Vụ án Bác sỹ Hoàng Công Lương, cần lắm Sự vào cuộc của cơ quan Tư Pháp Trung ương

- 23 lượt xem - Tin tức
Lần thứ ba bác sỹ Lương bị thay đổi tội danh, một vụ án không quá phức tạp, tại sao cơ quan tố tụng lại tỏ ra lúng túng như vậy? Ngành Tư pháp nước ta đã không ít lần để xảy ra những vụ án oan, rúng động không phải chỉ dư luận trong nước, Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén vẫn còn như những nhát dao chém vào công lý, đó là câu chuyện của ngày xưa, khi mà khoa học pháp lý còn sơ khai, ở thời đại 4.0 này chúng ta có cần phải thận trọng hơn không? khi kết tội một con người và người đó lại là một vị Bác sỹ – Một người được đào tạo để làm ngề cứu sinh độ thế.

Đằng sau mỗi vụ án oan là một câu chuyện buồn, một thậm chí nhiều gia đình ly tán tan nát, một con người bị tù tội oan khuất và cũng không ít người thuộc nhóm “Mũ cao, áo dài”  trước đó họ là quan “Phụ mẫu” dạy dỗ nhân dân nhưng ngay sau khi các vụ án oan được hé lộ thì họ lại phải vào thay thế cho các tù nhân bị chính họ kết án oan trước đó. Như vậy nếu án oan xảy ra thì cả người làm oan và người bị oan đều trở thành nạn nhân, không phải chỉ một con người mà cả xã hội, cả nền Tư pháp bị tổn thương… Chính vì những lẽ đó mà chúng tôi, những công dân đất Việt đặc biệt mong muốn các cơ quan tư pháp trung ương sớm vào cuộc để làm rõ việc bác sỹ Hoàng Công lương có phạm tội hay không?

 



Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì:

Vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra và được quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự:

Hành vi phạm tội có thể được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động

Khoa học pháp lý hình sự xác định có 2 hình thức lỗi:

Một là, Vô ý vì cẩu thả. Đây là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Tiêu chuẩn để xác định một người phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, một người bình thường cũng có thể thấy trước; ngoài ra còn phải căn cứ vào độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hoá, tay nghề v..v…

Ví dụ: Một Dược sỹ được phân công phụ trách tủ thuốc cấp cứu, trong tủ có quy định các khu vực để từng loại thuốc khác nhau, quá trình cấp phát thuốc, do điện yếu, đèn không đủ sáng nên đã nhầm lẫn giữa các loại thuốc với nhau, hậu quả  là do sử dụng nhầm thuốc nên người bệnh tử vong, trường hợp này người dược sỹ đó đã mắc vào lỗi “Vô ý do cẩu thả”

Hai là, Vô ý vì quá tự tin. Đây là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra.

Ví dụ: Một bác sỹ khi vận hành hệ thống máy y tế để cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân, trên màn hình hiển thị một số thông số kỹ thuật cảnh báo máy có lỗi nhưng vì quá tự tin rằng máy vẫn có thể vận hành được nên bác sỹ vẫn sử dụng, quá trình cấp cứu đang diễn ra thì máy dừng hoạt động, lượng thuốc, hóa chất, khí… được đưa vào cơ thể bệnh nhân vượt quá giới hạn cho phép nên người bệnh tử vong. Trường hợp này người bác sỹ đó đã mắc vào lỗi “Vô ý do quá tự tin”. Như vậy ở cả hai trường hợp, vô ý do cẩu thả hay vô ý do quá tự tin, người phạm tội đều thấy trước hoặc buộc phải thấy trước hậu quả, họ cũng phải là người có trách nhiệm trực tiếp với những công việc, công cụ, phương tiện gây án. Trong trường hợp của bác sỹ Lương chúng tôi thấy có nhiều điểm bất hợp lý và chưa đủ căn cứ để buộc tội: VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI như cáo buộc của cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình, vì:

Thứ nhất: Đơn nguyên thận nhân tạo của bệnh viện Hòa Bình, theo kết luận điều tra, đây là một đơn vị được thành lập chưa đúng theo quy định của pháp luật, như vậy có thể hiểu đây là một đơn vị “chưa hợp pháp”

Thứ hai: Tính đến ngày vụ án xảy ra, bộ Y tế chưa ban hành quy trình thống nhất cho việc chạy thận nhân tạo, vì vậy không có cơ sở nào để xác định những người thao tác hệ thống máy, từ hệ thống xử lý nước, máy lọc máu… làm như thế nào là đúng và như thế nào là sai “Quy trình”, việc nào phải làm trước, việc nào phải làm sau, vị trí, vai trò, trách nhiệm của từng cá nhân trong đơn nguyên.

Thứ ba: Theo những quy định của pháp luật hiện tại thì trong bệnh viện, bác sỹ không phải đối tượng phải chịu trách nhiệm về hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế, toàn bộ việc này thuộc về phòng kỹ thuật, dược, vật tư… Trừ trường hợp đang sử dụng máy báo lỗi hoặc có sự cố.

Ví dụ: Khi tiến hành phẫu thuật, bác sỹ không có trách nhiệm kiểm tra nguồn gốc máy gây mê, dao mổ điện, cũng như các thiết bị phụ trợ khác, toàn bộ các công việc đó thuộc về kỹ thuật viên hoặc tis dụng cụ, nhưng khi đang phẫu thuật mà hệ thống máy báo lỗi hoặc không hoạt động một cách bình thường thì bác sỹ phải dừng sử dụng thiết bị để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

 Trong trường hợp cụ thể của Hòa Bình, buổi sáng đến làm việc bác sỹ Lương được bộ phận kỹ thuật và y tá (Người giúp việc) thông báo hệ thống máy đã sửa chữa xong, bác sỹ Lương không có trách nhiệm và cũng không có bất cứ kiến thức, hiểu biết nào, không có bất cứ một trang thiết bị nào và không thể kiểm tra hàm lượng độc tố trong nước sử dụng để lọc máu, chất lượng nước thuộc trách nhiệm của những cá nhân và đơn vị khác, việc ký hay không ký biên bản bàn giao  cũng không thuộc trách nhiệm của BS Lương và nếu có ký bàn giao thì hậu quả  cũng vẫn không thay đổi vì trong nước vẫn có độc tố cao gấp nhiều lần mức giới hạn. Như ở các phân tích trước, tôi và nhiều đồng nghiệp đã khẳng định: Nguyên nhân dẫn đến nguồn nước nhiễm hóa chất do hàng loạt hành vi sai phạm của nhiều người trước đó vì vậy không thể quy kết trách nhiệm cho một người mà họ hoàn toàn không có khả nằng để biết trước những hậu quả có thể xảy ra.

Trong lịch sử ngành y tế đã có nhiều bài học đắt giá, có những quyết định vội vã, sai lầm đã đẩy nhiều bác sỹ đến bế tắc thậm chí là cái chết, hẳn chúng ta còn nhớ, cách đây 21 năm một tai biến y khoa xảy ra tại bệnh viện mắt TW, khi chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan pháp luật thì chính ngành y đã gây áp lực cho bác sỹ Nguyễn Duy Minh bằng các quyết định tạm đình chỉ công tác, tiếp đến là hàng chồng đơn kiện của gia đình bệnh nhân rồi báo chí công luận… và cuối cùng không chịu đựng nổi, bác sỹ Minh đã tìm đến cái chết. Đành rằng tự quyết định kết thúc cuộc sống của chính mình là một việc làm tiêu cực nhưng không thể không có lỗi của chúng ta những người đang được sống nhờ những nỗ lực của những người thầy thuốc. Thiết nghĩ khi chưa có bản án chính thức của pháp luật, ngành y tế Hòa Bình nên trả bác sỹ Lương về với chuyên môn, bác sỹ và đặc biệt là một bác sỹ có tâm họ sẽ chỉ thấy cuộc sống có ý nghĩa khi họ được thể hiện xứ mạng của mình bên người bệnh, tước chứng chỉ hành nghề, cấm đi khỏi nơi cu trú, điều chuyển công tác… liệu có phải là  những việc làm mang tính nhân văn…/.

 

Back To Top