Tình người nơi giành giật sự sống với thần chết

- 8 lượt xem - Tin tức

Đêm 30-12-2013, thần chết lại vừa cướp đi sinh mạng của 2 người từ Trung tâm hô hấp – bệnh viện Bạch Mai. Thời tiết trong những ngày vừa qua quá khắc nghiệt đối với những người bị bệnh phổi như hen suyễn, bệnh phôỉ tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 3, 4 kèm theo các bệnh mạn tính khác như đái tháo đường, tăng huyết áp, tràn mủ màng phổi v.v..…Cơn đau tức ngực, cháy họng, thở không được, tưởng chết đi dược… nếu không được điều trị kịp thời dễ bị thần chết cướp đi mạng sống .

Trung tâm hô hấp của bệnh viện nằm trên tầng 6 của tòa nhà Việt –Nhật có 11 phòng bệnh, trung bình có từ 170-180 bệnh nhân nằm viện/ngày, nhiều bệnh nhân nặng phải thở bằng máy.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, bệnh viện quá tải đến mức trầm trọng, tình trạng 2,3 người chung một giường bệnh đã là may mắn, có lúc 4,5 người chung một giường bệnh. Đi kèm với bệnh nhân thường là 1,2 người để góp phần với bệnh viện chăm sóc bệnh nhân, nhưng phần lớn đều là bệnh nặng nên người nhà thường là dăm ba người, có khi còn nhiều hơn. Họ từ tứ xứ đến, nằm la liệt ra khắp hành lang, có khi không còn lối đi, kể cả ở cận kề khu vệ sinh. Bảo vệ bệnh viện chỉ còn biết ôn tồn đi nhắc nhở, giữ gìn trật tự.

Tôi, bệnh nhân vào nằm điều trị lúc đầu cũng hết sức bức xúc, không hiểu bệnh viện sẽ điều trị ra sao đây khi có đến 4, 5 người được điều trị cùng một giường mà lại toàn bệnh nặng! Và thật sự cảm động khi chứng kiến tình nghĩa “thương người như thể thương thân” của những người bệnh cùng cảnh ngộ bệnh tật với nhau. Người nào cảm thấy bệnh nhẹ hơn lập tức ngồi dậy nhường chỗ cho người mới đến cần điều trị kịp thời. Có người đang được truyền thuốc cũng bảo con cháu dìu mình ra hành lang, cầm bịch thuốc đang được truỳên ra theo, tay giơ cao thay cho cột ngoắc ở giường bệnh. Họ phân công nhau nằm nghỉ hoặc khi truyền thuốc, khi tiêm… Tất cả đều trên cơ sở thỏa thuận, bàn bạc… Đông người là thế mà không có tiếng cãi cọ, xí chỗ ngồi hoặc nằm.

Cụ Nguyễn Ngọc, 80 tuổi, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh, sau một thời gian điều trị bệnh phổi ở bệnh viện tỉnh không đỡ đành xin chuyển đến Trung tâm hô hấp Bạch Mai, chịu cảnh chung giường 3 bệnh nhân, nhưng cụ nói với tôi : “Quả thật họ hơn hẳn cái đầu- tìm ra bệnh rồi, tôi xin về địa phương điều trị theo phác đồ của trung tâm”.

Quả thật tình người nơi đây lúc này sao mà cao đẹp thế! Nó khác xa những tiêu cực ngoài xã hội. Một cái lườm nguýt đểu, một chỗ ngồi cũng cạnh tranh nhau dễ dàng xẩy ra ẩu đã, đâm chém… chí mạng.

Tuy nhiên nổi bật lên trên hết ở nơi đây là tấm lòng, là tình người, là tinh thần trách nhiệm của tập thể đội ngũ thầy thuốc, từ hộ lý, y tá đến các bác sỹ. Trước tình hình bệnh nhân đến đông quá tải tưởng không thể hơn được nữa, tôi không nghe một tiếng phàn nàn, kêu ca, than vãn của bệnh nhân. Đối với đội ngũ thầy thuốc chỉ có những tiếng chân đi gấp, rầm rập sao cho kịp, cho nhanh để mong chữa trị kịp thời, giành lấy sự sống cho bệnh nhân khỏi lưỡi hái của thần chết. Có bác sỹ cả đêm chỉ được chợp mắt trong vòng 30 phút!

Ngoài đời sống xã hội, tôi nghe rất nhiều chuyện buồn làm ảnh hưởng khá nhiều dến danh dự, uy tín của người thầy thuốc, đặc biệt là nạn hối lộ, nhét túi các cô y tá để mong người nhà mình được chăm sóc tốt hơn, để những mũi kim tiêm được “ngọt” hơn, những chiếc phong bì phồng hơn được gửi kín đáo đến tận tay bác sỹ trực tiếp điều trị… Nhưng sau 10 ngày là bệnh nhân nơi đây, không chỉ có tôi mà có thể nói tất cả bệnh nhân và gia đình họ đều không mất một đồng xu tiêu cực phí! Ông Nguyễn Văn Vinh, người công giáo, quê ở Phú Lương, Lương tài, tỉnh Bắc Ninh, bị áp xe phổi vào điều trị đã 10 ngày, thuộc diện người nghèo, được gia đình bệnh nhân công nhận là trung tâm quá tốt trong việc điều trị, không hề gây phiền hà, đòi hỏi một thứ gì! Vì thương mẹ bị sưng phổi nguy cấp, bà Thuyết ở Bắc giang, không kịp làm cho xong thẻ bảo hiểm y tế, vội vàng đưa bà mẹ đến trung tâm vượt cấp, những sợ mẹ không được nhận thì mẹ chết mất, đã òa khóc khi trung tâm tiếp nhận và điều trị ngay lập tức khi bà mẹ khỏi bệnh ra về, bà Thuyết vội vàng chạy theo bác sĩ dúi phong bao tiền vào chiếc áo trắng bác sĩ đang mặc mong để cảm ơn, yên lòng ra về nhưng không ngờ bác sỹ mời bà hãy rút phong bì về trước con mắt thán phục của mọi người xung quanh.

Cảm phục nhiều việc tốt nơi đây, tôi muốn biết tên một số người, một số việc điển hình, nhưng Tiến sỹ-bác sĩ Phan Thu Phương, Phó giám đốc trung tâm trả lời: “Đội ngũ chúng tôi đều cố gắng làm hết phận sự, cụ không cần bận tâm, vả lại chúng tôi có cả hệ thông camera theo dõi để ngăn chặn tiêu cực!".

Thưa bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Đúng là đáng buồn khi có một bộ phận không nhỏ làm ảnh hưởng đến uy tín, đến y đức của những người thấy thuốc nhưng đàng sau lưng bà còn nhiều cá nhân, còn nhiều đơn vị “ lương y như từ mẫu” làm điểm tựa vững chắc, giúp bà vơi đi “cái rất đau đớn, rất xót xa" để bà khỏi rơi nước mắt trước Quốc hội, trước toàn dân! Bà đang có trong tay một đội ngũ không ít các Giáo sư- các y bác sỹ giỏi về y thuật, sáng về đaọ đức. Chỉ có điều làm sao nhân rộng ra được nhiều con người tài giỏi ấy, những điểm sáng ấy.

Điểm sáng mà tôi thấy, tôi chứng kiến tận mắt mình trong suốt cuộc đời 87 tuổi, đã được điều trị ở nhiều bệnh viện chính là nơi đây – Trung tâm hô hấp cuả Bệnh viện Bạch Mai.

Có thể nơi đây vẫn còn nhiều điều cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn cách điều trị nhưng qua hàng trăm thư từ khắp nơi gửi về cảm ơn trung tâm, điều nổi bật nhất là ai cũng thấy cả tập thể từ hộ lý, y tá, điều dưỡng viên đến các y, bác sỹ nơi đây đều nêu được tấm gương “thầy thuốc như mẹ hiền”. Sức ép điều trị bệnh phổi trong những ngày nay càng lớn thì trách nhiệm của những người thầy thuốc nơi đây càng cao. Có bệnh nhân bị ung thư khí quản hiếm gặp đã được cứu sống bằng phương pháp đặt ống stents- đây là lần đầu tiên, kỹ thuật này được áp dụng ở Việt Nam hoặc đã gắp thành công nhiều dị vật trong đáy phổi như xương, hạt hồng xiêm thậm chí cả răng…hoặc điều trị trường hợp bệnh tích protein phế nang và đó là lần đầu tiên rửa phổi thành công hay cứu sống được hàng chục bệnh nhân tràn khí màng phổi bằng phương pháp dùng bột talc bơm gây dính màng phổi…

Giỏi về y thuật, cướp từ tay thần chết cho biết bao sinh mạng con người đã đành, không có chuyện đưa phong bì và đưa tiền nhét túi trong tiêu cực đang phổ biến đầy rẫy ngoài xã hội, ta mới thấy đáng quý biết bao! Chưa hết, đó còn là tình người, tình người giữa thầy thuốc và bệnh nhân. Nhiều người đến bệnh viện không có thẻ Bảo hiểm y tế hoặc nghèo quá không đủ kinh phí điều trị, tập thể thầy thuốc nơi đây đã phát động quyên góp, dù với đồng lương ít ỏi. Ngoài ra, Bác sĩ Minh là thành viên hội từ thiện “Tấm lòng nhân ái” đã tổ chức đi khám và phát thuốc từ thiện ở khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam.

Rõ ràng, Trung tâm hô hấp Bệnh viện Bạch Mai là điểm sáng để bà Bộ trưởng có thể tự hào với các ngành của đất nước. Xin hãy nhân lên điểm sáng này. Bà “không sợ đơn độc trong việc giáo dục và nâng cao y đức của ngành nhằm xây dựng một đội ngũ thầy thuốc giỏi y thuật, sáng y đức” (Lời Bộ trưởng phát biểu nhân ngày năm mới – 2014).

Nguyễn Thìn Xuân, 87 tuổi – Bệnh nhân phòng 611 trung tâm hô hấp – Điều trị từ ngày 20-12- 2013 đến ngày 31 -12-2013.

Đ.T.38582130 113Đ- Cự lộc- Thượng Đình-Thanh Xuân –Hà Nội.

Nguyễn Thìn Xuân

Back To Top