Phát hiện sớm để điều trị bệnh Parkinson

- 17 lượt xem - Tin tức

Cách đây hai năm, các bác sĩ nước ta đã sử dụng hệ thống định vị trong phẫu thuật cho một số bệnh nhân ở giai đoạn cuối, có dao động liều, sử dụng kỹ thuật kích thích não sâu xem như một phương pháp “tạo nhịp não”. Phẫu thuật viên cấy vào trong não một vi điện cực để kích thích các nhân xám trung ương tiết ra dopamine. Sau khi kích thích não sâu, tình trạng bệnh của bệnh nhân được cải thiện đáng kể: Các triệu chứng như run, tăng trương lực cơ, loạn động giảm. Người bệnh chỉ cần dùng 1/3 đến 1/2 liều thuốc so với trước khi phẫu thuật. Bên cạnh đó, việc phát hiện sớm bệnh  parkinson góp phần điều trị bệnh rất hiệu quả.

Nhận diện bệnh Parkinson

Năm 1817, lần đầu tiên tác giả người Anh Jame Parkinson mô tả bệnh nhân liệt rung với các biểu hiện run, rối loạn dáng đi, tăng trương lực cơ, giảm vận động và khó đi lại. Kể từ đó đến nay, y học đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh parkinson như: phục hồi chức năng, thuốc, phẫu thuật, cấy ghép tế bào gốc vào nhân xám trung ương,…Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, parkinson vẫn là nỗi ám ảnh với các bệnh nhân và gia đình người bệnh. Bệnh diễn biến dần dần, từ một vị trí ở chi, sau đó lan ra toàn thân và đến mức độ cao nhất gây ra tàn phế và phải ngồi xe lăn.

Nguyên nhân của bệnh là do thiếu dopamine – chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong quá trình hoạt động dẫn truyền tại các khe xinap của tế bào thần kinh. Bình thường dopamine được sản xuất ở các nhân xám trung ương, vì một lý do nào đó mà lượng dopamine được sản xuất ra rất ít (dưới 50% nhu cầu cần thiết) gây ra các biểu hiện của bệnh như: khó khăn khi đi lại, giảm hoạt động và khó khăn khi làm các công việc hàng ngày (chẳng hạn như gắp thức ăn, cài khuy áo), tay chân bị run, run tăng lên khi ngồi tĩnh tại và giảm đi khi hoạt động, mất ngủ, buồn chán, táo bón,…Các triệu chứng này tăng dần lên trong vòng vài năm nếu không được chẩn đoán và điều trị hợp lý. Bệnh thường mắc ở lứa tuổi 55, nam giới bị nhiều hơn nữ giới và chiếm khoảng 2% ở người trên 65 tuổi, tỷ lệ mắc dao động từ 80-160/100.000 dân. Bệnh có thể mắc ở tất cả các nước, các vùng và chủng tộc trên thế giới.

Các triệu chứng ở giai đoạn tiền khởi phát

Tại Hội thảo Quốc tế lần thứ VII năm 2012 về bệnh parkinson, các nghiên cứu về giai đoạn sớm của bệnh được chỉ rõ và làm cho các nhà thần kinh học có cái nhìn toàn diện hơn về bệnh. Theo các nhà khoa học, trước khi người bệnh có các biểu hiện của bệnh parkinson thì họ trải qua một giai đoạn mà các nhà khoa học gọi là các triệu chứng tiền khởi phát như: giảm chức năng thùy khứu, rối loạn chức năng tự chủ…Giai đoạn này kéo dài nhiều năm trước khi bệnh parkinson khởi phát. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người bệnh có các biểu hiện triệu chứng vận động từ 5-18 năm trước khi bệnh lộ rõ. Việc chú ý phát hiện và điều trị sớm căn bệnh này mang ý nghĩa rất quan trọng. Đầu tiên, phát hiện sớm giảm chức năng thùy khứu bằng cách cho bệnh nhân khám chuyên khoa tai – mũi – họng. Ở đây, bệnh nhân được ngửi các mùi có độ đậm đặc từ 1 đến 10 theo thứ tự tăng dần lên; so sánh với cùng giới và cùng nhóm tuổi, người ta nhận thấy 80% bệnh nhân suy giảm chức năng thùy khứu sau này sẽ có các biểu hiện bệnh parkinson, rối loạn chức năng tự chủ, khó đánh giá và dễ nhầm với các biểu hiện của các bệnh lý khác.

Một biểu hiện đáng chú ý là, nhiều bệnh nhân cảm thấy một chân khi đi lại không tự tin, dường như có một cái gì đó ngăn lại rất nhẹ khiến cho chân có cảm giác không thật. Những người phục vụ trong quân đội khi hành quân có cảm giác chân run, mỏi và đi lại khó khăn một chút, tay vung hơi ngượng. Tuy nhiên, giai đoạn này hầu như chưa có ảnh hưởng tới công việc cũng như các hoạt động thường ngày của người bệnh.

Một biểu hiện nữa của người bệnh là dấu hiệu trầm cảm. Biểu hiện này không rõ nét như giảm chức năng thùy khứu và rối loạn chức năng vận động. Tuy vậy, người ta coi trầm cảm là một triệu chứng khá thường gặp trong parkinson. Ở giai đoạn đầu, người bệnh cảm thấy mất ngủ, khó tập trung khi làm việc, mệt mỏi không rõ nguyên nhân,…

Như vậy, giai đoạn từ khi có các biểu hiện sớm cho tới khi bị bệnh parkinson thực sự kéo dài khoảng 5-18 năm. Đây là giai đoạn quí báu để người bệnh được tư vấn những vấn đề của bệnh và hạn chế những mặc cảm, biết được cách dự phòng và điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật sau này.

Điều trị sao cho hiệu quả

Ở giai đoạn rất sớm này, người bệnh không được dùng thuốc. Các thuốc tuần hoàn não, vitamine E, vitamin C,…không có hiệu quả, mà thay vào đó là các bài tập phục hồi chức năng. Các bài tập này rất phong phú nhưng đi bộ được coi là bài tập hữu hiệu hơn cả. Đi bước chân dài, nhấc ngón chân khi bước về phía trước và đặt chân xuống bằng gót chân, hai chân rộng và giữ cho cơ thể ở trạng thái cân bằng, tay vung rộng và mắt nhìn thẳng, đi theo một đường thẳng, tập đi ngang, đi giật lùi và bước sải dài. Các bài tập ở tư thế khác như ngồi, sử dụng xe lăn, ngồi nhà vệ sinh,…cần tham khảo thêm các chuyên gia phục hồi chức năng nhưng không nên tham khảo ngay với tất cả các bài tập cùng lúc vì điều này dễ làm cho  bệnh nhân hoang mang. Chế độ ăn trong giai đoạn này cần nhiều rau xanh, chất xơ, tăng cường uống nước lọc vào buổi sáng. Nếu có điều kiện, người bệnh nên tham khảo các nhà tâm lý học để họ đưa ra những lời khuyên giúp tâm lý vững vàng.

Dựa vào những giả thuyết gây bệnh và những chứng cứ về gen gây ra bệnh parkinson, những người trên 40 tuổi có một trong các yếu tố nguy cơ sau thì nên đi khám: Gia đình có người bị bệnh parkinson; những người nghiện thuốc lá và từng tiếp xúc chất độc lâu năm; những người có tiền sử bị viêm não; những người có tiền sử chấn thương sọ não đặc biệt là chấn thương sọ não kéo dài như võ sĩ quyền anh.

Hiện nay, chúng ta chưa có nhiều cơ sở chuyên khoa điều trị bệnh parkinson mà người bệnh thường điều trị rải rác tại các khoa thần kinh, khoa nội, Đông y… ở các bệnh viện khác nhau. Một trong những cơ sở có số lượng bệnh nhân khá đông (khoảng 600 người) là Bệnh viện Lão khoa trung ương. Bệnh nhân được theo dõi và điều trị tương đối hợp lý và được hỗ trợ về mặt khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc theo chương trình. Mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng ở nhiều tuyến khác nhau. Với năng lực chẩn đoán sớm ngày càng tốt hơn và khả năng can thiệp điều trị hiện nay của giới y học, các bệnh nhân bị parkinson có thêm cơ hội chữa trị hiệu quả.

Theo Tạp Chí YHTH

Back To Top