Trong khi các bệnh viện nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ và điều trị bệnh nhân thì nhiều người nhà bệnh nhân rất thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung cũng như khi chăm sóc người bệnh…
Thông thường, khi một người nằm viện thì ít nhất có một người nhà đi theo chăm sóc bệnh nhân. Nếu tạm tính một bệnh viện có 500 giường sử dụng đúng công suất thì lúc nào bệnh viện cũng có khoảng 1.000 người. Khảo sát qua một số bệnh viện ở Hà Nội mới thấy hết được sự phức tạp trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường bệnh viện.
Vô tư như… ở chợ
Trong các bệnh viện, thùng rác luôn được bố trí khắp nơi để người nhà và cả bệnh nhân vứt bỏ đồ ăn, uống, vật dụng đã qua sử dụng đúng quy định để đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều bệnh viện như BV Nhi TW, BV Bạch Mai, BV E TW…, người nhà chăm bệnh nhân còn thiếu ý thức trong việc giữ gìn môi trường bệnh.
Lao công cứ dọn… Ảnh: Phạm Quỳnh
Trong khuôn viên các BV, vỏ các loại chai nước khoáng, nước ngọt, bánh, kẹo, hộp sữa, đồ ăn thừa, giấy ăn, khăn ướt… vứt đầy dưới gầm các dãy ghế, bên cạnh các thùng rác, mẩu thuốc lá vứt vương vãi gần khu hành lang buồng bệnh. Người lớn khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, cho trẻ em đi vệ sinh không đúng nơi quy định… là hình ảnh dễ bắt gặp nơi đây.
Điển hình tại khu vui chơi cho trẻ ở BV Nhi TW vào giờ nghỉ trưa, bỏ qua trước sự nhắc nhở của nhân viên bệnh viện, một số người ăn xong vẫn vô tư vứt đồ ăn thừa ngay tại chỗ ngồi. Chứng kiến hành động của một phụ nữ trẻ (sau khi cho con uống sữa xong vứt luôn vỏ hộp sữa xuống đất), một bác nhắc nhở: “Sao lại vứt ra đó, phải bỏ vào thùng rác chứ, thùng rác đầy ra kia”. Chị tỏ thái độ: Người ta vứt đầy ra đó bác, BV có người dọn mà, rồi chỉ vào cô lao công đang quét dọn gần đó. Có trường hợp còn cho trẻ tè ngay tại gốc cây trong khi nhà vệ sinh ngay gần đó.
Khi chúng tôi vào khu nhà vệ sinh BV còn “choáng” hơn bởi mùi khai bốc lên nồng nặc, sàn nhà ướt nhẹp đất cát, giấy vệ sinh vương vãi khắp sàn, bồn vệ sinh bẩn thỉu do mọi người đi vệ sinh không xả nước. “Nhiều khi dọn xong, đến giờ cơm còn bị ám ảnh. Có hôm còn phải bỏ cơm”, chị Triệu Thị Tươi – nhân viên vệ sinh cho biết.
Còn người nhà bệnh nhân cứ “vô tư” xả rác. Ảnh: Phạm Quỳnh
Hồn nhiên quá, hóa bẩn
Bên cạnh việc thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường bệnh viện thì nhiều người chăm sóc bệnh nhân không đeo khẩu trang y tế; bô đựng chất thải của bệnh nhân (đờm, dãi, nước tiểu, bỉm…) thường để dưới gầm giường để bệnh nhân dùng nhiều lần mới mang đi đổ chứ không mang đổ đúng nơi quy định ngay. Rồi cho bệnh nhân mượn, dùng chung đồ dùng cá nhân, cho trẻ dùng chung đồ chơi hoặc đồ chơi của trẻ vứt lăn lóc trên mặt đất rồi lại cho trẻ ôm vào người để chơi…, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn được hiểu như liều “vắc-xin” hiệu quả, tiết kiệm để phòng ngừa hữu hiệu các bệnh tay – chân – miệng, bệnh đường tiêu hóa… cần thực hiện thường xuyên để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, theo quan sát, nhiều người chăm bệnh còn chưa có ý thức thực hiện việc tốt này. Chị Nguyễn Thị H. (chăm con tại Khoa Truyền nhiễm, BV E) cho biết: Chị chỉ rửa tay lúc thay đồ cho cháu sau khi đi vệ sinh chứ lúc cho cháu ăn chị ít rửa vì có đụng vào đồ gì bẩn đâu. Lúc rửa chị cũng chỉ rửa qua loa dưới vòi nước chứ cũng ít khi rửa bằng xà phòng,…
Thật là nguy, nếu người nhà bệnh nhân không nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, ngoài việc làm mất cảnh quan chung còn tạo môi trường cho vi khuẩn, virut sinh sôi, phát triển, phát sinh thêm nhiều bệnh tật ngay trong bệnh viện…
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, BV Bệnh Nhiệt đới TW cho biết: Khi người nhà bệnh nhân không tuân thủ đúng nội quy, quy định về vệ sinh môi trường trong bệnh viện dễ trở thành trung gian truyền vi khuẩn, virut gây bệnh và có thể là một trong những nguyên nhân gia tăng lây nhiễm chéo. Vì vậy, việc giữ gìn vệ sinh môi trường bệnh viện cần có sự hợp tác tích cực của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.
NGỌC ANH