Trả lời câu hỏi của bạn đọc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết:
Hiện tại cơ quan BHXH Việt Nam đang cấp thẻ dưới dạng thẻ giấy, một số địa phương đang thí điểm cấp thẻ có mã vạch để tiện lợi trong quản lý.
Trong thời gian tới, cùng với sự đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin của hệ thống bệnh viện cũng như hệ thống quản lý BHYT, sẽ tiến tới cấp thẻ điện tử, Smartcard, phù hợp với hệ thống mã an sinh xã hội để thuận lợi trong quản lý và sử dụng.
Về việc phân tuyến khám chữa bệnh, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, người tham gia BHYT có quyền lựa chọn một cơ sở y tế để đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và khi đi khám chữa bệnh đúng nơi đăng ký ban đầu sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi bảo hiểm y tế.
Trong trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn, người bệnh vẫn được chuyển lên tuyến trên theo quy định về chuyên môn của Bộ Y tế và theo quy định về đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh tại Thông tư số 10/2009/TT-BYT ngày 14/8/2009.
Việc phân tuyến chuyên môn, kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế quy định theo 4 cấp, dựa trên địa giới hành chính, phạm vi quản lý, khả năng chuyên môn và thực trạng về cơ sở vật chất. Việc quy định phải đến khám chữa bệnh tại cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu (trừ trường hợp cấp cứu) là cần thiết và phù hợp vì:
– Phù hợp với hệ thống tổ chức mạng lưới khám chữa bệnh và tuyến điều trị hiện nay của Việt Nam.
– Sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lực của cơ sở y tế tuyến dưới, thuận lợi cho người bệnh. Giúp cho việc quản lý các đối tượng người bệnh tại mỗi cơ sở.
– Bảo đảm thuận lợi cho người dân được đến KCB tại cơ sở gần nhất, thuận lợi với nơi cư trú hay làm việc, giảm chi phí đi lại không cần thiết. Phù hợp với quy định quản lý và phân bổ quỹ KCBBHYT hiện hành.
– Duy trì tuyến điều trị, giảm chi phí không cần thiết và giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên (theo nghiên cứu, gần 80% các trường hợp bệnh tật có thể giải quyết ở các cơ sở KCB ban đầu, không cần thiết phải đến các cơ sở y tế tuyến tỉnh hay tuyến TW).
Vì vậy, việc phân tuyến vừa bảo đảm hiệu quả sử dụng các cơ sở tuyến dưới (như Trạm y tế xã, BS gia đình, Phòng khám đa khoa, Bệnh viện huyện) vừa tránh quá tải cho các Bệnh viện tuyến trên.
Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi của người bệnh trong trường hợp cấp cứu, tai nạn ngoài địa phương, Điều 28 Luật BHYT đã quy định: Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ quy định trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi về BHYT.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý là trong trường hợp cấp cứu, người bệnh không cần đi theo tuyến mà có thể đến bất cứ cơ sở KCB nào gần nhất, có thể giải quyết được tình trạng bệnh.
Nguồn: Tuổi trẻ