Phản vệ xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất ra kháng thể đặc hiệu (được gọi là globulin miễn dịch E hoặc IgE) để chống lại chất gây dị ứng (được gọi là kháng nguyên) tạo ra một phản ứng miễn dịch không phù hợp hoặc quá mức đối với một chất, ngay cả khi chất đó là vô hại (ví dụ như thức ăn hằng ngày).
Cấp cứu bệnh nhân sốc phản vệ do thuốc tại BV Bạch Mai. |
Cơ thể của bạn có thể sẽ không có phản ứng gì khi lần đầu tiên tiếp xúc với chất gây dị ứng đó (do lượng kháng thể chưa được sản xuất đủ). Nhưng khi bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng đó ở lần sau, kháng thể (đã được sản xuất và tồn tại trong cơ thể từ trước) sẽ phản ứng chống lại kháng nguyên (chất gây dị ứng), phản ứng này có thể kích thích cơ thể sản xuất và giải phóng một lượng lớn histamine (một loại protein), histamine này sau đó có thể gây ra các triệu chứng phản vệ hoặc sốc phản vệ như đã mô tả ở trên.
Nguyên nhân và triệu chứng của phản vệ
Thực phẩm thường là nguyên nhân phổ biến nhất gây phản vệ. Đặc biệt là các loại hạt, hải sản có vỏ cứng (như tôm, cua), các sản phẩm từ sữa, lòng trắng trứng, hạt vừng. Bị ong đốt cũng có thể dẫn đến phản vệ.
Ngoài ra, việc tập thể thao ngay sau khi ăn uống một loại thức ăn dễ gây dị ứng nào đó cũng có khả năng gây ra phản vệ.
Một số loại thuốc cũng là nguyên nhân phổ biến gây phản vệ.
Phấn hoa và các loại chất gây dị ứng khác qua đường hô hấp thường hiếm khi gây ra phản vệ.
Một số chất có thể gây ra phản ứng (gọi là phản ứng phản vệ). Phản ứng phản vệ cũng giống và nguy hiểm như phản vệ, nhưng lại không liên quan tới kháng thể globulin miễn dịch E (IgE). Nguyên nhân phổ biến gây phản ứng phản vệ là cá và một số loại thuốc (ví dụ như thuốc cản quang đường tĩnh mạch – dùng để tiêm tĩnh mạch khi chụp phim cắt lớp vi tính trong chẩn đoán bệnh)
Dấu hiệu để nhận biết phản vệ thường bắt đầu với việc ngứa mắt và ngứa mặt kinh khủng, sau vài phút sẽ dẫn đến những triệu chứng nặng hơn như: khó nuốt, khó thở, đau bụng, chuột rút, ói mửa, tiêu chảy, mề đay và phù mạch (sưng phù dưới da tương tự như mề đay).
Phản vệ có thể nhanh chóng gây tăng nhịp tim, mệt thỉu, tụt huyết áp, sốc, cuối cùng là bất tỉnh và có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, nếu bạn có những triệu chứng phản vệ kể trên, bạn cần đi bệnh viện ngay lập tức.
Chẩn đoán và điều trị phản vệ
Phản vệ được chẩn đoán dựa trên những triệu chứng đã kể trên. Người có tiền sử dị ứng có nguy cơ cao hơn xuất hiện phản vệ.
Xét nghiệm da có thể giúp xác định những chất gây ra phản ứng dị ứng nặng. Tuy nhiên, nếu bạn nghi ngờ rằng mình có thể bị phản vệ với chất sử dụng để kiểm tra mẫu da thì bạn không nên thực hiện việc kiểm tra mẫu da này.
Chỉ có một cách điều trị phản vệ hiệu quả và nhanh chóng là tiêm adrenaline (epinephrine). Khi vào cơ thể, adrenalin có tác dụng nhanh chóng loại bỏ các triệu chứng phản vệ. Adrenaline thường được tiêm thông qua một dụng cụ tiêm tự động. Vị trí tiêm phổ biến nhất và hiệu quả nhất là ở đùi bệnh nhân.
Nếu bạn ở gần ai đó đang bị sốc phản vệ, hãy gọi nhân viên y tế ở cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115 tới giúp đỡ ngay lập tức. Thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR) và các biện pháp cấp cứu khác cho nạn nhân nếu cần
Ngoài adrenalin, cũng cần điều trị sốc bằng truyền dịch và thuốc để hỗ trợ hoạt động của tim và hệ tuần hoàn. Sau khi bệnh nhân sốc ổn định, có thể sử dụng các thuốc kháng histamine và steroids để tiếp tục giảm nhẹ các triệu chứng phản vệ hơn nữa.
Phòng ngừa phản vệ thế nào?
Nếu bạn biết mình bị dị ứng với ong đốt hoặc với bất kỳ chất nào khác gây phản vệ, bạn cần luôn luôn có sự chuẩn bị. Bạn nên hỏi bác sĩ kê đơn cho một bộ dụng cụ tiêm adrenalin và luôn mang nó bên mình để có thể sử dụng kịp thời nếu không may bị phản vệ
Ngoài ra, bạn nên thông báo với y tế cơ quan nơi bạn công tác hoặc cơ sở y tế mà bạn hay tới khám chữa bệnh về tình trạng dị ứng của bạn, đặc biệt là các loại thuốc có thể khiến bạn bị dị ứng, trước khi điều trị bất cứ một bệnh gì, nhất là điều trị nha khoa.
Bạn cũng nên đeo một vòng tay hoặc dây chuyền có đính cảnh báo dị ứng, hoặc đem theo một tờ ghi chú bên mình về tình trạng dị ứng của bạn. Trong trường hợp bạn có vấn đề phải đi cấp cứu, những cảnh báo dị ứng đó có thể cứu sống bạn.
Nguyễn Thị Thanh Minh