Y tế tư nhân khó "khỏe" vì "bệnh" chính sách

- 2 lượt xem - Tin tức

– Ông đánh giá thế nào về quá trình phát triển của các cơ sơ y tế tư nhân trong hơn 20 năm qua ?

Cách đây 20 năm, ngày 21/8/1997, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90 – CP về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa. Trong quá trình phát triển cũng tồn tại một số bất cập trong việc triển khai và thực hiện các chính sách pháp luật về y tế khiến hệ thống y tế ngoài công lập còn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Đệ (bên trái) tại Hội nghị hội viên Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt nam năm 2017

Ông Nguyễn Văn Đệ (bên trái) tại Hội nghị hội viên Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân Việt Nam năm 2017

Hiện nay, theo thống kê sơ bộ cả nước có khoảng trên 200 bệnh viện tư nhân, nhiều bệnh viện có quy mô lớn từ 200 đến 500 giường, với tổng số giường bệnh nội trú khoảng 45 ngàn giường. Hầu hết các bệnh viện tư nhân đều có đội ngũ các giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ… giàu kinh nghiệm, được đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại, đáp ứng nhu cầu chẩn đoán và điều trị. Một số bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều ca kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch, mổ não, cột sống, lồng ngực, nuôi cấy tế bào gốc… cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo mà trước đây phải chuyển lên tuyến Trung ương, giảm đáng kể chi phí đi lại, ăn ở, điều trị, và giảm tải cho tuyến trên. Thực tế cho thấy khi bệnh viện tư nhân ra đời đã làm thay đổi nhận thức, quan điểm và tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, y, bác sỹ khối bệnh viện công lập.

Có thể nói sau hơn 20 năm thực hiện xã hội hóa về y tế đã khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, nhất là huy động được mọi nguồn lực, giảm đáng kể nguồn ngân sách nhà nước chi cho hoạt động y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.

– Nhưng rõ ràng đến thời điểm này, y tế tư nhân chưa phát triển như mong muốn của xã hội, thưa ông?

Có thể nói, tôi là một trong những người tiên phong xây dựng bệnh viện tư, sau khi có chủ trương xã hội hóa. Chính vì vậy tôi nhận thấy một số nội dung của các hướng dẫn chưa theo kịp, chưa được triển khai đúng với thực tế, khiến các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân khó có thể phát triển đúng tiềm năng. Thực tế khối bệnh viện tư nhân chưa được Bộ Y tế xếp hạng.

Mới đây nhất, ngày 11/12/2013, Bộ Y tế đó có Thông tư 43/2013/TT-BYT quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, giao cho các Sở Y tế địa phương tiến hành thẩm định và trình cấp có thẩm quyền công nhận hạng tương đương bệnh viện hạng I, hạng II, hạng III và IV để làm cơ sở phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và thanh toán BHYT. 

Đối với việc tạm ứng kinh phí khám chữa bệnh – BHYT cho cơ sở khám chữa bệnh quy định tại Khoản 1 Điều 32 Luật BHYT và một số văn bản hướng dẫn, theo đó, hằng quý, chậm nhất vào ngày 05 tháng đầu quý, cơ quan BHXH tỉnh và huyện tạm ứng kinh phí khám chữa bệnh – BHYT cho cơ sở khám chữa bệnh tối thiểu bằng 80% chi phí khám chữa bệnh – BHYT thực tế đã được quyết toán của quý trước liền kề. Tuy nhiên hiện nay, nhiều cơ sở khám chữa bệnh phải chờ hàng tháng sau vẫn chưa được cơ quan BHXH tạm ứng số tiền này. Bộ Y tế cũng chưa ban hành đầy đủ các quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị chuẩn… dẫn đến các vướng mắc trong quá trình giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, đặc biệt là liên quan đến chỉ định điều trị và thực hiện các quy trình chuyên môn kỹ thuật.

Đặc biệt, hiện nay các bộ, ngành đang cắt giảm các giấy phép con, thì việc Bộ Y tế quy định về chứng chỉ hành nghề lại được cho là đang “tạo rào” cho cả khối bệnh viện công và tư. Điều này khiến các cơ sở KCB đang phải chạy theo để hoàn thiện hồ sơ, tránh bị xuất toán chi phí KCB – BHYT. Cụ thể khi một giáo sư, bác sỹ… nghỉ hưu vẫn không thể hành nghề nếu chưa có chứng chỉ hành nghề, cho dù tay nghề của họ đã khẳng đinh trong quá trình công tác. Một số đối tượng hành nghề y như: kỹ sư vật lý xạ trị, cử nhân tâm lý học lại không được cấp chứng chỉ hành nghề…

– Với vai trò là chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, ông có kiến nghị gì về một số chính sách và thực thi chính sách để y tế tư nhân phát triển…

Công tác khám chữa bệnh là một trong những lĩnh vực hết sức nhạy cảm, một số người dân vẫn còn đang có những suy nghĩ lệch lạc về bệnh viện tư nhân. Vì vậy các chính sách cần có sự công bằng, bình đẳng giữa các cơ sở công lập và tư nhân. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, thì các cơ quan quản lý cần phải sửa đổi bổ sung để việc quản lý cũng như việc thực hiện được tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luât, tạo lên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình cơ sở y tế, để phục vụ người dân được tốt hơn.

– Xin cảm ơn ông!

Back To Top