Ung thư đại trực tràng ngày càng gia tăng, trẻ hoá

- 436 lượt xem - Bệnh ung thư, Y học thường thức

Ung thư đại trực tràng là ung thư gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới, tuy nhiên những năm gần đây đang có xu hướng gia tăng và trẻ hoá.  Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%.Vậy làm thế nào để nhận biết các triệu chứng và phòng tránh căn bệnh này hiệu quả?

Các dấu hiệu của ung thư đại trực tràng

Rối loạn tiêu hóa kéo dài

Bệnh ung thư đại trực tràng có biểu hiện ở mọi bộ phận liên quan đến đường tiêu hóa. Một số dấu hiệu thường gặp như hơi thở hôi, hay ợ hơi, ợ chua, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn. Đau quặn bụng, đau râm ran là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn. Song một vài trường hợp, nó báo hiệu sự tồn tại của các khối u ở dạ dày – ruột.

Chán ăn, khó tiêu, đầy trướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon là tình trạng thường thấy ở người bệnh ung thư đại trực tràng. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, sút cân.

Người bị ung thư đại trực tràng bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày rất giống với triệu chứng bệnh lị. Tuy nhiên, người mắc bệnh lị có thể điều trị bằng cách dùng kháng sinh, còn loại thuốc này không có tác dụng với bệnh nhân ung thư đại trực tràng.

Giảm cân bất thường

Không phải do tập luyện hay ăn kiêng giảm cân mà cơ thể đột ngột sút cân thì bạn cũng không nên coi thường. Rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác liên quan đến đường tiêu hóa.

Các rối loạn liên quan bài tiết phân

Đại tràng là cơ quan bài tiết phân trong quá trình tiêu hóa, nên ở giai đoạn sớm, người bệnh thường hay bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như đi táo, đi lỏng thất thường, tình trạng này kéo dài.

Ung thư đại trực tràng thường khiến người bệnh đau quặn, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài. Khi đi đại tiện, người bệnh thường bị đau quặn, mót rặn, phân nhày mũi máu và phân nát, phân hình lá lúa (do phân phải đi qua khối u), đi xong vẫn muốn rặn tiếp.

Phân mỏng, hẹp so với bình thường

Kích thước của chất thải cũng giúp phát hiện những bất thường trong hệ tiêu hóa. Tình trạng phân mỏng rất có thể do một vật cản giống như một khối u khiến phân bị chặn lại. Nếu phân có kích thước mỏng như một chiếc bút chì hoặc có hình lá lúa do phải đi qua khối u thì cần đề cao cảnh giác.

Xuất hiện máu trong phân

Đại tiện kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt, phủ lên phân. Một số trường hợp, ở giai đoạn cuối bệnh nhân còn thấy hậu môn trực tràng sa xuống, toàn thân gầy đi, số lần đại tiện tăng lên, khi táo bón, khi tiêu chảy.

Đây là triệu chứng phổ biến của căn bệnh tuy nhiên nó không đồng nghĩa mọi trường hợp phân có máu đều do mắc ung thư đại tràng. Nếu mắc bệnh khác như trĩ, nứt hậu môn bạn cũng gặp hiện tượng trên. Cần phân biệt đại tiện ra máu do trĩ thường là máu tươi. Còn bệnh nhân ung thư trực tràng thường xuất huyết dưới dạng máu lẫn với nhầy. Vì máu chảy ở niêm mạc vùng ung thư có thể bị viêm nên tiết nhầy.

Mệt mỏi và suy nhược

Đây là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư nhưng lại dễ bị bỏ qua nhất. Mệt mỏi do ung thư đại tràng thường liên quan đến thiếu máu do mất máu trong phân. Người bệnh cảm thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, đồng thời suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân.

Ngoài các triệu chứng nêu trên, khi ung thư muộn thì có người sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng, vàng da, bụng to dần…

Các phương pháp giúp chẩn đoán ung thư đại trực tràng

Các phương pháp cận lâm sàng chẩn đoán ung thư đại tràng bao gồm:

Nội soi đại tràng và sinh thiết 

Nếu bác sĩ nghi ngờ có dấu hiệu ung thư đại trực tràng, người bệnh sẽ được nội soi và lấy mẫu sinh thiết kiểm tra. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ lấy một mảnh mô nhỏ bằng một dụng cụ đặc biệt. Sau đó tiến hành giải phẫu bệnh mẫu mô đó để xác định có  tế bào bất thường hay không.

CT và MRI 

Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh chụp CT và MRI để xác định giai đoạn của ung thư và xem liệu bệnh đã di căn sang các cơ quan khác chưa.

Xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư đại trực tràng

Dấu ấn ung thư là những chất bình thường có nồng độ thấp trong máu, khi xuất hiện nồng độ tăng lên có thể là một dấu hiệu của một khối u ác tính đang hình thành, tồn tại và phát triển.

Xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư có vai trò sàng lọc, hỗ trợ chẩn đoán ung thư, và đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị, theo dõi khả năng tái phát, vv…

– CA 72-4: dạ dày, đại trực tràng

– CEA: Ung thư phổi, phế quản, đại tràng, trực tràng, tuỵ…

– CA 19-9 : Ung thư đường tiêu hoá, tuỵ, đường mật

Xem thêm:https://benhvienhungvuong.vn/benh-ung-thu-la-gi-va-cac-phuong-phap-dieu-tri-ung-thu/

ĐIỀU TRỊ UNG THƯ ĐẠI TRỰC TRÀNG

Việc điều trị ung thư đại trực tràng phần lớn dựa vào giai đoạn (mức độ) của ung thư, nhưng các yếu tố khác cũng rất quan trọng. Bệnh nhân ung thư đại trực tràng chưa di căn xa thường được thực hiện phẫu thuật như là phương pháp điều trị chính hoặc đầu tiên.

Khi điều trị ung thư, các bác sĩ ở những chuyên khoa khác nhau sẽ làm việc cùng nhau để đưa ra một kế hoạch điều trị tổng thể cho bệnh nhân, trong đó thường bao gồm hoặc kết hợp các phương pháp điều trị khác nhau. Đây gọi là đội ngũ điều trị đa chuyên khoa. Đối với ung thư đại trực tràng, đội ngũ này thường bao gồm bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ nội khoa ung bướu, bác sĩ xạ trị và bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là việc cắt bỏ khối u và một số mô lành xung quanh trong quá trình phẫu thuật. Đây là phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng phổ biến nhất và được gọi là phẫu thuật cắt bỏ.

  • Phẫu thuật nội soi: một số bệnh nhân có thể được thực hiện phẫu thuật nội soi cắt ung thư đại tràng. Với kỹ thuật này, một số dụng cụ nội soi được đưa qua thành bụng sau khi đã gây mê cho bệnh nhân. Vết rạch da sẽ nhỏ hơn và thời gian hồi phục thường nhanh hơn so với phẫu thuật mở kinh điển. Khi cắt bỏ ung thư thì phương pháp này cũng mang lại hiệu quả như phẫu thuật mở kinh điển.
  • Thủ thuật mở thông đại tràng điều trị ung thư đại trực tràng: bệnh nhân ung thư đại trực tràng có thể cần thực hiện thủ thuật mở thông đại tràng tuy trường hợp này ít gặp. Đây là một phẫu thuật mở thông đại tràng ra ngoài ổ bụng (hậu môn nhân tạo) để đưa chất thải ra khỏi cơ thể; chất thải này sẽ đi vào một túi nhỏ mang trên người bệnh nhân. Đôi khi phẫu thuật này chỉ là phương pháp tạm thời để giúp trực tràng hồi phục, nhưng cũng có thể là vĩnh viễn. Với kỹ thuật phẫu thuật hiện đại và việc áp dụng phương pháp xạ trị cũng như hóa trị trước khi phẫu thuật khi cần thiết, phần lớn bệnh nhân điều trị ung thư đại trực tràng không cần thực hiện thủ thuật mở thông đại tràng vĩnh viễn.

Hóa trị

Hóa trị là sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư, bằng cách ngăn ngặn khả năng tăng trưởng và phân chia các tế bào ung thư. Thuốc hóa trị toàn thân sẽ đi vào máu đến các tế bào ung thư khắp cơ thể. Phương pháp hóa trị phổ biến nhất là qua đường truyền tĩnh mạch hoặc qua đường miệng bằng các loại thuốc dạng viên nén hoặc viên nang.

Phác đồ hoặc lịch hóa trị thường bao gồm số lần hóa trị cụ thể trong một khoảng thời gian. Bệnh nhân có thể dùng một loại thuốc trong một lần hoặc kết hợp nhiều loại thuốc cùng một lúc.

Hóa trị có thể được thực hiện sau phẫu thuật nhằm loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại. Đối với một số bệnh nhân ung thư đại trực tràng, bác sĩ sẽ tiến hành xạ trị và hóa trị trước khi phẫu thuật để làm giảm kích thước của khối u ở trực tràng và giảm nguy cơ tái phát ung thư.

Xạ trị

Xạ trị là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách sử dụng các tia X có năng lượng cao hoặc các tia bức xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư.

Đối với ung thư đại trực tràng, phương pháp xạ trị thực hiện trước phẫu thuật gọi là điều trị tân hỗ trợ, nhằm thu nhỏ khối u để phẫu thuật cắt bỏ dễ dàng hơn. Phương pháp này cũng có thể được áp dụng sau phẫu thuật nhằm tiêu hủy các tế bào ung thư còn sót lại.

 

 

 

Back To Top