Trung Quốc phủ nhận vắc xin gây tử vong cho 17 trẻ

- 12 lượt xem - Tin tức

Cuộc điều tra về các trường hợp tử vong, xảy ra từ ngày 13-31/12/2013, đã không tìm thấy bằng chứng vắc xin là nguyên nhân của những ca tử vong này, tuyên bố chung của Cục Dược phẩm và Thực phẩm và Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc cho biết.

 

“Chín trong số những trường hợp này cho đến nay đã được xác nhận là không liên quan đến vắc xin”, tuyên bố nêu rõ.

 

Nhưng vẫn cần kết quả pháp y để xác nhận nguyên nhân của 8 trường hợp còn lại.

 

Báo cáo về các ca tử vong đã làm dấy lên sự lo ngại của dư luận sau một loạt những vụ bê bối về thực phẩm, y tế và an toàn trong những năm gần đây, phần lớn là do sự chậm trễ, thiếu giám sát và chế tài không đầy đủ.

 

Hai cơ quan trên cho biết chưa phát hiện thấy vấn đề gì với vắc xin liên quan, do công ty BioKangtai sản xuất.

 

Phân tích dịch tễ cho thấy 17 ca tử vong trên là do những vấn đề “không giống nhau”, bao gồm viêm phổi nặng, suy thận và ngạt, tương tự nguyên nhân tử vong của trẻ dưới 5 tuổi theo giám sát của mạng lưới báo cáo toàn quốc.

 

Các cơ quan chức năng đã đình chỉ việc sử dụng vắc xin viêm gan B của công ty BioKangtai trong khi điều tra vụ việc.

 

Các báo cáo trước đây trên truyền thông Trung Quốc cho biết hơn 44 triệu liều thuốc đang nằm trong kho hoặc đã được bán cho 27 tỉnh và khu vực trên khắp cả nước.

 

Sản phẩm của BioKangtai và hai nhà sản xuất vắc xin khác của Trung Quốc đã bị đình chỉ từ hôm thứ Tư 1/1/2014 vừa qua do không đáp ứng tiêu chuẩn chứng nhận có hạn chót là 31/12/2013.

 

Viêm gan B là một trong 10 loại vắc xin miễn phí những bắt buộc đối với hầu hết trẻ em ở Trung Quốc. Vắc xin được tiêm trong vòng 24h sau sinh, với hai liều tiếp theo lúc 1 và 6 tháng tuổi.

 

Những vụ bê bối về y tế và an toàn thực phẩm trước đây ở Trung Quốc đã từng khiến dư luận phẫn nộ.

 

Năm 2008, đã có 6 trẻ bị chết và hàng ngàn trẻ khác bị bệnh do sữa công thức nhiễm độc.

 

Trịnh Tiêu Du, cựu cục trưởng Cục Dược phẩm và Thực phẩm Trung Quốc bị tử hình năm 2007 do nhận hối lộ 850.000 đô la để cấp phép cho hàng trăm thuốc, một số trong đó sau này bị phát hiện là nguy hiểm.

 

Trung Quốc cũng bị cáo buộc là đã che giấu vụ dịch SARS năm 2003 giết chết hàng trăm người trên khắp thế giới, tuy nhiên Tổ chức Y tế Thế giới gần đây đã tuyên dương nước này vì sự cởi mở về bệnh cúm gia cầm.

 

Thùy Linh

Back To Top