"Trường hợp chị Tú đặc biệt khó chẩn đoán hình ảnh"

- 24 lượt xem - Tin tức
Vài ngày trở lại đây, dư luận và bạn đọc đang nóng lòng theo dõi vụ kiện của BN Hứa Thị Cẩm Tú ở Thị trấn Thới Lai -Huyện Thới Lai – TP Cần Thơ kiện BV Đa khoa TP Cần Thơ đã cắt mất hai quả thận của chị trong quá trình phẫu thuật đồng thời đòi bồi thường theo yêu cầu. Để mở rộng đường dư luận và cung cấp thêm những thông tin cho bạn đọc hiểu cặn kẽ về vụ việc tại sao bệnh nhân Hứa Cẩm Tú lại bị cắt cả hai quả thận, Báo Sức khỏe & Đời sống xin đưa đến những thông tin về chuyên môn do TS-BS Phạm Minh Thông – Phó Giám Đốc – Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh, BV Bạch Mai cung cấp.

PGS.TS Phạm Minh Thông, PGĐ BV Bạch Mai, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh.

Cắt cả hai quả thận là trường hợp bất khả kháng để BN không bị tử vong ngay trên bàn mổ
 
Tháng 12 năm 2011, chị Hứa Cẩm Tú (37 tuổi) thấy đau râm ran ở vùng bụng sau đó đã đi khám tại BV Đa khoa TP. Cần Thơ. Tại đây, các BS chỉ định chị Tú làm siêu âm, chụp X quang chẩn đoán hình ảnh và kết luận thận trái của chị Tú bị ứ nước độ III-IV, có sạn thận vì thế sẽ tiến hành mổ nội soi để điều trị. Trường hợp xấu nhất có thể bị cắt một quả thận. Tuy nhiên, trong quá trình mổ nội soi, thận của chị Tú chảy máu quá nhiều nên ê kíp mổ quyết định chuyển sang mổ hở để cầm máu. Khi mổ hở, BS Trần Văn Nguyên (BS trực tiếp phẫu thuật và điều trị cho chị Tú) rất bất ngờ khi biết được, thận của chị Tú là thận hình móng ngựa (một bệnh dị tật bẩm sinh đặc biệt rất hiếm gặp trên thế giới) mà trước đây kết quả chẩn đoán hình ảnh không phải là thận hình móng ngựa.
 
Vì dị dạng đặc biệt của quả thận nên có nhiều dây thần kinh chằng chịt, các bác sĩ đã làm mọi cách nhưng vẫn không cầm máu được. Đây là trường hợp bất khả kháng, nếu không cắt luôn quả thận kia bệnh nhân sẽ chảy máu nhiều và chết trên bàn mổ. Trong tình hình khẩn cấp, cần phải cứu sống bệnh nhân, bác sĩ đã chọn phương án cắt luôn quả thận phải và trong lúc phải tập trung cứu bệnh nhân, các bác sĩ không kịp thông báo đến người nhà. 
 
Một trường hợp đặc biệt khó chẩn đoán hình ảnh 
 
Theo TS-BS Phạm Minh Thông – Phó Giám Đốc, Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh (BV Bạch Mai) cho biết không thể đổ lỗi hoàn toàn cho bệnh viện Đa khoa Tp.Cần Thơ : “Thận móng ngựa không quá khó chẩn đoán qua hình ảnh nhưng vì trường hợp này đặc biệt, BN có một bên thận ứ nước to, khi siêu âm, phần hình ảnh bên thận ứ nước trùm khuất lên cả phần eo thận và quả thận còn lại vì thế nên kết luận hình ảnh vẫn là hai quả thận bình thường chứ không phải là thận móng ngựa. Bác sĩ hoàn toàn bất ngờ khi mổ ra mới biết là thận móng ngựa.
 
Hơn nữa, thận móng ngựa là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp, thường chỉ vào khoảng 1/400 – 1/800 (Nghĩa là khoảng 400-800 trẻ em sinh ra thì có một trẻ bị bệnh). Những người mắc bệnh thận móng ngựa phải phẫu thuật lại càng ít vì thế khả năng thực tế chuyên môn của các bác sĩ trong vấn đề này hầu như không có. Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện Trung Ương tuyến đầu nhưng hầu như cả năm cũng không có trường hợp bệnh nhân thận móng ngựa nào phải phẫu thuật. Có khi, suốt cả cuộc đời phẫu thuật thì các BS không phải gặp một ca phẫu thuật bệnh móng ngựa nào. Thế nên, BS chắc chắn không thể tránh khỏi tâm lý bị động khi gặp ca bệnh này. 
 
Nếu bệnh nhân không mổ thì phần thận ứ nước sẽ nhiễm trùng, ứ mủ chắc chắn sẽ hỏng và có thể gây viêm phần còn lại nên chỉ định cắt phần thận bị ứ nước là đúng. Trong khi phẫu thuật, BN bị mất quá nhiều máu do phần eo thận (chỗ dính giữa 2 quả thận) dày. 
'Trường hợp chị Tú đặc biệt khó chẩn đoán hình ảnh' 2

BN Hứa Cẩm Tú nhận được sự chăm sóc chu đáo của các y bác sĩ. Ảnh: Internet.

 
Có phải BN đòi hỏi quá nhiều khi khởi kiện trước sự chung tay giúp sức của cả ngành Y tế?
 
Những lời tâm sự trên là ý kiến của ông Trần Hữu Bình, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.Cần Thơ. Sau khi xảy ra vụ việc, BN đã được BV tìm mọi cách để có nguồn thận phù hợp và ghép thành công. Cuộc hành trình tìm nguồn thận phù hợp với chị Tú mất rất nhiều công sức. Phải sàng lọc hàng chục người để có được nguồn thận phù hợp với chị. May mắn cũng đã có một người tình nguyện cho thận. BV Đa khoa Cần Thơ cũng đã thành lập cả đường dây nóng để kêu gọi những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ giúp đỡ BN Tú. 
 
Bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, Phó giám đốc BV ĐKTP Cần Thơ, ngoài khoản hỗ trợ này thì bệnh viện cũng không ngừng chăm sóc sức khỏe cho chị Tú, hỗ trợ số tiền 20% mà bảo hiểm không thanh toán, đồng thời vào tất cả các dịp lễ tết, hay con chị Tú nhập học, bệnh viện đều ghé thăm và tặng quà. Bệnh viện đã hỗ trợ tiền để bệnh nhân xây nhà mới khang trang thay cho nhà tôn cũ dột nát, đồng thời hỗ trợ cả các vật dụng trong nhà như giường, tủ, bàn….
 
Bệnh viện đã tích cực điều trị, ghép thận thành công đáp ứng phần lớn các đòi hỏi của người bệnh và gia đình dựa trên khả năng của mình, nhưng gia đình không thỏa mãn, gây áp lực lên Bệnh viện. Ngoài phần chi phí điều trị, ghép thận tại bệnh viện trung ương Huế khoảng 2,5 tỉ đồng, bệnh viện ĐKTP Cần Thơ đã chi gần 500 triệu đồng.
 
Cũng theo bác sĩ Nghĩa thì những đòi hỏi này của bệnh nhân là khó đáp ứng: Đơn khởi kiện ngày 25/6/2013 thì đòi trên 377 triệu cùng nhiều quyền lợi khác. Ngày 28/10/2013 tại phiên hòa giải ông Nguyễn Thiện Trí, đại diện cho bệnh nhân Cẩm Tú lại đòi bồi thường 442 triệu đồng từ khi xảy ra sự cố cho tới nay và yêu cầu trợ cấp hàng tháng 8,2 triệu đồng đến cuối đời với nhiều khoản rất vô lý như tiền thiệt hại chăn nuôi hơn 237 triệu đồng/năm (trên 13 triệu/ tháng). Nhưng thực tế, gia đình sống trên mảnh đất diện tích khoảng 750m² mặt tiền đường liên huyện nhưng thuộc hộ cận nghèo, sống chủ yếu bằng làm chậu cảnh, chỉ chăn nuôi nhỏ không đáng kể.
 
BS mổ trực tiếp cho BN cũng luôn day dứt “Tôi đã làm hết lòng vì bệnh nhân, từ khi xảy ra sự cố đến nay tôi phải chịu áp lực từ nhiều phía. Lý trí tôi nói tôi phải bình tĩnh và tôi đã bình tĩnh giải quyết vấn đề nhưng trái tim tôi vẫn thổn thức. Bản thân tôi, Bệnh viện và cả ngành y tế đã làm hết mình vì bệnh nhân nhưng bệnh nhân vẫn kiện bệnh viện ra Tòa, đó là điều ngoài ý muốn của chúng tôi. Tôi đã sẵn sàng để hầu Tòa. Tòa hỏi gì tôi sẽ trả lời trung thực, khách quan chuyện đó. Tôi mong mọi chuyện kết thúc có hậu".
 
Bệnh thận hình móng ngựa là một bệnh mà trong đó hai thận nối với nhau bởi một “eo thận giả” ở giữa tạo nên hình móng ngựa đặc trưng. Về hình dạng bên ngoài, vẫn có hai quả thận hai bên là thận trái và thận phải. Nhưng có một điều thay đổi cấu trúc là hai thận này không nằm tách bạch mỗi bên một quả như người bình thường, mà chúng lại được nối với nhau bởi một thận giả ở giữa. Sở dĩ gọi nó là eo thận giả vì phần nối tiếp này rất bé, bé hơn so với thận chính, và đồng thời nó chỉ là một nhu mô mềm như thịt mà hoàn toàn không có chức năng gì.
 
 
Thanh Loan
Back To Top