Vụ Cát Tường: Trưởng phòng Tổ chức BV Bạch Mai trốn trách nhiệm?

- 18 lượt xem - Tin tức
Bệnh viện lờ "vụ Cát Tường" để trốn trách nhiệm?
Theo thông tin từ phía ông Vũ Tiến Dũng, Trưởng phòng tổ chức cán bộ bệnh viện Bạch Mai, Ban lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai không hề nhận được thông báo từ bác sĩ Tường về việc mở dịch vụ tư nên không biết phòng khám đó hoạt động thế nào.
Bác sĩ Tường mở thẩm mỹ viện quảng cáo rầm rộ mà bệnh viện Bạch Mai cho rằng không biết
Tuy nhiên, theo bác sỹ Lê Sĩ Tiến, nguyên bác sỹ mổ chính, bệnh viện quân đội 103 cho rằng, việc bệnh viện nói không biết là nói dối. Theo quy chế thì bác sỹ làm ở phòng khám ngoài có quy định rõ ràng, làm ở phòng khám nội thì phải là bác sỹ chuyên nội, phòng khám ngoại thì chuyên ngoại, phải có sự đồng ý của thủ trưởng trực tiếp nơi mình đang làm việc thì mới có thể xin giấy phép hành nghề ngoài. Bác sỹ Tường đang công tác ở bệnh viện Bạch Mai, việc mở phòng khám bên ngoài thì cấp trên không thể không biết. "Nếu là thầy cãi của ngành thì họ cãi ra ngay. Chẳng qua là bệnh viện lờ đi để tránh trách nhiệm", bác sỹ Tiến khẳng định.
Thông thường, với 1 ca mổ ở bệnh viện lớn thì kíp mổ phải có ít nhất 2 bác sỹ, một mổ chính, 1 mổ phụ và 1 phụ tá. Riêng phòng mổ phải có 2 người nữa là bác sỹ gây mê và 1 y tá trung cấp. Ngoài ra phải có 2 nhân viên phục vụ phòng mổ, 1 chuyên đưa dụng cụ và 1 lo chạy những việc khi cần. Như vậy, riêng kíp mổ cần ít nhất là 7 người, trong điều kiện trang thiết bị đầy đủ và sẵn sàng. Sau ca mổ, sẽ đến hồi sức cần ít nhất 1 bác sỹ hồi sức và 1 y tá.
Như vậy, để phục vụ 1 ca mổ cần ít nhất 9 người, đó là chưa kể một đội ngũ y bác sỹ bên ngoài sẵn sàng có mặt khi cần. Do vậy, điều kiện phòng khám tư nhân không thể nào đáp ứng được. Trong ngành y, đều có quy định rõ ràng tất cả các khâu từ khi bác sỹ bắt đầu mổ phải như thế nào, có tình huống xử lý ra sao, thậm chí bệnh nhân tử vong sẽ phải làm thế nào… Nếu đúng theo quy trình làm việc thì sẽ không có những tình huống đáng tiếc như vậy. Riêng việc không đảm bảo được khâu gây mê đã là “đòn chết người” với 1 ca mổ. Bác sỹ gây mê phải có kinh nghiệm lâu năm, biết được liều lượng gây mê như thế nào với từng bệnh nhân.
Vì vậy, trong các ca mổ, nếu có rủi ro, người ta sẽ nghĩ đến khâu gây mê đầu tiên. Liệu nhân viên gây mê của bác sỹ Tường đã đủ kinh nghiệm hay chưa? Việc rút 11 ống mỡ từ bụng bệnh nhân rồi tiêm trực tiếp lên ngực cũng có thể là một đòn chí mạng dẫn đến sốc phản vệ ở bệnh nhân do thể trạng không tương xứng. Tất cả những thiếu sót có thể dẫn đến chết người như đã nói ở trên là bài học nằm lòng cho các bác sỹ ngoại khoa, nhất là bác sỹ mổ nên chỉ có thể nói bác sỹ Tường đã lường trước, nhưng vẫn lờ đi.
Việc tại sao ngay sau khi bệnh nhân H. đã có biểu hiện sốc, thậm chí chết lâm sàng, bác sỹ Tường không đưa vào bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu nhằm tránh tội, bác sỹ Tiến cho biết, thông thường bệnh nhân khi chết lâm sàng nghĩa là tim ngừng đập, nếu không được cấp cứu kịp thời thì chỉ 5 phút sau sẽ mất não. Bệnh nhân lúc này cầm chắc chết, nếu có được cứu cũng chỉ sống thực vật. Liệu bác sỹ Tường, hay nhân viên thẩm mỹ viện Cát Tường có đủ thời gian để đưa nạn nhân sang bệnh viện Bạch Mai hay không? Bác sỹ Tường đủ kinh nghiệm để phân tích nên hay không nên đưa đi cấp cứu thời điểm đó.
Nhiều bác sỹ quan tâm tới tiền nhiều hơn là trách nhiệm
"Hiện nay, kinh tế phát triển, người dân có nhu cầu làm đẹp nhiều nên cứ nghe có thông tin chỗ nào làm tốt là lập tức ùa đến mà không kiểm nghiệm thông tin, bác sỹ thì một số lại quan tâm tới tiền nhiều hơn là trách nhiệm mới dẫn đến những vụ việc đau lòng như vậy. Trong tình trạng Việt Nam còn thiếu bác sỹ đa khoa như vậy thì ngoài những bác sỹ được đào tạo chuyên ở nước ngoài về, có trường đại học nào có thể đào tạo được bác sỹ thẩm mỹ đủ tiêu chuẩn hay chưa?", bác sỹ Tiến chia sẻ.

Đỗ Huệ – Tuấn Anh

Back To Top