“Sự việc diễn ra nhanh quá chúng tôi cũng không thể ngờ tới được. Ông nhà tôi từ trước đến nay không có bệnh gì trầm trọng”.
|
Người thân tổ chức đám tang cho ông Lê Đình Tứ. |
Tiêm thuốc bổ xong tử vong
Sự việc ông Tứ chết trên đường đi cấp cứu sau khi tiêm thuốc bổ tại điểm chăm sóc sức khỏe từ thiện làm xôn xao dư luận Hà Tĩnh trong những ngày qua. Trong khi nguyên nhân đang được cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra thì trong dư luận xuất hiện một số ý kiến trái chiều nhau. Họ cho rằng cái chết của ông Tứ là do sức khỏe ông cụ yếu nên khi tiêm thuốc bổ vào bị sốc phản vệ thuốc dẫn đến tử vong. Nhưng có một số ý kiến lại cho rằng ông Tứ tử vong do sự tắc trách của vị y sỹ ở cơ sở chăm sóc sức khỏe từ thiện này. Để tìm hiểu thực hư câu chuyện đến đâu, nhóm PV báo HN&PL Thứ 7 về tận địa phương để tìm hiểu vụ việc.
Cũng theo ông Mai Văn Dy, Trưởng Công an xã Thạch Trung, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) xác nhận, trên địa bàn vừa có người tử vong sau khi tiêm thuốc bổ tại cơ sở khám chữa bệnh thiện nguyện ở thôn Nam Trung. Công an xã đang phối hợp với cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Tĩnh điều tra vụ việc.
Theo lời kể của người dân nơi đây, lúc đó vào khoảng 16h ngày 7/1, ông Lê Đình Tứ (76 tuổi, trú khối phố 8, phường Nguyễn Du, TP. Hà Tĩnh) cảm thấy mệt nên đã đi xe đạp đến điểm chăm sóc sức khỏe từ thiện ở thôn Nam Quang, xã Thạch Trung để thăm khám, chữa bệnh. Tại đây, vì thấy ông Tứ có biểu hiện mệt mỏi, kiệt sức nên bà Hoàng Thị H. (y sĩ, 36 tuổi, trú xã Thạch Trung) đã thăm khám rồi tiêm cho ông Tứ một mũi thuốc bổ (mũi tiêm tổng hợp gồm 3 loại thuốc vitamin B1, B6, B12 – PV) để trợ sức.
Sau khi tiêm xong, bệnh nhân có triệu chứng lạ như nôn ói, người lịm dần, cơ thể tím tái. Ngay lập tức, ông Tứ được bà H. và người thân gọi xe taxi đưa đi cấp cứu tại bệnh viện TP. Hà Tĩnh. Tuy nhiên, trên đường đi nạn nhân đã tử vong. Nhận tin trình báo của gia đình, công an xã Thạch Trung đã có mặt và tiến hành lập biên bản sự việc. Công an tiến hành thu giữ tại hiện trường 3 lọ thuốc vitamin B1, B6, B12 mà bà H. đã tiêm cho ông Tứ và báo cáo lên cấp trên. Công an xã Thạch Trung cho biết, hiện cơ quan này đang tạm giữ bà Hoàng Thị H. để điều tra làm rõ.
Nguyên nhân do sốc phản vệ?
Để tìm hiểu rõ thêm về sự việc chúng tôi tìm về nhà anh Lê Đình Th. (SN 1976) – con trai ông Tứ. Ngồi thẫn thờ trước bàn thờ của cha, anh kể lại sự việc ngày hôm đó. “Trưa ngày 7/1, hai vợ chồng tôi ăn cơm xong sang gửi cháu cho ông bà nội để đi làm. Thấy bố kêu hơi mệt nhưng vẫn cố ngồi chơi với cháu. Đến chiều thì bố tôi cảm thấy mệt và rủ ông Nguyễn Văn Nghĩa đạp xe lên cơ sở khám chữa bệnh từ thiện ở thôn Nam Trung, xã Thạch Trung để khám bệnh. Đến chiều đi làm về tôi mới nghe người làng thông báo bố tôi tử vong trên đường đi cấp cứu. Trước cái chết đột ngột của bố, tôi đã làm đơn trình bày sự việc lên công an yêu cầu làm rõ. Nhưng sau tôi nghĩ do ông tuổi cao sức yếu nên tử vong thôi. Sự việc xảy ra như vậy y sỹ H. cũng không cố ý, họ cũng làm việc thiện, chứ không vì mục đích lợi nhuận nên gia đình tôi không muốn làm lớn chuyện”.
Theo người nhà cụ Tứ, cụ vẫn thường xuyên qua cơ sở khám chữa bệnh từ thiện thôn Nam Trung để thăm khám. Mỗi lần đi khám về cụ vẫn nói với gia đình sức khỏe tiến triển tốt hơn. Vì cụ không bị căn bệnh gì hiểm nghèo, chỉ thỉnh thoảng mệt và hơi choáng đầu nên gia đình yên tâm cho cụ đi khám tại cơ sở này.
Người dân xã Thạch Trung cho biết, họ vẫn thỉnh thoảng thăm khám ở điểm chăm sóc sức khỏe từ thiện này. Từ trước đến nay, họ chưa thấy trường hợp nào xảy ra như vậy ở cơ sở này cả. Họ cho biết, các y sỹ ở đây chăm sóc bệnh nhân rất tận tụy. Hơn nữa đây là cơ sở khám bệnh miễn phí nên có rất nhiều người dân nghèo đến đây để được thăm khám. Họ cho rằng việc ông Tứ tử vong sau khi tiêm thuốc bổ chỉ là một trường hợp không may mà thôi.
Bà Nguyễn Thị T. – vợ ông Tứ cho biết: “Bữa cơm trưa ông nhà vẫn ăn uống bình thường. Đến đầu giờ chiều khi vợ chồng Th. đi làm thì ông kêu hơi mệt. Lúc đó, tôi trông cháu và bảo ông đi khám thử xem sao. Chỉ một tiếng sau có người thông báo chồng tôi chết trên đường đi cấp cứu. Sự việc diễn ra nhanh quá chúng tôi cũng không thể ngờ tới được. Ông nhà tôi từ trước đến nay không có bệnh gì trầm trọng. Thỉnh thoảng thấy mệt trong người ông vẫn đạp xe lên cơ sở chăm sóc sức khỏe ở thôn Nam Quang để khám”.
Bà Nguyễn Thị V. – hàng xóm nhà ông Tứ cho biết: “Mặc dù tuổi cao nhưng nhìn dáng vẻ bề ngoài thì ông Tứ rất khỏe mạnh. Tin ông ấy chết sau khi tiêm thuốc bổ làm cho chúng tôi rất hoang mang. Mặc dù, gia đình không khiếu nại nhưng chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để tìm ra nguyên nhân cái chết của ông Tứ vì có rất nhiều bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở chăm sóc sức khỏe này”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Thanh, Trạm trưởng trạm y tế xã Thạch Trung cho biết điểm chăm sóc sức khỏe từ thiện ở thôn Nam Quang, xã Thạch Trung do một số người dân địa phương lập nên để làm công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Từ năm 2006 – 2011 cơ sở này có được sở Y tế Hà Tĩnh cấp giấy phép để hoạt động. Nhưng hiện nay, Trung tâm này không có giấy phép hành nghề nên từng bị cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản yêu cầu dừng hoạt động.
“Sau khi sự việc xảy ra, Trạm y tế xã Thạch Trung đã báo cáo vụ việc cho Phòng y tế TP.Hà Tĩnh biết để phối hợp điều tra. “Kết quả điều tra ra sao thì còn phải đợi. Nhưng theo chẩn đoán ban đầu thì nguyên nhân ông Lê Đình Tứ tử vong là do sốc phản vệ”, ông Thanh cho biết.
Ông Thanh cũng cho biết thêm, cơ sở chăm sóc sức khỏe từ thiện này không hoạt động thường xuyên. Thỉnh thoảng có người nhờ khám hoặc tiêm thuốc họ mới làm việc. Cơ sở này chủ yếu khám miễn phí cho những người nghèo.
Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm của Trung ương về nguyên nhân cái chết thì dư luận xã hội đang rất quan tâm là chất lượng loại thuốc của điểm chăm sóc sức khỏe từ thiện này. Và họ cũng quan tâm đến quy trình tiêm, bảo quản thuốc hay nghiệp vụ của đội ngũ y bác sỹ là nguyên nhân làm nên cái chết của ông cụ.
Sẽ có hình thức xử lý
Một đồng chí công an xã Thạch Trung cho biết, về vấn đề cơ sở chăm sóc sức khỏe từ thiện ở thôn Nam Quang không có giấy phép hành nghề mà vẫn khám chữa bệnh chúng tôi đã trình báo lên sở Y tế Hà Tĩnh. Sắp tới đây, cơ quan chức năng sẽ có hình thức xử lý đối với cơ sở này.
Phải chờ kết luận từ cơ quan điều tra
Theo thông tin từ các chuyên gia bên ngành y tế thì khi nói đến sốc phản vệ, chúng ta thường hay nghĩ đến sốc do thuốc. Điều này không hoàn toàn đúng, vì ngoài thuốc, có rất nhiều chất có thể gây phản ứng dị ứng mà biểu hiện nặng nề nhất là sốc phản vệ. Ví dụ: Găng tay y tế, nhựa latex, trái cây, thịt bò, sữa đậu nành, nọc ong… Không chỉ có thuốc kháng sinh mới gây sốc, nhiều loại thuốc khác, thậm chí rất “lành” như các loại vitamin cũng có nguy cơ tương tự. Nhưng để biết rõ hơn về nguyên nhân dẫn đến cái chết của cụ Tứ thì phải chờ kết luận từ phía cơ quan điều tra.
|
Hà Hằng – Kim Thoa