LNMTC ảnh hưởng trên 6 – 8% phụ nữ tuổi sinh đẻ, 38% phụ nữ vô sinh, 87% phụ nữ bị đau vùng chậu mạn tính. Nguyên nhân là do tế bào nội mạc tử cung xuất hiện ngoài buồng tử cung, làm tăng sản xuất quá mức prostaglandin và estrogen, dẫn đến tình trạng viêm mạn tính.
Chẩn đoán chỉ dựa vào tiền sử đau vùng chậu mạn tính, qua khám sức khỏe định kỳ hay qua các cơ quan khác như: tiêu hóa, tiết niệu,…Cộng hưởng từ dùng trong một số trường hợp khó. Nội soi chẩn đoán và bấm sinh thiết ngày càng được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị. Chẩn đoán xác định vẫn là giải phẫu bệnh lý.

Chiến lược điều trị LNMTC nhằm hai mục tiêu: giảm đau và cải thiện khả năng sinh sản. Đau bụng lặp lại sau phẫu thuật là 44% và không phẫu thuật là 53%.
Về nội khoa có thể sử dụng thuốc tránh thai, danazol, progestin, GnRH đồng vận – tất cả đều giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Phẫu thuật bảo tồn có thể dùng dao laser hay dao điện lưỡng cực. Tỷ lệ tái phát là 19%, giảm đau 87%. Có thể dẫn lưu ổ lạc nội mạc hay bóc u lạc nội mạc. Bóc u sẽ giúp giảm đau và tỷ lệ có thai cao hơn.
Phẫu thuật cắt bỏ tử cung và buồng trứng, tiến hành gỡ dính tái tạo cơ quan vùng chậu; tái tạo niệu quản hay cắt bỏ một phần ruột hay trực tràng. Nguy cơ tái phát 15% ở bệnh nhân có sử dụng liệu pháp hormone kết hợp estrogen và progestin đơn thuần cho các bệnh nhân sau phẫu thuật cắt tử cung và hai buồng trứng vì u lạc nội mạc tử cung.
Điều trị nội khoa giúp giảm đau hiệu quả và cải thiện chất lượng cuộc sống nhưng bệnh sẽ bùng phát khi ngưng thuốc. Phẫu thuật được cho là có giảm đau sau mổ, nhưng tỷ lệ mổ lại khá cao. Vì vậy cần cân nhắc phẫu thuật khi khối lạc nội mạc lớn, phẫu thuật trong vô sinh. LNMTC luôn là một lĩnh vực khó trong phụ khoa, chính vì vậy cần kiểm tra sức khỏe sinh sản định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời LNMTC.