Sốt rét giảm, khó khăn không giảm

- 11 lượt xem - Tin tức

Theo số liệu báo cáo của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng (SR-KST-CT) T.Ư, năm 2013, tổng số bệnh nhân mắc sốt rét (SR) của cả nước được ghi nhận là khoảng 32.500 ca, giảm 18,47% và tỉ lệ sốt rét trên 1.000 dân giảm 20,02% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long được ghi nhận có số bệnh nhân SR giảm cao nhất, đến 44,53%. Khu vực Tây Nguyên mặc dù số bệnh nhân SR giảm thấp nhất (10,79%) nhưng cũng được ghi nhận nỗ lực. Số ca tử vong do SR cũng giảm dần đều qua các năm (năm 2013 ghi nhận có 5 trường hợp tử vong do SR tại các tỉnh Phú Yên, Bình Phước, Trà Vinh, Khánh Hòa và Hà Nội, giảm 1 ca so với năm 2012). Do số bệnh nhân mắc SR giảm nên tổng số liều thuốc SR sử dụng cũng giảm tương đối nhiều, chỉ sử dụng 37,73% so với kế hoạch được cấp. Đặc biệt, năm 2013 tiếp tục không ghi nhận dịch SR trên cả nước.

 Hướng dẫn tẩm hóa chất vào màn để diệt muỗi.

Hướng dẫn tẩm hóa chất vào màn để diệt muỗi.

Cả 5 trường hợp tử vong do sốt rét trong năm qua đều nằm trong nhóm có nguy cơ mắc SR cao (dân đi làm rẫy, khai thác gỗ, đến làm thuê tại vùng SR lưu hành), được phát hiện và điều trị muộn do chủ quan, triệu chứng không điển hình như tiêu chảy, đau bụng cấp, không có sốt vào lúc hôn mê, có xuất huyết, da niêm mạc vàng.

Bệnh nhân SR ác tính của cả nước mặc dù giảm 41,61% so với cùng kỳ nhưng vẫn còn một số địa phương có số lượng bệnh nhân SR ác tính cao như Bình Phước, Bình Định, Đăk Lăk.

Số người nhiễm ký sinh trùng SR chung của cả nước cũng giảm 12,4% so với cùng kỳ, tuy nhiên lại gia tăng cục bộ ở một số địa phương như Thái Nguyên (tăng 135,7%), Bắc Kạn (tăng 70%), Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Sóc Trăng. Tỉnh Gia Lai mặc dù có giảm so với năm 2012 nhưng vẫn là địa phương có số lượng ký sinh trùng SR cao nhất cả nước với 3.337 trường hợp.

Kết quả giám sát về tình hình dịch tễ tại các tỉnh trọng điểm SR cả nước như Bình Phước, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai cho thấy, hầu hết các trường hợp SR do người dân làm việc tại nương rẫy, SR di biến động, SR kháng thuốc và SR tại các vùng biên giới tiếp giáp với Lào và Campuchia là những nước có SR lưu hành. Đặc biệt, kết quả giám sát tại Gia Lai tháng 12/2013 cho thấy, các trường hợp SR chủ yếu là ở người dân đi rừng ngủ rẫy, một số trường hợp khi có sốt vẫn sử dụng thuốc artesunat đơn thuần được mua tại các hiệu thuốc tư, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến kháng thuốc và gây khó khăn cho công tác điều trị.

Sốt rét giảm, khó khăn không giảm

Phun thuốc diệt muỗi phòng chống sốt rét.

Đáng lưu ý, về tình hình SR ngoại lai từ các nước có SR lưu hành, TS. Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện SR-KST-CT T.Ư cho biết, năm 2013, tại một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang và Hà Nội đã phát hiện và điều trị hàng trăm trường hợp bệnh nhân sốt rét là những người trở về từ Cameroon, Angola, châu Phi. TS. Dương cảnh báo, những bệnh nhân trên mang ký sinh trùng sốt rét ngoại lai là nguy cơ lan truyền mầm bệnh và hình thành ổ dịch tại địa phương. Những trường hợp này nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao.

Trong tháng 1 này hiện đang là thời điểm có số bệnh nhân SR duy trì cao và dự báo sẽ giảm dần, thấp nhất là vào tháng 3. Trong khi đó, vấn đề giám sát, quản lý phòng chống SR cho đối tượng là dân di biến động vẫn còn là một thách thức lớn đối với công tác phòng chống và loại trừ SR hiện nay. Đặc biệt, những đối tượng đi làm ăn theo thời vụ tại những vùng có SR lưu hành dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch. Bên cạnh đó, sự tham gia của y tế thôn bản trong công tác phát hiện chẩn đoán và điều trị bệnh nhân SR tại một số địa phương trọng điểm SR vẫn còn hạn chế. Sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động phòng chống véc tơ như tẩm màn, phun hóa chất cũng hạn chế, chủ yếu vẫn do cán bộ y tế thực hiện. Ngoài ra, công tác phòng chống SR cũng gặp khó khăn trong việc đối phó với nguy cơ lan rộng của ký sinh trùng SR kháng thuốc do sự giao lưu dân số lớn giữa các địa phương.

Năm 2014, theo dự báo của các chuyên gia sẽ tiếp tục là năm có diễn biến SR phức tạp, có thể gia tăng số ca mắc và không giảm số ca tử vong. Trong khi đó, thế giới vẫn chưa tìm ra vắc-xin phòng bệnh, tiếp tục phải đối phó với nguy cơ kháng thuốc do muỗi truyền bệnh đã thay đổi tập tính, tăng sức chịu đựng có khả năng kháng hóa chất diệt. Kinh phí cho chương trình quốc gia phòng chống SR năm 2014 và các nguồn tài trợ quốc tế cho PCSR tại Việt Nam bị thu hẹp (kinh phí Nhà nước cấp cho dự án năm 2014 giảm 40% so với năm 2013)… Đây là những khó khăn chính mà công tác PCSR sẽ phải đối mặt trong năm 2014 này để đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ mắc SR/1.000 dân vùng lưu hành SR xuống còn 0,38% và không để dịch sốt rét xảy ra.

Hà An

Back To Top