Bác sĩ cũng chỉ là con người
Đối với ngành Y tế năm qua ngoài những thành tựu đạt được về các kỹ thuật mới, sự tận tâm của người thầy thuốc thì ngành y cũng khiến dư luận đặc biệt quan tâm khi có nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra. Những tai biến sản khoa, nhi khoa trong đó đau lòng nhất là câu chuyện về thẩm mỹ viện Cát Tường.
Nhiều chuyên gia cho rằng đã cho rằng cần có nhiều biện pháp bảo vệ bác sĩ cũng như có cơ chế phân tích đúng sai để các bác sĩ không phải chịu thiệt thòi cũng như sốc trước rủi ro xảy ra để tránh được những câu chuyện đau lòng trong ngành y năm qua.
Trao đổi với PV, PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng – trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ mong muốn có một đơn vị thứ 3 đứng ra hòa giải giữa bác sĩ – bệnh nhân. Nước ta đang thiếu điều này. PGS Dũng cho biết ngành y là một cũng giống như các ngành khác cũng xuất hiện nhiều rủi ro nhưng hiện nay không có công ty nào, đơn vị nào đứng ra “bảo đảm” cho bác sĩ hành nghề.
Là người đã đi nhiều nước trên thế giới, PGS Dũng chia sẻ: Ở các nước y tế phát triển như nước Anh, người dân được bao cấp toàn diện, nhà nước đứng ra bảo vệ trực tiếp những tai nạn rủi ro khi hành nghề của bác sĩ. Nhưng hiện nay, ở nước ta chưa có công ty, đơn vị thứ 3 nào đứng ra để hỗ trợ bác sĩ hành nghề.
“Những sai sót bất khả kháng như bệnh tiến triển quá nhanh bác sĩ không kịp đưa ra phác đồ điều trị thì không thể đổ lỗi do bác sĩ bất tài. Bác sĩ là nghề đặc biệt, cũng giống như các nghề khác, sẽ có rủi ro.
Mặc dù người ta đã giáo dục về đạo đức, lương tâm trách nhiệm, kể cả làm việc theo hệ thống pháp luật nhưng tất cả những cái đó không thể nào giảm được rủi ro, không thể nào hết được vì thực ra bác sĩ cũng như con người, cũng có trạng thái, sức khỏe, trạng thái tâm lý, trạng thái tình cảm, giống như mọi người khác cũng có lúc người ta làm việc trong sức khỏe chưa đảm bảo, tâm lý chưa ổn định. Chính vì cái “giống” đó nên vẫn có thể có sai sót dù điều đó rất hiếm xảy ra” – PGS Dũng nhấn mạnh.
Nên giao cho BHYT
Trong nghề y tai biến không thể nói trước được
Câu chuyện mua bảo hiểm nghề nghiệp cho các bác sĩ hành nghề hay cần có một đơn vị đứng ra giải quyết khi có rủi ro xảy ra đang được nhiều bác sĩ cho rằng cần thiết. PGS Dũng cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền túi ra mua gói bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp cho công việc của mình”.
Nhiều bác sĩ cho rằng nghề y cũng như người lái xe, lái máy bay. Những người đó cũng được đào tạo, họ đang giữ sinh mạng của nhiều người, trách nhiệm của người lái xe, máy bay cao lắm. Nếu họ chỉ sơ suất cũng gây tai nạn nhưng người ta có bảo hiểm nghề nghiệp xác định không phải do cố ý.
Đối với như nghề y, khi bác sĩ đang mổ cũng có thể mất điện, máy móc phức tạp, máy móc có tự động cũng trục trặc. Khi có cái đó thì phải có bảo hiểm nghề nghiệp và cơ quan thứ ba đứng ra giải quyết cho thầy thuốc yên tâm làm. Mọi thủ tục giải quyết cho đôi bên vừa có tình, vừa có lý.
PGS Dũng cho rằng nếu trong tình huống có tai nạn nghề nghiệp xảy ra, một công ty thứ ba ngoài ngành y đứng ra làm “trọng tài” giải quyết sẽ phù hợp nhất. Bởi vì trong trường hợp bệnh viện và người nhà cùng nhau đối thoại thì cũng không thể nào giải quyết nhanh chóng được vấn đề bởi bệnh viện có cái lý của bệnh viện, người nhà có cái lý của người nhà. Bác sĩ càng không thể tự thanh minh cho mình.
Nếu trong trường hợp bảo hiểm nghề nghiệp cho bác sĩ an tâm làm việc, PGS Dũng đề xuất có thể giao trách nhiệm cho BHYT. Trong trường hợp nhà nước không làm được nên giao cho một công ty tư nhân đứng ra làm.
Điều mà PGS Dũng băn khoăn khi có bảo hiểm nghề nghiệp cho bác sĩ, các bác sĩ tự đứng ra mua bảo hiểm cho mình họ sẽ thu phí khám bệnh cao hơn bởi nghề y cũng theo cơ chế thị trường. Nếu trong trường hợp nhà nước bao cấp hết như ở Anh thì lại khác, bác sĩ được họ trả lương cao và bệnh nhân được quyền điều trị bệnh.
Dù giá điều trị bệnh có cao họ cũng không phải lo trả. Điều này cũng dẫn đến nhiều mâu thuẫn nhưng dứt khoát phải triển khai nhanh gói bảo hiểm bảo vệ riêng cho bác sĩ. Khi có rủi ro xảy ra, bác sĩ sẽ được công ty thứ 3 đứng ra giải quyết một cách nhanh chóng, thủ tục gọn nhẹ.
Khánh Ngọc