TPHCM: "Căng mình" chống sởi, phòng cúm gia cầm

- 14 lượt xem - Tin tức

Bệnh sởi bùng phát do chủ quan

Ngày 13/2, trước tình hình nhiều loại bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp Sở Y tế thành phố đã có cuộc họp với Trung tâm Y tế Dự phòng và bệnh viện 24 quận huyện. Tại cuộc họp, số liệu thống kê của khoa kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm đã lý giải phần nào sự trở lại bất thường của bệnh sởi.

 

Bệnh sởi với những diễn biến bất thường đang bước vào cao điểm 
Bệnh sởi với những diễn biến bất thường đang bước vào cao điểm 

 

Theo đó, trong năm 2013 toàn thành phố đã có 107.704 trẻ được chích ngừa bệnh sởi mũi 1 con số này đạt đạt tỷ lệ 96,6%. Tuy nhiên, tâm lý chủ quan hoặc lo ngại những nguy cơ có thể xảy đến trong quá trình chích ngừa của phụ huynh khiến số trẻ được tiêm phòng bệnh sởi mũi 2 chỉ đạt gần 36%. Như vậy có tới 64% số trẻ trên địa bàn thành phố không đủ kháng thể để phòng bệnh sởi.

Mầm bệnh đang lưu hành, mỗi ngày số trẻ nhập viện đang tăng nhanh. Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1 thời gian trước tết mỗi ngày bệnh viện điều trị cho khoảng 20 trẻ mắc bệnh sởi nhưng một tuần trở lại đây số trẻ phải nhập viện điều trị vì bệnh này lên tới 30 ca trong ngày. Bệnh viện Nhi Đồng 2 và bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cũng rơi vào tình trạng tương tự khi mỗi bệnh viện phải điều trị cho hơn 20 trẻ mỗi ngày.

 

Đối tượng chính của bệnh là trẻ em chưa được chủng ngừa đầy đủ
Đối tượng chính của bệnh là trẻ em chưa được chủng ngừa đầy đủ

BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố khẳng định, dịch sởi đang trở lại một cách bất thường. Ông hiến kế, để dập dịch ngành y tế dự phòng cần phối hợp với Y tế học đường đẩy mạnh giáo dục sức khỏe phòng bệnh và giám sát phát hiện bệnh sớm. Trong trường hợp nghi ngờ có ca bệnh được ghi nhận cần thực hiện cách ly bệnh nhân từ 7 đến 10 ngày đồng thời lấy mẫu xét nghiệm huyết thanh. Bên cạnh đó cần đảm bảo mục tiêu tiêm chủng nói chung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiêm phòng sởi mũi thứ hai cho trẻ để đạt hiệu quả phòng bệnh.

Thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa nên không chỉ bệnh sởi mà còn nhiều loại bệnh khác sẽ bước vào giai đoạn cao điểm trong thời gian tới. Các chuyên gia y tế cảnh báo, trong hai tuần tới khí hậu sẽ nóng dần – đây là cơ hội để các loại dịch bệnh do siêu vi như rubella, thủy đậu, cúm, sốt siêu vi các bệnh sẽ tấn công cả người lớn lẫn trẻ em nên người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Nguy cơ cúm gia cầm xâm nhập

Cuối năm 2013, đầu 2014 dịch cúm gia cầm liên tiếp xuất hiện tại nhiều địa phương quanh thành phố thuộc khu vực miền Trung, miền Đông Nam Bộ, miền Tây. Thời điểm giáp Tết Nguyên Đán, một bệnh nhân nam ngụ tại Bình Phước đã tử vong do nhiễm cúm A/H5N1. Kết quả xét nghiệm mẫu huyết tương của đàn gà gần nơi bệnh nhân sinh sống cho thấy có sự lưu hành của chủng cúm A/H5N1 tại đây.

 

Cúm gia cầm đe dọa nhưng thành phố còn 36 điểm bán gà vịt lậu
Cúm gia cầm đe dọa nhưng thành phố còn 36 điểm bán gà vịt lậu

 

TPHCM là địa phương có số dân đông, nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm mỗi ngày là rất lớn. Nguồn gia cầm từ các nơi vẫn tìm mọi cách đổ về thành phố giữa lúc dịch cúm gia cầm đang dồn dập xảy ra trên khắp các vùng miền của cả nước khiến nguy cơ dịch bệnh tràn vào thành phố lên đến mức báo động đỏ.

Theo báo cáo của Chi cục Thú y thời điểm trong và sau Tết Giáp Ngọ tình hình kinh doanh gia cầm lậu có chiều hướng gia tăng. Tính đến ngày 08/2 trên địa bàn thành phố còn tồn tại 36 điểm kinh doanh gia cầm trái phép tại 11 quận huyện. Bên cạnh đó là tình trạng nuôi gà đá, chim cảnh trong các khu dân cư, tình trạng vận chuyển gia cầm trái phép qua các đường tiểu ngạch vào thành phố.

Trước tình hình trên, Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBNDTP đã ra chỉ thị yêu cầu tất cả các đơn vị liên quan vào cuộc để ngăn chặn dịch cúm gia cầm tràn vào thành phố. Bên cạnh yêu cầu lập vành đai phòng dịch không để nguồn gia cầm chưa qua kiểm dịch có cơ hội vào thành phố, thường xuyên giám sát và kiên quyết xử lý những trường hợp chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia cầm trái phép UBNDTP khuyến cáo người dân không sử dụng các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y.

 

Gà vịt đã qua giết mổ nhưng không được kiểm dịch vẫn tràn lan trên thị trường
Gà vịt đã qua giết mổ nhưng không được kiểm dịch vẫn tràn lan trên thị trường

Để phòng bệnh cúm gia cầm lây qua người ngày 13/2, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng tăng cường giám sát sức khỏe của người dân đặc biệt là các hộ chăn nuôi hoặc hành nghề giết mổ gia cầm để kịp thời phát hiện và khoanh vùng xử lý trong trường hợp dịch bệnh xảy ra. Sở Y tế cùng yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố và hỗ trợ các tỉnh lên cận.

Back To Top