Bộ trưởng muốn xử hành vi làm thực phẩm “bẩn” như tội ác

- 15 lượt xem - Tin tức

Các Bộ trưởng phát biểu trong cuộc họp giao ban trực tuyến với địa phương về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ngày 2/1/2014 tại trụ sở Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì.

Chế rượu độc – vô lương tâm!

Là điểm nóng sau khi để xảy ra vụ ngộ độc rượu làm 6 người thiệt mạng đầu tháng 12/2013, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khẳng định, trên địa bàn nhiều năm qua không có các vụ ngộ độc lớn cho dù phải đón khoảng 7 triệu khách du lịch, đảm bảo điều kiện ăn ở cho đến khi có vụ rượu vừa qua. Mà “thủ phạm” gây ra vụ ngộ độc lại là loại đồ uống có nguồn gốc từ Hà Nội (rượu nếp 29 Hà Nội). Đại diện tỉnh Quảng Ninh đặt vấn đề trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước tại địa bàn nơi có hoạt động sản xuất vi phạm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương (ảnh: Chinhphu.vn)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương (ảnh: Chinhphu.vn)

Trong khi đó, theo Ban Chỉ đạo ATVSTP tỉnh An Giang (thuộc UBND tỉnh) nêu rõ trong tham luận, các vụ ngộ độc rượu xảy ra liên tiếp trong cả nước nguyên nhân chủ yếu là do đồ uống có pha cồn methanol. Danh sách các sản phẩm rượu có methanol có từ các sản phẩm vỉa hè đến rượu công ty.

Tại An Giang cũng đã từng xảy ra 2 vụ ngộ độc rượu này. Một vụ xảy ra năm 2003, có gần 13 người bị ngộ độc, 10 người tử vong do uống rượu có methanol. Theo lời kể của chủ cơ sở thì rượu pha thêm methanol uống sẽ “phê” hơn.

Một vụ ngộ độc khác xảy ra vào năm 2011, tại một đám cưới, có 16 người bị ngộ độc, 1 người chết. Kết quả kiểm tra, xét nghiệm sau đó đã xác định được methanol có trong mẫu nội tạng nạn nhân. Chủ cơ sở nấu rượu khai nhận có pha chế thêm cồn công nghiệp chứa hàm lượng methanol rất cao. Chủ cơ sở sau đó bị khởi tố, xử phạt 3 năm tù và phạt tiền, buộc đền bồi cho nạn nhân.

Tham luận của An Giang nêu vấn đề, các vụ ngộ độc rượu này cho thấy cần phải quản lý các cơ sở sản xuất cồn, các điểm kinh doanh bán lẻ cồn vì việc nấu rượu hiện nay phổ biến tình trạng chung là rượu chưng cất từ gạo rồi pha thêm cồn sau đó bỏ thêm các rượu mùi, rượu ngâm khác để bán.

Việc pha cồn này, chủ cơ sở sản xuất thường không khai báo, không công bố chất lượng, chỉ đến khi xảy ra ngộ độc mới bị phát hiện. Chất lượng nguồn cồn mua để pha chế rượu theo đó cũng rất khó kiểm soát. Điều này đặt ra dấu hỏi phải làm sao kiểm soát được chất lượng cồn, phải tiến hành việc quản lý thêm các điểm bán lẻ cồn, rất phức tạp.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hành vi sản xuất, pha chế rượu bằng cồn công nghiệp như vậy quá sức vô lương tâm. Dẫn lại những hiện tượng đã từng xảy ra trước đây tại Hà Nội như cốm nhuộm phẩm màu hay vụ phát hiện hơn chục xe tải nước ngọt mà thành phần chỉ là nước lã pha đường hóa học, hóa chất tạo màu, mùi (thậm chí có chất gây ung thư trong đó)… Bộ trưởng Y tế khái quát về tính phức tạp của địa bàn quản lý là Hà Nội cũng như các thành phố lớn.

3 Bộ vẫn… nợ dân
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương (ảnh: Chinhphu.vn)
Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế trao đổi thêm các nội dung tại cuộc họp giao ban trực tuyến (ảnh: Chinhphu.vn)

Gần Tết, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thông tin về nhiều loại mặt hàng đặc trưng như các loại đồ uống, bánh mứt kẹo, ớt bột, tương ớt nhuộm màu, chế thêm phụ gia độc hại, vi phạm vẫn tăng lên. Nữ Bộ trưởng chia sẻ với những lo lắng của cử tri khi “ra chợ không biết ăn gì, mua gì, nhìn gì cũng sợ”, “không ăn cũng chết mà ăn thì chết dần chết mòn”.

Phân trần vấn đề quá phức tạp, ngay cả các nước lớn, các nước phát triển cũng phải đối mặt nên không thể chỉ Bộ Y tế hay liên ngành 3 Bộ Y tế – NN&PTNT – Công thương có thể giải quyết được, Nữ Bộ trưởng đặt vấn đề, quan trọng là hướng xử lý thế nào, xử phạt thế nào để trừ tận gốc… người làm bậy.

Nữ Bộ trưởng nhấn mạnh quan điễm xử phạt nặng như Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Thị Minh nêu ra cộng với việc công bố công khai tên tuổi, thông tin về sản phẩm, cơ sở vi phạm để người tiêu dùng có thể nhận biết, tẩy chay. Cách thức này, tới đây Bộ Y tế sẽ áp dụng thử trên lĩnh vực dược phẩm.

Tháng ATTP khi dịp Tết cổ truyền đang tới, Bộ trưởng Y tế khuyến nghị xử phạt nghiêm thay vì chỉ tổ chức kiểm tra, lấy mẫu giám định ngẫu nhiên vì khó nhất hiện tại vẫn là lực lượng thanh tra chuyên ngành quá mỏng. Nữ Bộ trưởng dẫn con số so sánh, Cục vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế là cơ quan “to nhất” trong lĩnh vực này mà chỉ có hơn 10 thanh tra viên, cả nước cũng chỉ vài trăm người trong khi như ở Thái Lan, để giải quyết vấn nạn an toàn vệ sinh thức ăn đường phố ở Băng Cốc, thành phố này cần hơn 5.000 thanh tra viên chuyên ngành.

Bà Tiến đề nghị “tận dụng” thêm lực lượng công an xã, phường tham gia hoạt động này vì có nhiều xã có đến 400-500 cán bộ với khoảng 50 công an viên có thể chia sẻ bớt gánh nặng.

Là một địa phương được đánh giá đã cải thiện được hiệu quả tình hình mất an toàn vệ sinh thực phẩm thời gian qua, đại diện TPHCM than khó vì đến nay Thông tư liên tịch để hướng dẫn thực hiện Nghị định 38 về vấn đề này của 3 Bộ liên ngành vẫn chưa được ban hành.

 

“Kinh nghiệm nhiều năm của chúng tôi cho thấy vào dịp cuối năm, nhất là vào lễ cúng ông Công, ông Táo, bà con ta thường mổ lợn mổ gà để cúng rồi ăn tiết canh. Đây là một trong những con đường để dịch bệnh như liên cầu khuẩn, nhiệt thán… dễ dàng xâm nhập vào cơ thể. Thời gian ủ bệnh thông thường là 5-7 ngày, nếu ăn tiết canh trước tết, mùng 1 thì đến mùng 5 đổ bệnh, nhập viện, khoảng mùng 10 thì tử vong. Vậy nên cứ phải chờ qua 15 anh em báo cáo, nếu không nghe thông tin vụ nào mới thở phào được”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cũng nêu quan điểm: “Không thể chấp nhận để một người lợi dụng kiếm lợi trên lưng nhiều người khác, đặc biệt là kiếm lợi trên sức khỏe người khác. Những hành vi vi phạm phải “xử” như đối với tội ác chứ không thể coi là vi phạm thông thường khi cho chất độc, chất cấm vào thức ăn cho người khác sử dụng”.

 

Ông Phát cho biết, đối với thực phẩm Tết, làm tràn lan sẽ kém hiệu quả. Ví dụ với cây rau, trong quy trình từ đồng ruộng đến vườn ăn, khâu mất an toàn chính là quá trình trồng trọt, phun thuốc trừ sâu độc hại, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào khâu này. Tuy nhiên, với sản phẩm thịt, nguy cơ đến chủ yếu từ khâu giết mổ với 30% tỷ lệ thịt bẩn do nhiễm vi sinh chứ không phải trong quá trình chăn nuôi (tỷ lệ thịt có dư lượng kháng sinh, chất cấm do thức ăn chăn nuôi… phát hiện rất thấp). Sản phẩm từ cá thì bị “đầu độc” chủ yếu trong khâu bảo quản với các hành vi như ướp bằng phân đạm, u rê… Những khâu này lại không liên quan đến ngành Nông nghiệp.

Bộ trưởng Phát khẳng định đến nay ngành đã đình chỉ mọi việc khảo nghiệm, thử nghiệm, công nhận mới các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật để chỉ cho nhập vào Việt Nam những chế phẩm an toàn nhất khi dùng phun, xịt trên rau trồng. Tháng Tết Bộ cũng tập trung kiểm soát chặt các DN sản xuất lương thực thực phẩm đã bị xếp hạng C khi thanh tra trước đó, để đảm bảo từng lô hàng được sản xuất với nguy cơ cao này phải đảm bảo an toàn mới được xuất ra thị trường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét, ai cũng thể hiện nhận thức sâu sắc về vấn đề nhưng thước đo sự sâu sắc phải biểu hiện bằng hành động cụ thể, quyết liệt. Phó Thủ tướng nhắc yêu cầu 3 Bộ liên ngành hoàn thành ngay thông tư hướng dẫn để trong tuần tới phải “trả nợ” được. Phó Thủ tướng tán thành quan điểm “bêu tên” đơn vị vi phạm để cơ sở, DN vi phạm không bán được hàng, phải tự… dẹp.

P.Thảo

Back To Top