BỆNH VIÊM GAN B – SÁT THỦ THẦM LẶNG

Bệnh viêm gan B là “sát thủ thầm lặng” phá hủy chức năng gan, gây suy gan, xơ gan và thậm chí là ung thư gan đe dọa đến tính mạng con người. Trong bài viết sau, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn về triệu chứng, các con đường lây nhiễm cũng như cách điều trị và phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này.

XEM THÊM: UNG THƯ GAN LÀ GÌ?

VIÊM GAN B LÀ GÌ?

Viêm gan B (còn gọi là viêm gan siêu vi B) là bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Nếu không sớm được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm gan B có thể gây ra những tổn thương gan nghiêm trọng, kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.

VGB  là bệnh nhiễm trùng gan do virus HBV gây ra

PHÂN LOẠI VIÊM GAN SIÊU VI B

Bệnh được phân thành hai loại là viêm gan B cấp tính và viêm gan B mãn tính.

Viêm gan B cấp tính

Là tình trạng nhiễm trùng ngắn hạn, kéo dài trong vòng 6 tháng kể từ khi người bệnh tiếp xúc với HBV. Đa phần người bị bệnh không có triệu chứng hoặc chỉ bị nhẹ, nhưng cũng có trường hợp tình trạng trở nên nghiêm trọng khiến người bệnh phải nhập viện để điều trị.

Nhiều người mắc viêm gan B cấp, đặc biệt là những người bị nhiễm bệnh ở độ tuổi trưởng thành, có thể tự đào thải virus ra khỏi cơ thể nhờ hoạt động của hệ miễn dịch và bình phục hoàn toàn sau vài tháng mà không để lại bất cứ di chứng nào. Trên thực tế, có đến 90% người trưởng thành bị nhiễm HBV tự khỏi bệnh. Trường hợp ngược lại, nếu hệ miễn dịch không thể loại bỏ được virus thì bệnh sẽ tiến triển sang dạng mãn tính.

Viêm gan B mãn tính

Là tình trạng nhiễm trùng gan kéo dài từ 6 tháng trở lên. Virus HBV không bị loại bỏ và tiếp tục tồn tại một cách âm thầm trong máu và gan của người bệnh. Theo thời gian, bệnh có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm tổn thương viêm gan, suy gan, xơ gan, ung thư gan và thậm chí tử vong.

Bệnh gồm có 2 dạng:

Nhiễm viêm gan B thể không hoạt động

Cũng giống như trường hợp nhiễm viêm gan B thể người lành mang mầm, virus HBV ở thể ngủ yên không hoạt động. Người mắc bệnh chung sống hòa bình với virus, vẫn sinh hoạt, học tập, lao động bình thường

Nhiễm viêm gan B mãn thể hoạt động (viêm gan siêu vi B mãn)

Khác với viêm gan B mãn thể không hoạt động, virus HBV thể hoạt động không ngừng sinh sôi, nảy nở, gây tổn hại đến gan như: xơ gan, suy gan, ung thư gan.

NHỮNG TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH VIÊM GAN SIÊU VI B

Hầu hết trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người bị suy giảm hệ thống miễn dịch khi mắc viêm gan B cấp tính đều không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Những đối tượng còn lại, bao gồm trẻ lớn hơn, thanh thiếu niên và người trưởng thành thì có khoảng 30 – 50% sẽ có các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu, bao gồm:

+ Sốt

+ Mệt mỏi

+ Chán ăn, ăn mất ngon

+ Buồn nôn và nôn

+ Đau bụng

+ Nước tiểu đậm màu

+ Phân nhạt màu

+ Đau khớp

+ Vàng da

Các triệu chứng nhiễm trùng cấp tính xuất hiện khoảng 60 – 150 ngày sau khi tiếp xúc với virus và kéo dài từ vài tuần đến 6 tháng. Các triệu chứng thường nặng hơn ở những người bệnh trên 60 tuổi

Đối với những người bị bệnh mãn tính không có bất kỳ triệu chứng nào trong nhiều năm. Nếu có xuất hiện triệu chứng, chúng sẽ tương tự như các triệu chứng của nhiễm trùng cấp tính.
Trường hợp người bệnh đã mắc bệnh trong một khoảng thời gian dài mới biểu hiện triệu chứng thì khả năng cao đó là triệu chứng của các biến chứng nguy hiểm như xơ gan hoặc ung thư gan, chứ không chỉ đơn thuần là viêm gan nữa.

NGUYÊN NHÂN VÀ CON ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN BỆNH 

Đây là một căn bệnh là một loại bệnh lây truyền, có 3 con đường lây bệnh như sau:

Lây qua đường máu

Virus HBV có thể sống trong máu khô nhiều ngày. Vì vậy, những việc làm sau đây rất dễ làm lây lan virus từ người này sang người khác.

+ Dùng chung bơm kim tiêm, bàn chải đánh rang, dao cạo râu, bấm móng chân, móng tay….

+ Để vết thương hở tiếp xúc với máu của người nhiễm virus.

Lây từ mẹ sang con

Nếu người mẹ khi mang thai bị nhiễm viêm gan siêu vi B thì thai nhi cũng có khả năng bị lây nhiễm nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời. Tỷ lệ lây nhiễm sẽ tăng cao theo từng giai đoạn phát triển của thai nhi.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu, tỷ lệ lây nhiễm là 1%. Trong 3 tháng giữa tỷ lệ là 10%. Và nếu mẹ bị nhiễm bệnh trong 3 tháng cuối thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm sang con sẽ là 60 – 70%.

Do vậy, trước khi chuẩn bị mang thai và trong suốt thai kỳ, người mẹ bị nhiễm viêm gan siêu vi B cần đến gặp bác sĩ, nêu rõ bệnh sử của mình để bác sĩ đưa ra những lời khuyên hữu ích nhất cũng như có những biện pháp can thiệp kịp thời, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Lây qua đường tình dục

Quan hệ tình dục không an toàn có thể là con đường phát tán virus HBV từ người này sang người khác. Virus HBV sống trong dich sinh dục và có thể lây qua các vết xước nhỏ trong quá trình quan hệ tình dục không an toàn.

Vì vậy, khi quan hệ tình dục cần đảm bảo rằng đã có có biện pháp ngăn ngừa bệnh lây lân như dùng bao cao su, không sử dụng các dụng cụ hỗ trợ kém vệ sinh…

Viêm gan siêu vi B KHÔNG LÂY qua ăn uống, không lây khi dùng chung bát đũa, không lây qua ôm hôn, không lây qua hắt hơi, muỗi đốt.

Việc tìm hiểu vì sao bạn bị bệnh này thật sự rất khó vì điều này đã xảy ra trong quá khứ. Điều quan trọng là bạn cần biết đường lây bệnh để phòng tránh cho những người thân yêu trong gia đình, cho bạn bè và cộng đồng.

ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH 

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh, tuy nhiên những đối tượng sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

+ Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm bệnh

+ Những người tiêm chích ma tuý hoặc dùng chung kim tiêm, ống tiêm và các loại dụng cụ/thiết bị dùng cho ma tuý khác

+ Người có quan hệ tình dục với bệnh nhân nhiễm viêm gan siêu vi B

+ Người có quan hệ đồng giới nam

+ Những người sống chung với người bị bệnh

+ Người làm trong lĩnh vực y tế, nhân viên phòng thí nghiệm

+ Bệnh nhân chạy thận nhân tạo

+ Những người đã sinh sống hoặc đi du lịch thường xuyên đến các khu vực có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan siêu vi B cao trên thế giới

+ Người bị tiểu đường, người nhiễm virus viêm gan C hoặc HIV

CHẨN ĐOÁN, XÉT NGHIỆM BỆNH 

Trên cơ sở lâm sàng, không thể phân biệt viêm gan siêu vi B với viêm gan do các tác nhân virus khác gây ra. Do đó, việc xác nhận chẩn đoán trong phòng thí nghiệm là điều cần thiết.

Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh tiến hành các xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh. Có rất nhiều phương pháp xét nghiệm khác nhau, trong số đó, các xét nghiệm thường được chỉ định nhất bao gồm:

+ Kháng nguyên bề mặt virus HBV (HBsAg): Hầu hết người có khả năng mắc viêm gan siêu vi B đều cần thực hiện xét nghiệm HBsAg. Nếu kết quả xét nghiệm này dương tính nghĩa là người bệnh đã bị nhiễm virus HBV. Lúc này, người bệnh sẽ cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác để xác định nồng độ virus và mức độ tổn thương gan.

+ Kháng thể kháng kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAb hay Anti HBs): Xét nghiệm này dương tính nghĩa là người bệnh đã có kháng thể chống lại virus gây bệnh, tức người bệnh đã tiêm vắc xin viêm gan B hoặc đã từng nhiễm viêm gan B cấp tính trước đó.

+ Kháng nguyên vỏ virus HBV (HBeAg): Sự hiện diện của HBeAg chứng tỏ virus đang nhân lên và bệnh có khả năng lây lan mạnh.

+ Kháng thể kháng kháng nguyên lõi virus HBV (Anti HBc): Kháng thể HBcAb gồm 2 loại là immunoglobulin M (IgM) và Immunoglobulin G. HBcAb IgM xuất hiện và gia tăng nhanh chóng trong giai đoạn viêm gan B cấp hoặc đợt cấp của viêm gan mãn tính, sau đó giảm dần. HBcAb IgG xuất hiện trong giai đoạn viêm gan mãn tính. Kết quả xét nghiệm dương tính cho biết người bệnh đã hoặc đang nhiễm virus HBV.

+ Xét nghiệm HBV-DNA: Xét nghiệm này giúp bác sĩ đánh giá mức độ virus đang nhân lên trong cơ thể. Nồng độ đo được càng cao chứng tỏ virus nhân lên càng nhiều, tính lây truyền càng cao.

Viêm gan B cấp tính được đặc trưng bởi sự hiện diện của kháng thể HBsAg và kháng thể IgM đối với kháng nguyên lõi HBcAg. Trong giai đoạn đầu của nhiễm trùng, bệnh nhân cũng thường có kết quả dương tính với xét nghiệm kháng nguyên e viêm gan B (HBeAg).

Viêm gan B mãn tính được đặc trưng bởi sự tồn tại của HBsAg trong ít nhất 6 tháng (có hoặc không có HBeAg đồng thời). Sự tồn tại của HBsAg là dấu hiệu chính của nguy cơ phát triển bệnh gan mãn tính và ung thư gan sau này của người bệnh.

Sau khi tiến hành các xét nghiệm máu chẩn đoán viêm gan, tùy từng trường hợp mà bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm khác nhằm xác định mức độ tổn thương gan như xét nghiệm đánh giá chức năng gan, siêu âm, sinh thiết gan… để có kế hoạch điều trị phù hợp.

ĐIỂU TRỊ VIÊM GAN B

Tùy vào từng loại bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị bệnh thích hợp để đem lại hiệu quả cao nhất.

+ Đối với bệnh nhân viêm gan B cấp tính

Khoảng 90% người nhiễm bệnh sẽ tự khỏi và không cần dùng đến thuốc kháng virus. Nếu người nhiễm viêm gan B cấp tính có men gan cao cần nghỉ ngơi, có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Bên cạnh đó bệnh nhân có thể dùng những thuốc hỗ trợ chức năng gan theo đúng chỉ định của bác sĩ.

+ Đối với bệnh nhân nhiễm viêm gan B mãn tính

Thuốc ức chế sao chép virus viêm gan B: Có thể giúp người bệnh chống lại virus và làm chậm khả năng gây hại cho gan. Hai loại thuốc cơ bản hiện nay là Entecavir 0,5mg, Tenofovir (gồm 2 loại TDF300mg và TAF25mg). Các thuốc này được sử dụng theo đường uống.

Thuốc tiêm interferon: Có tác dụng kích thích hệ miễn dịch tiêu diệt virus và các tế bào bị virus xâm nhập. Thuốc tiêm interferon có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn, khó thở…

Ghép gan: Trường hợp gan đã bị tổn thương nghiêm trọng (xơ gan giai đoạn cuối), bác sĩ có thể đề nghị ghép gan để điều trị tình trạng này. Ghép gan là việc thay thế một phần hoặc toàn bộ lá gan hư hỏng của người bệnh bằng gan khỏe mạnh.

CÁC BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH

Khi bước vào giai đoạn mãn tính bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:

+ Xơ gan: bệnh kéo dài có thể hình thành các mô sẹo ở gan, gây xơ gan và làm suy giảm khả năng hoạt động của gan.

+ Ung thư gan: Những người bị nhiễm viêm gan siêu vi B mãn tính có nguy cơ ung thư gan cao hơn những người không mắc bệnh.

+ Suy gan: Viêm gan siêu vi B là một trong những nguyên nhân của tình trạng suy gan cấp tính, tức các tế bào gan bị tổn thương một cách ồ ạt và làm tăng đáng kế nguy cơ tử vong. Người bị suy gan cấp tính có thể phải cần ghép gan để điều trị.

+ Các vấn đề sức khỏe khác: phát triển bệnh thận hoặc viêm mạch máu.

CÁCH PHÒNG TRÁNH 

Hiện nay, tiêm phòng vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng tránh viêm gan B. Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo trẻ ngay sau khi sinh cần được tiêm phòng vắc xin mũi đầu tiên càng sớm càng tốt.

Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo trẻ ngay sau khi sinh cần được tiêm phòng vắc xin viêm gan B mũi đầu tiên càng sớm càng tố

+ Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp phòng tránh virus HBV lây lan như dùng chung bao cao su.

+ Không dùng chung bơm kim tiêm, bàn chải đánh răng, quần chip, các vật dụng lây từ máu người nhiễm bệnh sang người khác …

+ Trước khi có ý định mang thai, cả vợ và chồng cần đến bệnh viện kiểm tra xem có bị nhiễm viêm gan siêu vi B hay không. Trong suốt quá trình mang thai, người mẹ cần đi khám thai định kỳ, nếu có bất thường cần báo ngay với bác sĩ để có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời.

Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, bệnh nhân cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

Để đặt lịch khám Viêm gan B cũng như các bệnh khác với các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Hệ thống y tế Hùng Vương, xin vui lòng liên hệ tổng đài 18009415.

Back To Top