Y đức: Xin hãy đánh giá đúng về chúng tôi

- 5 lượt xem - Tin tức

Đó là những lời nói tâm huyết của Bác sĩ Trần Văn Phúc, đang làm việc tại Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội).

Y đức: Xin hãy đánh giá đúng về chúng tôi 1

Lá thư tri ân của bệnh nhân Bùi Gia Duẩn gửi tập thể y bác sĩ bệnh viện Bạch Mai ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2/2009.

Từ vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B, đến vụ “nhân bản kết quả xét nghiệm máu”, đỉnh điểm là vụ bác sĩ vứt xác khách hàng xuống sông để phi tang, đã làm dư luận xã hội dấy lên làn sóng căm phẫn về tình trạng y đức nước nhà.

Các đồng nghiệp của tôi phải thốt lên rằng: chưa có ngành nào bất hạnh như ngành y, chưa bao giờ ngành y lại bất hạnh như hiện nay! Mỗi buổi sáng đến bệnh viện, những tà áo trắng đã trở nên lặng lẽ và khép mình hơn, không còn những nụ cười thực sự vui vẻ, không có cả những bữa ăn ngon, những cuộc liên hoan hay những sinh hoạt tập thể đều bị hủy bỏ. Xã hội không ai còn đủ bình tĩnh để nói những lời thiện cảm với ngành, từ người dân đến các cấp lãnh đạo đều tỏ thái độ phẫn nộ, cảm thấy bất ổn, không còn biết tin vào ai trong nghành y.

Y đức: Xin hãy đánh giá đúng về chúng tôi 2

Chăm sóc bệnh nhân tại Trung tâm Chống độc – BV Bạch Mai.

Vậy có phải ngành y chúng tôi đã mất hẳn sự tôn nghiêm, mất hẳn sự chuẩn mực, mất hẳn y đức? Những câu hỏi ấy cứ xoáy vào tim óc chúng tôi, đặt cả xã hội vào tình thế bất an, người ta cố gắng lí giải các sự việc khủng khiếp vừa xảy ra. Và dường như người ta đã không khó khăn để cho rằng đã gọi được đúng tên căn bệnh mà ngành y đang mắc phải, đó là căn bệnh trầm kha báo động đỏ về thảm họa y đức!

Là người trong ngành, tôi nhận thấy giữa những đánh giá của xã hội về chúng tôi, với những điều chúng tôi suy nghĩ và cống hiến, thì đang có một khoảng cách quá xa. Khoảng cách này đã gây khó khăn phức tạp cho chúng tôi, cho những người bệnh, cho toàn xã hội. Chứng kiến đủ mọi cung bậc tình cảm của bao nhiêu đồng nghiệp chân chính, tôi quyết định viết bài này để chia sẻ với những người ngoài ngành y, để chúng ta cố gắng tìm lại tiếng nói chung, xích lại gần nhau, cùng nắm tay hướng tới những mục tiêu khó khăn trong tương lai; thay vì các bạn cứ chỉ trích chúng tôi cho thỏa nỗi bất bình.

Theo PGS.TS Phạm Duệ – Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai) “Nghề bác sĩ là nghề rất đặc biệt và nguy hiểm”. Sự nguy hiểm ấy không phải chỉ là những chuyện chúng ta chứng kiến gần đây như bác sĩ bị hành hung, bệnh viện bị đập phá mà còn cả những hiểm nguy mà bằng mắt thường mọi người không thể thấy. Nhiều bác sĩ đã bị phơi nhiễm HIV, lây nhiễm các virus độc hại, thậm chí tử vong khi phải tiếp xúc, đối diện với bệnh tật hàng ngày.

Về những sai lầm của chúng tôi:

Vụ việc 3 cháu bé sơ sinh ở Quảng Trị bị tử vong cùng thời điểm sau khi tiêm thuốc vắc xin viêm gan B đã làm cả xã hội bị sốc nặng. Chúng tôi đau đớn lắm chứ, làm sao không thể không bàng hoàng! Tôi đã chứng kiến có những cháu bé bệnh nặng phải nằm viện dài ngày, ai cũng coi cháu như con, khi cháu tử vong mà cả khoa đều khóc, ngay cả những bác sĩ nam vững vàng nhất cũng không cầm nổi nước mắt. Vậy mà chỉ trong chốc lát, những sai sót của đồng nghiệp chúng tôi đã cướp đi sinh mạng của 3 đứa trẻ vô tội, hỏi ai có thể làm ngơ?

Sự việc xảy ra, có thể người ngoài ngành không rõ chúng tôi làm gì, nhưng trong ngành chúng tôi nghiêm khắc thi hành kỉ luật những người mắc sai phạm là đương nhiên, bệnh nhân nào tử vong chúng tôi cũng đều làm như thế, đó chính là y đức quy định từ thời Hippocrates đến nay mà cả thế giới đều tuân theo. Nay có thêm cơ quan chức năng điều tra cho thật rõ ràng về cái chết của các cháu, đấy cũng là việc làm cực kì quan trọng, không phải nhằm mục đích là để trừng trị những người làm sai cho hả dạ, mà để cái chết của các cháu không trở nên vô nghĩa khi cất lên được tiếng nói cuối cùng cứu sống những cháu bé cùng cảnh.

Vậy có bất công với chúng tôi quá không, khi trước lúc kết quả điều tra được công bố mới đây, suốt gần 3 tháng từ lúc sự việc xảy ra, đó đây người ta vẫn có thể quy kết toàn ngành chúng tôi tha hóa, y đức suy đồi, coi mạng người không hơn mấy đồng tiền lẻ?

Nhiệm vụ của bác sĩ là cứu người, cấm không được phép hại người, chứ đừng nói đến giết người. Vụ việc “nhân bản xét nghiệm máu” ở bệnh viện Hoài Đức, đồng nghiệp của chúng tôi rõ ràng là sai, không thể bao biện nổi. Nhưng phân tích kĩ về bản chất vụ việc, sẽ thấy có 3 tình huống xảy ra. Một là, xét nghiệm nhằm mục đích chẩn đoán để điều trị bệnh thì đây là việc làm trời không dung đất không tha, đích thị là hành vi hại người, thậm chí là hành vi giết người. Hai là, xét nghiệm để hoàn tất thủ tục hồ sơ bệnh án theo quy định, hay để hoàn tất hồ sơ khám sức khỏe, thì đó là lỗi thuộc về quản lí hành chính đang có nhiều bất cập. Ba là, sử dụng kết quả xét nghiệm làm căn cứ cho bệnh nhân ngoại trú là người quen lấy cớ lĩnh thuốc bảo hiểm y tế, rút ruột quỹ bảo hiểm từ chính nguồn tiền trả cho xét nghiệm giả, thì đó là hành vi tham nhũng.

Cơ quan điều tra đã công bố kết quả, không có xét nghiệm nào phục vụ cho việc chẩn đoán điều trị bệnh, không có bệnh nhân nào bị ảnh hưởng sức khỏe từ chính những kết quả “nhân bản” ấy, nghĩa là không thuộc tình huống thứ nhất. Mục đích “nhân bản xét nghiệm” cũng được cơ quan điều tra chỉ ra là thuộc tình huống thứ 2 và thứ 3, đó là lỗi quản lí và hành vi tham nhũng. Từ hành vi phạm tội đến khi cấu thành tội phạm là cả một vấn đề mà cơ quan điều tra phải rất kĩ lưỡng khi cân nhắc để đưa ra quyết định.

Cũng thật trớ trêu, bệnh viện Hoài Đức “nhân bản xét nghiệm” để rút ruột bảo hiểm y tế, số tiền chưa đến 20 triệu trong cả một năm, mang chia cho mấy trăm cán bộ công nhân viên, vậy mà hành vi ấy vẫn phải cấu thành tội để cả tập thể 10 người bị truy tố. Tại sao lại có câu chuyện dở khóc dở cười này? Vấn đề nằm ở chỗ giá viện phí bao nhiêu năm bất hợp lí, cùng với cách quản lí xã hội nói chung và ngành y tế nói riêng đang còn nhiều bất cập mà phạm vi bài viết này tôi không thể đề cập đến. Điều chúng tôi đau xót nhất là sự việc “nhân bản xét nghiệm” xảy ra ngay sau vụ tiêm vắc xin, chưa biết thực hư thế nào nhưng dư luận xã hội đã quật cho y đức của chúng tôi một cú gục ngã không gượng dậy nổi, làm người dân mất trọn niềm tin vào ngành y.

Người ta không đủ kiên nhẫn chờ đợi cơ quan điều tra đưa ra kết luận, không đủ kiên trì chờ đợi tòa án đưa ra phán quyết, không đủ rộng lượng để có cái nhìn bao dung và đa chiều. Người ta chỉ căn cứ vào những bài báo gây “sốc” được xuất bản hàng ngày để chỉ trích chúng tôi với những lời lẽ cay nghiệt nhất, coi đồng nghiệp của chúng tôi ác hơn cả những kẻ giết người chuyên nghiệp, mà không ai mảy may nghĩ tới hậu quả xã hội sẽ phải gánh chịu nhiều hơn là chúng tôi hay 10 đồng nghiệp đang vướng phải vòng lao lí. Sẽ không khó để trả lời câu hỏi: 10 người bị truy tố thì họ thực sự là tội phạm hay chỉ là nạn nhân của một xã hội còn đang nặng về cách nhìn cực đoan và thiên kiến?

Làm bác sĩ, dù có mổ nhầm ruột thừa không viêm cũng phải giữ lại bệnh phẩm, chấp nhận kỉ luật chứ không ai vất bỏ bệnh phẩm cho dù có thể nói dối là chuột càm. Khi đọc được tin bác sĩ Tường ném xác khách hàng xuống sông Hồng để phi tang, hôm ấy tôi đang trực ở bệnh viện, cảm thấy như trời sụp, bỏ bữa ăn tối, cả đêm và ngày hôm sau không chợp nổi mắt. Hàng ngày hàng giờ tôi luôn dõi theo thông tin xem gia đình đã tìm thấy chị Huyền chưa? Tôi cũng luôn cầu Trời Phật phù hộ để chị Huyền biết tìm đường về với gia đình, có như vậy những người làm ngành y chúng tôi mới thanh thản được phần nào.

Tôi và bác sĩ Tường học cùng khóa, khác lớp, cùng tuổi, nhưng không chơi với nhau. Ngày nhận bằng tốt nghiệp Đại học Y, 252 tân bác sĩ chúng tôi đều đặt tay trái lên ngực, đọc to lời thề Hippocrates, rồi từng người một được thầy Tôn Thất Bách trao bằng tận tay, được thầy căn dặn phải giữ đạo đức khi hành nghề, được chụp một bức ảnh chung với thầy. Ra trường công tác ở Bệnh viện E, rồi đến Bệnh viện Bạch Mai là nơi có y đức được coi trọng hàng đầu, đồng nghiệp và một số bệnh nhân đều nhận xét bác sĩ Tường là người có chuyên môn tốt, hiền lành, nhiệt tình với người bệnh.

Vậy điều gì đã biến một bác sĩ tốt trở thành một tội phạm không thể tha thứ?

Qua các nguồn, tôi được biết bác sĩ Tường có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố nhiễm chất độc màu da cam đã mất, mẹ ốm yếu, có 3 em gái thì 2 em cũng bị bệnh tật do ảnh hưởng từ bố, nay một mình anh phải cưu mang tất cả. Có phải hoàn cảnh đã đẩy anh vào vòng xoáy đồng tiền, để rồi từ đó trở đi anh liên tiếp mắc những sai lầm có tính chất hệ thống? Từ việc hành nghề không đúng chuyên môn, chưa được cấp phép, cho đến quảng cáo tâng bốc sai sự thật để đánh lừa khách hàng, rồi chính những quảng cáo ấy quay lại đánh lừa để anh nhầm tưởng về khả năng của mình. Khi tai biến xảy ra, đáng lẽ anh phải đặt mạng sống của bệnh nhân lên trên hết, thì anh lại đặt cuộc sống và sự nghiệp của mình lên trên người bệnh và làm cái điều mà không ai có thể chấp nhận nổi.

Y đức: Xin hãy đánh giá đúng về chúng tôi 3

Một ca ghép gan tại Bệnh viện Việt Đức.

Hãy công bằng hơn với chúng tôi

Y học là môn khoa học về sức khỏe con người, nó đặc biệt nhưng lại không hoàn hảo bởi kiến thức luôn thay đổi, thông tin không chắc chắn, cá nhân có thể mắc sai lầm, cuộc sống của nhân viên y tế luôn đối diện với những rủi ro nguy hiểm. Khi xảy ra một sự cố y khoa, người bệnh luôn nghĩ rằng họ là nạn nhân và chỉ biết đòi hỏi, mà không bao giờ họ nghĩ rằng có những lúc chính bản thân người bệnh là nguyên nhân gây ra sự cố đó và cần thiết phải chia sẻ những gánh nặng với nhân viên y tế. Tai biến và sai sót chuyên môn là những điều hay gặp và nhiều khi rất khó phân định. Tiêu cực trong ngành y là không thể tránh khỏi, nhưng nếu chỉ nhìn thấy tiêu cực thì vô hình trung đã thu hẹp không gian hoạt động của ngành y, sẽ ảnh hưởng không chỉ với nhân viên y tế, mà ngay cả với người bệnh cũng phải gánh chịu những tổn thất không đáng có.

Tội của bác sĩ Tường, của những đồng nghiệp vụ “nhân bản xét nghiệm” và vụ tiêm vắc xin viêm gan B, sẽ có pháp luật phân xử công bằng. Dư luận cất tiếng nói lên án là cần thiết cho toàn ngành y chúng tôi lấy đó làm bài học răn mình, nhưng nếu cố đẩy những thân phận lỗi lầm kia lún sâu xuống vũng bùn tăm tối, hay chà đạp lên y đức toàn ngành chúng tôi, làm tổn hại đến sự thiêng liêng và uy tín của chúng tôi, thì đó lại là vấn đề mà các bạn cần phải bình tâm suy nghĩ lại xem đã thực sự công bằng với chúng tôi chưa?

Tuần trước, một nhạc sĩ người Pháp nói với tôi rằng, ông có tìm hiểu về Việt Nam thông qua một số bộ phim của Việt Nam về chiến tranh, có một điều ông không đồng ý với quan điểm của người Việt là luôn có cách nhìn cực đoan, lúc nào cũng phải rạch ròi trắng đen. Ông đồng ý người Pháp đô hộ Việt Nam là sai và không chính nghĩa, nhưng không phải người Pháp đến Việt Nam chỉ toàn gây ra chết chóc và làm toàn những điều xấu. Không phải cứ lính Mỹ là khát máu là độc ác, nhiều người đã phản chiến và ủng hộ Việt Nam. Câu chuyện của ông nhạc sĩ người Pháp nhắc nhở tôi cần có cái nhìn đa chiều, bình tĩnh, khách quan, độ lượng và nhân văn hơn khi đánh giá bất kì một vấn đề gì, như chính vấn đề y đức của chúng ta hôm nay cũng thế.

Đó đây người ta nói rằng y đức bây giờ không còn biết tin vào ai nữa, tất cả đều tha hóa và đồi bại. Chúng tôi nghĩ khác, bác sĩ Tường đại diện điển hình cho số ít những người đã gục ngã trong những khoảnh khắc sai lầm, còn lại cả một đội ngũ thầy thuốc chân chính đang lặng thầm bỏ qua tất cả những khinh bỉ của xã hội để tiếp tục cống hiến sức mình, đưa sự nghiệp y tế nước nhà tuy còn rất nghèo nàn nhưng đã có một số lĩnh vực như ngoại khoa, phẫu thuật nội soi, tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, can thiệp tim mạch và điện quang can thiệp, là những chuyên ngành Việt Nam đủ sức ngẩng cao đầu so với thế giới.

Tưởng rằng ung thư là căn bệnh nguy hiểm nhất, nhưng hóa ra không phải vì đó là căn bệnh thể chất chỉ số ít người bị mắc và có thể chữa khỏi hoặc chí ít cũng kéo dài sự sống. Mất niềm tin mới là căn bệnh tinh thần đáng sợ nhất, nó lan rất nhanh ra toàn xã hội, làm cho con người mất đi sự yêu thương và lòng vị tha. Một xã hội sẽ trở nên cực kì nguy hiểm khi người dân mất niềm tin vào ngành y, bởi chính những người cứu sống và bảo vệ sức khỏe cho mình mà còn không tôn trọng thì đâu là chuẩn mực đạo đức xã hội. Mất niềm tin nên mỗi khi bệnh nhân vào viện có điều gì đó không hài lòng hay xảy ra sự cố là người nhà có thể ngang nhiên đuổi đánh nhân viên y tế, đánh xong thì xã hội đổ tại y đức xuống cấp nên người dân mới xử sự như vậy.

Cách ứng xử gần đây của ngành y cũng thể hiện rõ sự bất công đến bất lực, ấy là khi xảy ra tai biến, chưa cần biết đúng sai như thế nào nhưng ngay lập tức nhân viên y tế bị đình chỉ công việc, còn nếu có sai sót thì cho dù có cơ hội sửa chữa khuyết điểm nhưng vẫn bị đuổi việc, bệnh viện ngay lập tức phải hỗ trợ tiền cho người bệnh để đổi lấy sự yên ổn.

Y đức: Xin hãy đánh giá đúng về chúng tôi 4

  

Bức ảnh này được chụp năm 1987, sau 23 giờ của một phẫu thuật ghép tim, Bác sĩ Zbigniew Religa đang quan sát monitoring để đảm bảo bệnh nhân an toàn. Chú ý là phụ tá của ông đang ngủ. Bức ảnh này được tạp chí National Geographics xem là đẹp nhất.

Trong y học, có nhiều phương pháp điều trị căn bệnh ung thư; song điều trị căn bệnh mất niềm tin thì chỉ có duy nhất một phương pháp là tình yêu thương của con người đối với con người. Ông tổ nghề y Hippocrates từng nói: “Bất cứ nơi nào nghệ thuật của y học là tình yêu thương thì đó cũng chính là tình yêu thương của nhân loại”.

Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội

Back To Top