bên cạnh đó, một số dự án mặc dù đã được xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng không được đầu tư trang thiết bị như khoa vệ tinh của bệnh viện Ung bướu tại bệnh viện quận 2. Với quy mô 150 giường bệnh được xây dựng khang trang nhưng sau lễ khánh thành hoành tráng hiện chỉ có vài chục bệnh nhân được chuyển đến đây để theo dõi bệnh vì trang thiết bị phục vụ cho việc điều trị chưa được đầu tư.

 

Khoa vệ tinh của bệnh viện Ung Bướu sau lễ khai trương hoành tráng đang bị bỏ phí
Khoa vệ tinh của bệnh viện Ung Bướu sau lễ khai trương hoành tráng đang bị bỏ phí

 

Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân thành phố bày tỏ quan ngại: “Không chỉ khoa vệ tinh của bệnh viện Ung Bướu tại quận 2 mà còn nhiều dự án khác trên thực tế mới chỉ trình thành phố được phần vỏ, chưa có phần ruột”. Theo đó, ông Hùng yêu cầu các bệnh viện: “Đầu tư xây dựng mở rộng hoặc xây mới phải đảm bảo đồng bộ giữa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực để tránh lãng phí”.

Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế khó khăn, nguồn ngân sách của thành phố đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng chưa kịp rót về, nguồn vốn phát triển sự nghiệp của bệnh viện đã cạn, các bệnh viện cũng khó có thể vay được số vốn “khổng lồ” từ ngân hàng… Kinh phí để giải phóng mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, đào tạo nhân lực cho các bệnh viện được xây mới hoặc mở rộng thêm đang là thách thức lớn đối với ngành Y tế và thành phố.

 

Vân Sơn

Back To Top