Chăm sóc, phát hiện những bất thường trong sức khỏe bệnh nhân, tư vấn cho họ về tâm lý, sinh hoạt hàng ngày và phụ giúp bác sĩ (BS) điều trị (y lệnh) là việc của điều dưỡng viên (ĐDV). Nhưng thực tế điều dưỡng hiện chỉ thực hiện y lệnh. Còn hầu hết "khoán” cho người nhà bệnh nhân (BN), kể cả việc thay chai truyền dịch, bóp bóng ôxy, cho ăn qua ống thông, vận chuyển người bệnh nặng…
Tại hội thảo bàn về đào tạo nguồn nhân lực ngành điều dưỡng và chăm sóc theo hiệp định Việt Nam và Nhật Bản mới đây, đại biểu Nhật Bản cho biết hiện 25% dân số nước này là người cao tuổi và đang thiếu hụt khoảng 56.000 điều dưỡng. Đây là thị trường xuất khẩu lao động đầy tiềm năng nhưng tiếc thay, nguồn nhân lực ngành này ở ta cũng đang thiếu hụt.
Cả nước hiện có khoảng 61.000 ĐDV, tỷ lệ 1,57 ĐDV/BS. Nếu tính theo chỉ tiêu 3,5 ĐDV/BS thì còn thiếu từ 40.000 đến 60.000 ĐDV, hộ sinh. Thiếu số lượng mà chất lượng cũng rất thấp. Theo khảo sát của Bộ Y tế mới đây, chỉ khoảng 30% ĐDV có trình độ CĐ và ĐH, còn 70% trung cấp và sơ cấp.
Tăng viện phí, cần hoàn thiện đội ngũ chăm sóc bệnh nhân
Quy định tại Thông tư 07 của Bộ Y tế (có hiệu lực từ 1/3/2011), việc chăm sóc, theo dõi người bệnh là nhiệm vụ của BV. Các hoạt động chăm sóc điều dưỡng, theo dõi do ĐDV, hộ sinh thực hiện và chịu trách nhiệm. Nhưng do nguồn ĐDV thiếu trầm trọng nên không thể kham nổi công việc chăm sóc người bệnh – theo Trưởng Phòng Điều dưỡng, Tiết chế, thạc sĩ Nguyễn Bích Lưu – Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế. Hiện 20% nhân lực điều dưỡng còn phải làm nhiệm vụ chăm sóc gián tiếp như hành chính, sổ sách, giấy tờ, viện phí. Ở nhiều BV, những công việc này chiếm gần nửa thời gian của ĐDV.
Giờ đây đề xuất tăng viện phí của Bộ Y tế đã được thông qua, giá viện phí ở các địa phương tăng từ 70-90% giá khung, người bệnh có lý do và có quyền trở thành một khách hàng khó tính. Chất lượng dịch vụ y tế nâng cao phải gắn với chất lượng và hiệu quả các dịch vụ chăm sóc, điều dưỡng, xứng đáng với đồng tiền, bát gạo người bệnh bỏ ra. Giá viện phí đạt chuẩn mà chất lượng dịch vụ kém chuẩn, người nhà bệnh nhân vẫn phải theo BN chăm sóc 24/24 tại BV mới yên tâm, BN có quyền khiếu nại chất lượng dịch vụ BV?
Như đã nói, vai trò của ĐDV tại các cơ sở khám chữa bệnh khá quan trọng. Theo TS. Nguyễn Ngọc Minh – Phó hiệu trưởng ĐH Duy Tân, cố vấn Ban chấp hành Hội Điều dưỡng Việt Nam, vào viện, ngoài việc được bác sĩ khám chữa, người mà bệnh nhân tiếp xúc nhiều nhất là ĐDV nên họ có vai trò rất quan trọng và gắn bó nhiều với người bệnh. "Tuy nhiên, hiện có một số ĐDV đã kém về chuyên môn lại có dấu hiệu xuống cấp về đạo đức nên đã vô tình hoặc cố ý quấy nhiễu bệnh nhân. Tại BV Ung Bướu, ĐDV đang làm việc quá tải. Bệnh nhân nằm tràn xuống lối đi, hành lang, gầm giường. Mỗi điều dưỡng phải thực hiện y lệnh, chăm sóc 15 bệnh nhân/ngày, chưa kể ghi chép hồ sơ của bệnh nhân. Họ không cáu gắt than trách quá mức mới lạ.
Thiếu về lượng, yếu về chuyên môn cộng với sự xuống cấp về đạo đức của một số ĐDV là nguyên nhân chính dẫn đến quá tải BV, y đức xuống cấp, thậm chí là nguyên nhân những cái chết thương tâm của nhiều bệnh nhân. Vì vậy tăng viện phí, các BV cần phải nâng tỷ lệ ĐDV/BS đạt chỉ tiêu, nâng cao y đức ĐDV.
Thừa hay thiếu?
Tại TP.Hồ Chí Minh có ba trường công lập đào tạo điều dưỡng là ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, ÐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường trung cấp kỹ thuật Nam Sài Gòn và không dưới 10 trường tư đào tạo điều dưỡng hệ trung cấp như trường Nguyễn Tất Thành, Hồng Bàng, Hồng Ðức, Âu Lạc, Thái Bình Dương… Theo đề án giảm tải Bệnh viện, UBND TP.Hồ Chí Minh giao ngành Y tế thành phố năm 2012 phải đạt chỉ tiêu tỷ lệ điều dưỡng từ 3-3,5 điều dưỡng/bác sĩ, điều dưỡng trưởng khoa phải có trình độ từ ĐH trở lên… Phó Giám đốc BV Nhi Ðồng 2, bác sĩ Trương Quang Ðịnh cho biết, nhu cầu tuyển điều dưỡng vào BV hàng năm rất lớn, số ĐDV ra trường không ít, nhưng chọn được điều dưỡng đáp ứng yêu cầu của một BV nhi loại một gặp nhiều khó khăn.
Mỗi năm, Đà Nẵng có gần 2.000 sinh viên điều dưỡng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ra trường, nhưng chỉ vài chục trong số đó xin được việc, còn lại chấp nhận học việc không lương ở các bệnh viện.
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế Nguyễn Công Khẩn cũng cho biết, Bộ Y tế đã có ý kiến với Bộ GD-ĐT về tình trạng đào tạo trung cấp dược, điều dưỡng tràn lan, khiến cung vượt quá xa nhu cầu. Năm 2011, các trường trung cấp điều dưỡng và dược có tới 85.000 chỉ tiêu. Mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT đã từ chối 5 trường có ý định mở ngành trung cấp điều dưỡng, dược vì cho rằng chỉ tiêu trình độ này quá nhiều.
Vậy là số lượng ĐDV rõ ràng không thiếu, vấn đề là trình độ và chất lượng. Hiện thừa chất lượng trung cấp nhưng thiếu trình độ cao hơn. Cần đào tạo theo chuẩn, khâu đào tạo phải kiểm soát được chất lượng mới mong đáp ứng yêu cầu các BV thiếu điều dưỡng.
Và còn phải khắc phục nghịch lý trong BV hiện nay là những điều dưỡng có trình độ khác nhau (trung cấp, CĐ, ĐH) chỉ làm cùng nhiệm vụ là thực hiện y lệnh BS mà thôi.