Từ cửa tử đã hồi sinh

- 16 lượt xem - Tin tức

Cứu sống ngoạn mục nhiều ca bệnh nặng

* Ngày 22/8/2013 có lẽ là một ngày không thể quên đối với các bác sĩ của BVĐK Đồng Nai, khi các bác sĩ của bệnh viện này đã cứu sống ngoạn mục bệnh nhân Trần Tất Doanh (24 tuổi, công nhân Công ty Vinacafe thuộc Khu công nghiệp Biên Hòa 1) bị máy xay cà phê cuốn gần đứt đôi người. Anh Doanh trong lúc làm việc bất cẩn đã bị máy xay cà phê cán khiến nhiều bộ phận trên cơ thể bị mất như chân trái, cơ quan sinh dục, 2/3 xương chậu, toàn bộ ruột đổ ra ngoài… Nhiều động mạch, tĩnh mạch bị đứt khiến bệnh nhân mất rất nhiều máu… Ngay lập tức, lãnh đạo BVĐK Đồng Nai  đã huy động các khoa phòng chuyên môn của bệnh viện hội chẩn khẩn cấp tiến hành mổ cấp cứu cứu sống bệnh nhân. Điều đáng nói, bằng quyết tâm cứu người là trên hết cùng với trình độ và vững tin vào tay nghề, ngay trong lúc phẫu thuật, các bác sĩ đã gặp không ít khó khăn như bàng quang của bệnh nhân bị vỡ, ống niệu đạo bị cắt cụt chỉ còn 2cm, nhiều lần bệnh nhân bị ngừng tim trên bàn mổ, phải hồi sức tích cực, sau đó mới tiếp tục được… BS. Ngô Đức Đễ, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, phụ trách chính êkip phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân cho biết, lần đầu tiên trong 34 năm làm việc trong ngành y  ông gặp phải ca tai nạn đa chấn thương gây ra tổn thương rất lớn như vậy. Các bác sĩ đã phải truyền 66 đơn vị máu và các chế phẩm của máu để cứu sống bệnh nhân.

 Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Thái Bình mổ cấp cứu bệnh nhân ngay tại nhà.

Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Thái Bình mổ cấp cứu bệnh nhân ngay tại nhà.

*Ngày 13/11, BVĐK tỉnh Yên Bái tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Mạnh Cường trong tình trạng hôn mê sâu, không có huyết áp, tím tái, mất hết các phản xạ bảo vệ (tổn thương não do thiếu ôxy quá lâu). Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn và chẩn đoán bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn ngoại viện do điện giật, tràn khí màng phổi trái… Bệnh nhân đã được các thầy thuốc hồi sinh tim phổi nâng cao, thở máy kiểm soát thể tích với chiến lược bảo vệ phổi, cung cấp nhiều ôxy cho não để cứu tế bào não. Bệnh nhân cũng được mở màng phổi trái, dẫn lưu khí ra ngoài và đặt catheter tĩnh mạch trung tâm (đặt ống chất dẻo vào tĩnh mạch) để đưa các thuốc vận mạch cho tim như adrenalin, dobutamin…  BS. Nguyễn Song Hào, Trưởng khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh Yên Bái cho biết, trong 2 ngày đầu từ khi được đưa vào cấp cứu, bệnh nhân luôn ở tình trạng nguy kịch, tưởng như không hồi sinh được não. Đến ngày thứ ba, bệnh nhân xuất hiện một số phản xạ nên các bác sĩ đánh giá còn hy vọng bệnh nhân chưa bị mất não hoàn toàn. Các bác sĩ quyết định cài máy thở, rút nội quản… 1 tuần sau khi được cấp cứu tích cực, bệnh nhân đã có thể tự thở được.

* “Gái chửa cửa mả”, câu nói cửa miệng của các cụ ta xưa nay không bao giờ thừa mặc dù ngày nay nền y học đã phát triển, nhưng những tình huống không ngờ tới trong quá trình sinh nở đã khiến nhiều vị bác sĩ phải mang trong mình một nỗi buồn, sự day dứt. Tuy nhiên, trong những tình huống ngặt nghèo nhất, các bác sĩ bằng mọi giá giành giật lấy lưỡi hái từ tử thần để cứu sống người bệnh. Trường hợp của các bác sĩ BV Phụ sản Thái Bình đã cứu sống thành công một sản phụ chửa ngoài tử cung vỡ trụy mạch, huyết áp không đo được là điển hình như thế… Bằng lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc, các bác sĩ của BV Phụ sản Thái Bình đã đưa người bệnh trở lại cuộc sống.

 

 Vui mừng tiễn bệnh nhân Doanh ra viện.

Vui mừng tiễn bệnh nhân Doanh ra viện.

*Thêm một ca cứu sống ngoạn mục mà các thầy thuốc đã thể hiện sự tận tâm, tận lực vì người bệnh. Anh Ngô Lưu Thương (SN 1991, tại phường Thới Long, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) được đưa vào BVĐK TP. Cần Thơ trong tình trạng đau ngực, khó thở nhiều, da niêm mạc tím tái, mạch nhanh 115, huyết áp 80/60mmHg. Kết quả siêu âm tim phát hiện bệnh nhân bị tràn máu màng tim lượng trung bình, có dấu hiệu chèn ép tim cấp do tim bị vật nhọn đâm trúng. Ngay lập tức, một cuộc hội chẩn khẩn cấp được tổ chức với y lệnh được đưa ra là mổ cấp cứu với chẩn đoán bệnh nhân bị tràn máu màng tim gây chèn ép tim cấp do vết thương thủng tim. Êkip phẫu thuật đã tiến hành mở ngực trái ở khoảng liên sườn 5 vào khoang màng phổi, đồng thời tiến hành mở dọc khoang màng tim của bệnh nhân và hút ra khoảng 500ml máu. Tiếp đó, khâu lại vết thương vùng tâm thất trái khoảng 1cm. Theo BS. Trần Hiếu Nhân – phẫu thuật viên chính, đây là ca phẫu thuật tối khẩn, nếu các bác sĩ không mở ngực giải áp, khoang màng ngoài tim và khâu vết thương tim thì bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong. Còn nhiều ca bệnh đã được các thầy thuốc tuyến tỉnh, huyện cứu sống. Họ đã chứng minh sự vươn lên dần đáp ứng đòi hỏi của người bệnh.

Bác sĩ hiến máu cứu người

Không chỉ bằng trí tuệ và trái tim vì người bệnh, thầy thuốc hôm nay đã dùng máu của mình để đưa người bệnh trở lại cuộc sống hàng ngày. Hơn thế nữa, họ đã xua đi hủ tục đáng sợ khi người nhà bệnh nhân cho rằng nếu cho máu mà người nhà chết thì họ cũng… chết theo. Huyện Si Ma Cai (Lào Cai) nằm cách trung tâm TP. Lào Cai 100km, đường đi lại hiểm trở, khó khăn với gần 100% dân là người dân tộc Mông. Hầu hết các ca cấp cứu cần máu ở BVĐK Si Ma Cai đều do các bác sĩ hiến tặng. Điển hình là trường hợp của chị Hoàng Thị Mỷ, người dân tộc Mông ở xã Cán Hồ, nhập viện trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt, hồng cầu giảm, thể trạng gầy yếu, đau bụng dữ dội… Do bị u xơ tử cung trong một thời gian dài nên bệnh nhân bị rong kinh, mất rất nhiều máu, trong quá trình phẫu thuật bệnh nhân được truyền 5 đơn vị máu. Toàn bộ số đơn vị máu này là do các bác sĩ của bệnh viện tình nguyện hiến tặng. Nhờ những giọt máu của các thầy thuốc mà tính mạng của chị Mỷ cũng như nhiều bệnh nhân đã được an toàn.

Không khó khăn và rào cản về quan niệm như các bác sĩ BVĐK Si Ma Cai, nhưng với tinh thần hết lòng vì người bệnh và sẵn sàng tiếp máu khi cần thiết, BVĐK Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã thành lập “ngân hàng máu sống”. Điều đặc biệt hơn, ngân hàng máu sống này do chính các bác sĩ của bệnh viện thực hiện. Được biết, nhờ có ngân hàng máu sống được thành lập từ năm 2009 mà hàng trăm bệnh nhân nguy kịch đã được cứu sống. Mới đây nhất, các bác sĩ BVĐK Bãi Cháy đã cấp cứu thành công sản phụ bị thuyên tắc mạch ối, rối loạn đông máu, mất nhiều máu. Trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, hai bác sĩ đang tham gia cấp cứu bệnh nhân đã không ngần ngại hiến ngay những giọt máu của mình để truyền kịp thời, cứu sống bệnh nhân. Trong lúc hai bác sĩ đang tham gia truyền máu, nhận thấy nhu cầu bệnh nhân vẫn tiếp tục cần máu, BV đã huy động thêm một điều dưỡng đến hiến máu để có máu tiếp tục truyền cho sản phụ. Nhờ đó, sản phụ đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Có thể với nhiều người thì câu chuyện này sẽ hết sức bình thường, rằng nhiệm vụ của bác sĩ là cứu người bằng mọi cách. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đến chính người nhà còn e ngại không muốn cho máu vì sợ “chết theo” thì hành động sẵn sàng sẻ chia giọt máu đào của các bác sĩ là rất đáng trân trọng.

Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại. Các thầy thuốc ở trên mọi miền Tổ quốc ở tất cả các tuyến y tế cơ sở đang ngày đêm nỗ lực làm tròn trách nhiệm, lương tâm của những người mẹ hiền.            

Nhóm PV

Back To Top