"Ưu tiên tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ dưới 2 tuổi"

- 1 lượt xem - Tin tức
Thứ trưởng Bộ Y tế: Ưu tiên tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ dưới 2 tuổi!
GS.TS Nguyễn Thanh Long (trái) đang trao đổi với các đại biểu tại cuộc Họp trực tuyến triển khai Kế hoạch tăng cường biện pháp phòng chống bệnh Sởi sáng nay (15/2/2014) (Ảnh: T.P)

 

Việt Nam nằm trong khu vực có dịch sởi bùng phát

 

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế về dịch sởi năm 2013-2014, yếu tố dịch tễ liên quan là sự xuất hiện của dịch sởi tại các nước ở khu vực Tây Thái Bình Dương (chủ yếu là các nước Trung Quốc, Lào, Philippine), đặc biệt là dịch sởi lan rộng ở các tỉnh của Trung Quốc giáp với biên giới Việt Nam hồi đầu năm 2013. Theo đó, Lai Châu là tỉnh đầu tiên có dịch sởi (xuất hiện bệnh nhân sởi từ tháng 5-6/2013). Hết năm 2013, toàn quốc có hơn 1.000 trường hợp mắc sởi và chỉ trong 1 tháng rưỡi đầu năm 2014 đã có 993 trường hợp mắc sởi tại 24 tỉnh thành phố.

 

Về quy mô, dịch sởi tập trung ở 5 tỉnh là Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Nội, TPHCM và rải rác ở các tỉnh thành dọc theo tuyến di chuyển Bắc Nam nhưng quy mô nhỏ hơn dịch sởi cách đây 3 năm (2009-2010).

 

Về đối tượng, đợt dịch này chủ yếu tập trung ở trẻ dưới 10 tuổi trong khi đối tượng của đợt dịch sởi trước đây chủ yếu là thanh niên. Số người mắc tăng nhiều vào thời điểm trước, trong và sau Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán. Trong đó, phần lớn các ca mắc sởi tại Hà Nội và TPHCM là ở các bệnh viện lớn và trên nền bệnh nhân chưa tiêm chủng hoặc tiêm vắc xin sởi chưa đầy đủ.

 

Cụ thể, tại Hà Nội, dịch sởi xuất hiện vào tháng 12/2013 với hơn 10 trường hợp và tăng nhanh trong những tháng đầu năm 2014. Đến nay đã có hơn 350 trường hợp sốt phát ban dạng sởi, tập trung chủ yếu ở nội thành với độ tuổi nhỏ nhất là 1,5 tháng và lớn nhất là 42 tuổi. Trong số 143/203 trường hợp xét nghiệm dương tính với vi rút sởi, chỉ duy nhất có 3 trường hợp mắc bệnh đã tiêm chủng đầy đủ.

 

Ngoài ra, dịch sởi lần này cũng nằm trong dự đoán của các chuyên gia là dịch thường xảy ra sau mỗi 3-5 năm (do tích lũy những trường hợp không hoặc chưa được tiêm đầy đủ).

 

Đánh giá lại nguyên nhân trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh

 

Trước những thông tin trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi do  trẻ ít bú mẹ, mẹ chưa tiêm chủng đầy đủ, chưa từng bị sởi… của Cục Y tế dự phòng, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho rằng, không nên vội vàng đưa ra kết luận, khuyến cáo mà đề nghị Viện vệ sinh dịch tễ phối hợp với Hà Nội, TPHCM và các viện Pauster nghiên cứu, đánh giá cụ thể về nguyên nhân trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh. Những trường hợp tử vong cũng cần được xem xét, đánh giá cẩn thận trước khi kết luận.

 

Bởi theo báo cáo của Viện Nhi TƯ, những bệnh nhi bị sởi nặng hoặc tử vong đều trên mang sẵn trong người những bệnh khác, chủ yếu là các bệnh liên quan đến suy giảm miễn dịch. Cụ thể, theo báo cáo của viện Nhi TƯ, hiện đang có 40 bệnh nhân nằm viện và 4 bệnh nhân nặng, phần lớn dưới 9 tháng tuổi. Phần lớn các bệnh nhân nặng dưới 9 tháng đều có thêm các bệnh khác trong đó có bệnh tim bẩm sinh và 1 bệnh nhân nặng 14 tuổi thở máy trên nền bệnh bạch cầu cấp. Hay như trường hợp trẻ tử vong tại nhà ở tỉnh Yên Bái, nguyên nhân tử vong do sởi không dựa trên xét nghiệm mà chỉ là bệnh nhi có biểu hiện của sởi và sống ở vùng có dịch.

 

Phân bố ca nghi sởi theo tuần tại Yên Bái (Tuần từ 27/10/2013 - 9/2/2014)
Phân bố ca nghi sởi theo tuần tại Yên Bái (Tuần từ 27/10/2013 – 9/2/2014) (Ảnh: TP)
 

 

 

Phải thực hiện ngay tiêm vét vắc xin sởi

 

Theo báo cáo của các tỉnh có dịch sởi, tỉ lệ mắc sởi do chưa tiêm hoặc không tiêm đủ 2 mũi phòng sởi chiếm chủ yếu. Cụ thể, theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, hơn 85% trường hợp mắc sởi là chưa tiêm sởi. Còn ở Hà Nội, tỉ lệ này là gần 50%.

 

Do đó, theo kế hoạch, Hà Nội sẽ phải thực hiện tiêm vét cho khoảng 10.000 trẻ dưới 2 tuổi, tại Yên Bái là hơn 56.000 trẻ dưới 15 tuổi cần được tiêm phòng; Sơn La gần 5.000 trẻ (9 tháng – 15 tuổi)…

 

GS.TS Nguyễn Thanh Long đề nghị các tỉnh có dịch sởi phải lập kế hoạch trình UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện tiêm vét vắc xin cho tất cả các trẻ từ 9 tháng – 2 tuổi. Đặc biệt, phải thực hiện tiêm vét ngay tại ổ dịch nếu tình hình phức tạp chứ không được đợi đến ngày tiêm chủng. Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục truyền thông để phụ huynh yên tâm đưa con đi tiêm phòng, đề nghị chương trình Tiêm chủng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ) phải chuẩn bị đầy đủ vắc xin theo yêu cầu và nếu thiếu, Viện trưởng phải chịu trách nhiệm. Các hoạt động trên sẽ chịu sự giám sát của 5 đoàn công tác vừa được thành lập ngày 14/2.

 

Trần Phương – Hồng Hải

Back To Top