Trong xã hội hiện nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, những thay đổi về chế độ sinh hoạt, lối sống (ăn thức ăn nhanh chứa nhiều muối, đường, cường độ công việc căng thẳng, uống nhiều rượu, bia,…) dẫn tới gánh nặng bệnh tật ngày càng gia tăng, trong đó phải kể đến bệnh lý tăng huyết áp.
Bệnh lý tăng huyết áp cùng với các yếu tố nguy cơ tim mạch khác (béo phì, mỡ máu cao, lười vận động,…) làm gia tăng tỉ lệ mắc các bệnh lý như đột quỵ, suy tim, nhồi máu cơ tim, suy thận, biến chứng về mắt,.. từ đây làm gia tăng gánh nặng về kinh tế cho người dân cũng như cho xã hội.
Một cuộc điều tra dịch tễ học quốc gia (2001 – 2008) tiến hành trên 9832 người ≥ 25 tuổi, thấy rằng có 25,1% dân số bị tăng huyết áp, trong đó gần một nửa trong số họ không biết mình mắc bệnh. (Hội Tim mạch học Việt Nam 2022).
Chính vì vậy, việc hiểu biết về bệnh lý tăng huyết áp, làm thế nào để phát hiện, quản lý bệnh lý tăng huyết áp cùng với những yếu tố nguy cơ tim mạch khác là vô cùng quan trọng.
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), tăng huyết áp là tình trạng các mạch máu bị tăng áp lực liên tục. Chẩn đoán tăng huyết áp khi trị số huyết áp đo vào hai ngày khác nhau, số đo huyết áp tâm thu ở cả hai ngày là ≥140 mmHg và / hoặc số đo huyết áp tâm trương ở cả hai ngày là ≥90 mmHg.
Trên thực tế, mọi người không cần đến cơ sở y tế thì mới chẩn đoán được bệnh lý tăng huyết áp, chúng ta có thể theo dõi huyết áp tại nhà dựa theo quy tắc sau:
- Lựa chọn thiết bị đo huyết áp tại nhà: nên chọn máy đo huyết áp điện tử có băng quấn ở phần cánh tay (băng quấn phải bao phủ 80-100% chu vi cánh tay), bờ dưới của băng quấn nằm trên nếp gấp khuỷu tay khoảng 2-3 cm. Máy đo huyết áp phải được hiệu chỉnh 6 tháng – 1 năm để duy trì độ chính xác.
- Cách tiến hành đo huyết áp tại nhà:
- Không hút thuốc, không ăn, sử dụng đồ uống có cafein hoặc tập thể dục trước khi đo huyết áp 30 phút.
- Không gian yên tĩnh, thoải mái. Không nói chuyện trong khi đo huyết áp.
- Tư thế: Hai bàn chân áp thẳng trên sàn nhà, ngồi tựa lưng vào ghế, cánh tay thả lỏng đo trên mặt bàn ngang với mức của tim.
- Lưu ý: Có thể theo dõi huyết áp trong vòng 3-5 ngày. Đo huyết áp 2 lần vào buổi sáng (sau khi thức dậy, trong vòng 1 giờ) và 2 lần vào buổi tối (sau khi ăn và trước khi đi ngủ). Mỗi lần cách nhau 1 phút. Không lấy trị số huyết áp của ngày đầu tiên, khi đo huyết áp 2 tay (chênh nhau > 10 mmHg) nên lấy trị số huyết áp của bên cao hơn.
Với những kiến thức cơ bản như vậy hy vọng có thể giúp mọi người theo dõi được huyết áp tại nhà và kịp thời đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lý này.
BS Chu Thị Hà My – Khoa Tim mạch – BVĐK Hùng Vương