TÌM HIỂU VỀ BỆNH UNG THƯ BUỒNG TRỨNG

- 153 lượt xem - Bệnh ung thư, Y học thường thức

Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư thường gặp nhất ở nữ giới, chỉ đứng sau ung thư cổ tử cung. Chỉ tính riêng tại Việt Nam, mỗi năm phát hiện hàng nghìn ca mới mắc ung thư buồng trứng. Căn bệnh này diễn tiến âm thầm, lặng lẽ, triệu chứng không rõ rệt và thường bị chị em phụ nữ bỏ qua.

UNG THƯ BUỒNG TRỨNG LÀ GÌ? 

Ung thư buồng trứng là tình trạng hình thành các khối u ác tính ở một hoặc cả hai buồng trứng do sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong. Nếu không điều trị kịp thời, tế bào ung thư sẽ xâm lấn các mô và cơ quan xung quanh, làm mất chức năng sản xuất nội tiết tố, sản xuất tế bào trứng, mang thai của buồng trứng. Ở giai đoạn nặng, tế bào ung thư di căn qua đường máu hoặc đường bạch huyết tới nhiều cơ quan khác của cơ thể và hình thành khối u mới.

hình ảnh minh họa

Các loại ung thư buồng trứng:

  • Ung thư biểu mô buồng trứng (ung thư xuất phát từ các tế bào trên bề mặt buồng trứng).
  • Ung thư từ các tế bào sản xuất ra trứng.
  • Ung thư buồng trứng xuất phát từ các tế bào mô nâng đỡ buồng trứng.

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT 

Thông thường, các triệu chứng ban đầu của ung thư buồng trứng thường không rõ ràng nên dễ nhầm lẫn với triệu chứng của nhiều bệnh lý thường gặp khác. Việc chẩn đoán ở giai đoạn đầu cũng khá khó khăn, thậm chí cần sử dụng xét nghiệm phết mỏng tế bào tử cung (Pap smear) đôi khi cũng không thể phát hiện ra.

Do đó, khuyến cáo chị em phụ nữ cần khám phụ khoa định kỳ để được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác ngay khi có những thay đổi lạ thường và dai dẳng sau:

  • Cảm thấy đầy bụng hoặc đau bụng vùng khung chậu;
  • Ăn uống không ngon miệng;
  • Sút cân không rõ lý do;
  • Rối loạn đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, táo bón;
  • Ợ nóng;
  • Đau lưng;
  • Đi tiểu thường xuyên;
  • Hay mệt mỏi và cáu gắt;
  • Chu kỳ kinh nguyệt bất thường, chảy máu âm đạo sau bất thường sau mãn kinh;
  • Đau rát khi quan hệ tình dục.

triệu chứng đau bụng

NGUYÊN NHÂN GÂY UNG THƯ BUỒNG TRỨNG

Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác dẫn đến căn bệnh này. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa bệnh và các yếu tố nguy cơ sau:

  • Tiền sử gia đình: Những người có quan hệ huyết thống bậc 1 như mẹ, chị em gái ruột mắc các căn bệnh ung thư vú, buồng trứng hoặc đại trực tràng cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng từ 2 – 4 lần.
  • Tiền sử bệnh lý ở bệnh nhân: Bệnh nhân có tiền sử mắc ung thư vú, ung thư đại trực tràng cũng sẽ có nguy cơ bị ung thư buồng trứng.
  • Độ tuổi: Căn bệnh này thường gặp ở phụ nữ trên 50 tuổi, tăng cao ở những người trên 60 tuổi.
  • Phụ nữ đã qua thời kỳ mãn kinh và sinh đẻ ít: Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ đã từng mang thai và sinh con thì nguy cơ thấp hơn nhiều so với phụ nữ chưa từng sinh con, đặc biệt, sinh càng nhiều con thì nguy cơ mắc bệnh càng thấp.
  • Sử dụng các loại thuốc kích thích phóng noãn: Việc này có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh.
  • Sử dụng bột Talcum: Đây là một khoáng chất tạo nên từ các thành phần magie, silic và oxy. Khoáng chất này có nhiều trong mỹ phẩm, đặc biệt là phấn rôm nhằm giữ cho da khô thoáng, ngăn ngừa tình trạng phát ban. Tuy nhiên, nếu cơ quan sinh dục ở phụ nữ tiếp xúc nhiều với loại khoáng chất này có nguy cơ hình thành các khối u trong buồng trứng.
  • Điều trị hormone thay thế: Việc điều trị hormone thay thế ở phụ nữ sau mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA UNG THƯ BUỒNG TRỨNG

  • Giai đoạn 1: Khối u vẫn ở bên trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng, chưa lây lan sang các cơ quan khác.
  • Giai đoạn 2: Khối u vẫn còn trong buồng trứng và ống dẫn trứng những đã bắt đầu lan rộng đến các cơ quan lân cận trong xương chậu.
  • Giai đoạn 3: Khối u lan rộng hơn nữa, lớn hơn 2cm, thậm chí có thể đã di căn đến các cơ quan xa hơn như gan, lá lách.
  • Giai đoạn 4: Giai đoạn cuối, ung thư đã di căn tới nhiều cơ quan khác như lá lách, gan, phổi, não… cũng như các hạch bạch huyết ở háng. Điều trị bệnh ở giai đoạn này rất khó khăn và phức tạp.

CHẨN ĐOÁN UNG THƯ BUỒNG TRỨNG 

Để phát hiện bệnh sớm, chị em phụ nữ cần làm những xét nghiệm chuyên biệt sau để có phương án điều trị phù hợp.

– Xét nghiệm máu: Kết quả xét nghiệm HE4, CA 125, CA15-3 và CA72-4 trong máu sẽ giúp đưa ra kết luận về ung thư buồng trứng. Cụ thể: giá trị chẩn đoán của HE4 ở giai đoạn sớm là 62-83%, giai đoạn muộn là 75-93%. Giá trị chẩn đoán của CA125 ở giai đoạn sớm là 50%, giai đoạn muộn là 92%. Trong khi giá trị chẩn đoán của CA15-3 chỉ đạt 50-56% và CA72-4 chỉ đạt 63-71% thì sự kết hợp các dấu ấn này có thể làm độ nhạy chẩn đoán tăng lên.

– Siêu âm: Phương pháp siêu âm chủ yếu được dùng để phát hiện ra ung thư nhưng không thể nhận định được đó là ung thư lành tính hay ác tính. Phương pháp này sử dụng các sóng âm thanh để có được hình ảnh của buồng trứng và phát hiện các biểu hiện phát triển bất thường trong buồng trứng.

– Chụp MRI hay chụp CT: Hình thức kiểm tra bằng chụp MRI hay chụp CT sẽ cho thấy hình ảnh chụp ở các góc nên các bác sĩ có thể chẩn đoán mức độ ảnh hưởng của khối u trong buồng trứng.

– Sinh thiết: Các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm trên mô bệnh phẩm để thấy được sự tăng trưởng của toàn bộ khối u như thế nào, từ đó có cách thức điều trị phù hợp hơn.

Hình ảnh minh họa sinh thiết

Ung thư buồng trứng là căn bệnh nguy hiểm, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong cho người bệnh.Do đó, để phát hiện và có hướng điều trị kịp thời, bạn nên quan tâm đến sức khỏe của mình và thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.

PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BỆNH 

Tùy vào sự tiến triển của bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Ung thư buồng trứng thường được điều trị bằng phẫu thuật, hóa học trị liệu hoặc trị liệu bức xạ.

Bên cạnh điều trị theo phác đồ của bác sĩ, người bệnh cần:

+ Tái khám đúng hẹn.

+ Tuân thủ những chỉ định của bác sĩ. Không tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc bỏ thuốc trong toa.

+ Ăn uống lành mạnh, ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc, giảm chất béo, hạn chế uống bia rượu và các chất kích thích.

+ Duy trì cân nặng lý tưởng, tập luyện thể dục thường xuyên.

+ Báo cho bác sĩ ngay khi xuất hiện các tác dụng phụ của thuốc.

UNG THƯ BUỒNG TRỨNG CÓ CHỮA KHỎI KHÔNG?

Theo các bác sĩ chuyên khoa, ung thư buồng trứng nếu được phát hiện sớm từ giai đoạn 1 và có phương hướng điều trị phù hợp, người bệnh sẽ có cơ hội sống trên 5 năm khoảng 95%.

Nếu phát hiện bệnh muộn khi các tế bào ung thư đã lan sang các bộ phận khác cơ hội sống sẽ giảm dần. Cụ thể, giai đoạn 2 tỷ lệ sống trên 5 năm còn khoảng 70%, giai đoạn 3 khoảng 39%. Trong trường hợp đến giai đoạn cuối mới phát hiện ra thì cơ hội sống rất thấp, dưới 5%.

Như vậy ung thư buồng trứng có chữa được không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thời điểm phát hiện bệnh, phương pháp điều trị, tình hình đáp ứng điều trị của mỗi người.

Mỗi năm cần kiểm tra ít nhất là 2 lần để phát hiện các dấu hiệu ung thư sớm nhất. Đặc biệt phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh nên thận trọng, thăm khám cẩn thận để ngăn ngừa nguy cơ gây bệnh.

Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, bệnh nhân cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.

Để đặt lịch khám tầm soát ung thư cũng như các bệnh khác với các chuyên gia giàu kinh nghiệm của Hệ thống y tế Hùng Vương, xin vui lòng liên hệ tổng đài 18009415.

Back To Top