Adenovirus liệu có thực sự bí hiểm như ta thường nghĩ?

- 104 lượt xem - Xét Nghiệm, Y học thường thức

Adenovirus là một trong những nguyên nhân gây viêm đường hô hấp ở người nhất là đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt chúng gây ra viêm phổi cho trẻ em với tỷ lệ tử vong từ 8-10%. Ngoài gây nhiễm trùng đường hô hấp thì adenovirus còn có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác như viêm kết mạc, viêm dạ dày ruột…

1. ADENOVIRUS LÀ GÌ?

Adenovirus có ít nhất 90 loại virus riêng biệt và tất cả nhóm tuổi đều có thể nhiễm loại virus này. Người bệnh sau khi nhiễm adenovirus sẽ có thời gian ủ bệnh trước khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện là từ 5 – 6 ngày.

Cơ thể nhiễm adenovirus khi phơi nhiễm với người có virus hoặc chạm vào bề mặt hoặc vật dụng có sẵn adenovirus. Các đường nhiễm virus khác là hít phải virus trong những bọt nước trong không khí do người bị nhiễm adenovirus ho hoặc hắt hơi không che tay, tiếp xúc với tay của người đã chạm vào mắt vốn đã bị nhiễm trùng (kết mạc) hoặc mũi hoặc đàm. Adenovirus có thể phát tán qua phân của người bệnh bị tiêu chảy.

Adenovirus có thể sống đến 30 ngày trên các bề mặt trong điều kiện môi trường bình thường. Virus này cũng đã được báo cáo có trong nước không khử clo và gây viêm kết mạc (mắt đỏ) do bơi trong nước này.

2. ADENOVIRUS CHỦ YẾU GÂY RA NHỮNG BỆNH GÌ CHO CON NGƯỜI?

Adenovirus được chia ra làm 7 nhóm với thứ tự từ A – G, virus có đến hơn 50 type gây bệnh cho cơ quan trong cơ thể của con người. Trong đó các tổn thương đặc trưng do Adenovirus gây nên như là viêm đường hô hấp cấp trên và dưới, viêm kết giác mạc (đau mắt đỏ), bệnh về đường tiêu hóa (đi ngoài, buồn ói,…), viêm bàng quang, viêm màng não,… Adenovirus đặc biệt phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn chuyển mùa Xuân – Hè hoặc Thu – Đông.

3. AI CÓ THỂ NHIỄM ADENOVIRUS?

Mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh lây nhiễm Adenovirus. Sau khi người bệnh gặp phải Adenovirus sẽ có miễn dịch đặc hiệu với type bị nhiễm. Trường hợp bị tái nhiễm có thể đến từ type khác của virus Adeno. Đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về vai trò cũng như thời gian miễn dịch sau khi Adenovirus xâm nhập vào cơ thể.

Tuy nhiên, bệnh do virus Adeno gây ra thường thấy ở những người có sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người bị bệnh mạn tính,… Trong đó đặc biệt là đối tượng trẻ em trong giai đoạn từ 6 tháng – 5 tuổi cha mẹ cần lưu ý về sức khỏe của con trong giai đoạn giao mùa dịch đang bùng phát mạnh.

4. HỘI CHỨNG LÂM SÀNG KHI NHIỄM ADENOVIRUS

Nhiễm adenovirus (loại virus có hơn 40 tuýp kháng nguyên) gây ra các hội chứng lâm sàng đa dạng. Người bệnh khi nhiễm virus có thể không có triệu chứng nào đặc biệt hoặc có thể tự khỏi. Nhiễm adenovirus thường hay gặp nhất ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ hoặc những người sống trong trại lính. Ở những bệnh nhân ghép gan, ghép thận, ghép tủy xương cũng có thể dễ bị nhiễm loại virus này. Adenovirus có thời gian ủ bệnh diễn ra từ 4 – 9 ngày, tiếp đó người bệnh sẽ biểu hiện một số hội chứng lâm sàng chồng chéo bao gồm:

  • Viêm mũi họng, cảm giác mệt mỏi do nhiễm lạnh và chưa có biểu hiện sốt;
  • Viêm họng xuất tiết không do liên cầu: Lúc này người bệnh sẽ bị sốt kéo dài từ 2 – 12 ngày kèm theo đau cơ, toàn thân mệt mỏi. Đau họng thường biểu hiện bằng sung huyết lan tỏa, có những chấm xuất tiết, hạch to vùng cổ. Ho đôi khi kèm theo có ran ở phổi, trên phim X-quang có hình ảnh viêm phổi. Bệnh nhân thường có viêm kết mạc;
  • Sốt viêm họng – kết mạc: Người bệnh bị sốt, mệt mỏi, bị viêm kết mạc (thường ở một bên) và viêm họng ở mức độ nhẹ;
  • Viêm kết – giác mạc thành dịch lây truyền từ người này sang người khác thường gặp ở người lớn, biểu hiện bằng đỏ kết mạc một bên, đau mắt, chảy nước mắt, hạch to ở vùng trước tai. Viêm giác mạc dẫn tới đục dưới biểu mô (đặc biệt là do tuýp 8, 19 hoặc 37);
  • Viêm bàng quang xuất huyết cấp: Bệnh thường gặp ở trẻ em do adenovirus tuýp 11;
  • Loét tiết niệu sinh dục lây lan qua đường tình dục và viêm niệu đạo do adenovirus tuýp 2, 8 và 37;
  • Viêm dạ dày ruột cấp tính: Do tuýp 40, 41 gây ra tình trạng lồng ruột và rất hiếm gây viêm não, viêm màng ngoài tim

5. CÁCH ĐIỀU TRỊ ADENOVIRUS

Nếu người bệnh nhiễm adenovirus nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Các biện pháp chăm sóc hỗ trợ mang lại hiệu quả cao các bệnh có adenovirus gây ra được biết đến là:

  • Giảm tình trạng viêm đau vùng họng bằng súc miệng nước muối, có thể kết hợp với sử dụng thuốc kháng viêm Nonsteroid (Ibuprofen, diclofenac..), alphachymotripsin (alpha-choay) hoặc các thuốc ngậm như: Dorithricin, Strepsils..
  • Giảm tiết dịch mũi, giảm đờm bằng nhỏ mũi bằng nước muối hoặc các thuốc kháng histamin H1 như: Cetirizine, loratadine, diphenhydramin..
  • Hạ sốt giảm đau, giảm nhức mỏi bằng Paracetamol, ibuprofen.
  • Giảm tình trạng khò khè khó thở trong viêm phế quản: salbutamol, albuterol,.
  • Nhỏ nước muối sinh lý trong viêm kết mạc – giác mạc mắt, có thể kết hợp thêm nhỏ kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn: Neomycin, tobramycin.
  • Thuốc kháng tiết, trung hòa axit dạ dày trong thể viêm dạ dày cấp.
  • Thuốc giảm co thắt để giảm đau: buscopan, averin citrate và thuốc sát khuẩn đường niệu xanh Methylen (Mistasol Blue) trong thể viêm bàng quang xuất huyết.
  • Cung cấp Vitamin, đặc biệt là vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Nếu người bệnh nhiễm adenovirus nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Các biện pháp chăm sóc hỗ trợ mang lại hiệu quả cao các bệnh có adenovirus gây ra được biết đến là:

  • Giảm dịch tiết mũi bằng nước muối và hút.
  • Sử dụng nước muối ưu trương hoặc albuterol để chống nghẹt mũi.

Trường hợp người nhiễm adenovirus có tình trạng bệnh nặng, thậm chí nguy cơ dẫn đến tử vong do bị suy hô hấp, suy giảm hệ miễn dịch, biến chứng tiêu hóa nặng cần được điều trị bằng thuốc kháng adenovirus như cidofovir. Tiếp tục theo dõi xét nghiệm virus trong phòng thí nghiệm để theo dõi đáp ứng điều trị.

Xem thêm: Vi khuẩn Salmonella và những điều có thể bạn chưa biết?!

6. CÁCH PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH DO ADENOVIRUS GÂY RA

  • Luôn đảm bảo có nguồn nước sạch đủ dùng cho sinh hoạt. Nhất là trong mùa mưa lũ, cần sử dụng nguồn nước sạch đã được khử trùng.
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không dùng chung khăn mặt và thường xuyên giặt khăn bằng xà phòng, phơi dưới ánh nắng.
  • Khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm bệnh thì không được sử dụng chung đồ với người bệnh, nhất là khăn mặt và các đồ dùng có thể bị nhiễm các chất xuất tiết của bệnh nhân như bát, thìa, cốc, chén, giường… Thực hiện sát trùng các đồ dùng bệnh nhân trong giai đoạn mắc bệnh.

Bệnh do adenovirus rất dễ lây lan bằng cách trực tiếp và gián tiếp, nên cũng dễ bùng phát thành dịch chính vì vậy khi phát hiện bản thân hay những người xung quanh mình nhiễm Adenovirus cần có các biện pháp phòng ngừa hợp lý, tránh bệnh bùng phát thành dịch.

Back To Top