BV Tâm thần TW1 có Công văn số 326/NT-BV giải trình về thông tin phản ánh:
Nhà thuốc BV dùng hóa đơn không đúng giá thuốc nhập về, (cụ thể là có hai loại thuốc bán giá cao hơn nhập về khá nhiều.
BV đã kiểm tra lại tất cả các hóa đơn chứng từ và thấy rằng: với loại thuốc gadilat, về thủ tục giấy tờ đủ theo quy định (có gửi kèm các văn bản cho phép lưu hành thuốc) nhà thuốc BV nhập về 500 viên với giá 3.500 đ/viên và bán ra với giá 3.800 đ/viên. Sau khi kiểm tra giá trên trang mạng của Cục Quản lý dược thì giá niêm yết dưới 1.800đ/viên nên Nhà thuốc BV đã yêu cầu công ty bán thuốc điều chỉnh lại giá nếu không sẽ ngừng nhập thuốc. Về loại thuốc korime, Nhà thuốc BV nhập vào 300 viên với giá 3.200đ/viên. Do không thấy trang mạng của Cục Quản lý Dược có giá quy định nên Nhà thuốc BV đã yêu cầu công ty bán thuốc cam kết giá thuốc thì mới nhập (mọi giấy tờ, hóa đơn đã được gửi kèm theo).
Về thông tin phản ánh Nhà thuốc BV cất thuốc ở một kho riêng, khi khách mua thì lấy về bán. BV khẳng định Nhà thuốc BV không có kho nào ngoài địa chỉ đã được Sở Y tế Hà Nội thẩm định đạt tiêu chuẩn.
Về thông tin đồng chí Đinh Gia Ban là nhân viên Khoa Dược nhưng lại chịu trách nhiệm chính tại Nhà thuốc BV, quyết định giá bán ra, nhưng đăng ký chịu trách nhiệm lại là người khác. BV cho biết đã kiểm tra và khẳng định Nhà thuốc BV đã quản lý nhân sự theo đúng quy định.
Sở Y tế An Giang có Thông báo số 48/TB-SYT để thông báo rằng Sở Y tế đã thành lập đường dây nóng (076.3913555) và yêu cầu lãnh đạo các BV trong tỉnh công khai số Đường dây nóng của Sở, cùng số điện thoại Giám đốc BV và Đường dây nóng của BV tại các nơi người bệnh và người nhà bệnh nhân dễ thấy nhất như: sảnh đón tiếp, chỗ cấp phát thuốc, tất cả các khoa phòng BV. Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể cố ý không tiếp nhận Đường dây nóng. Tổng hợp, báo cáo kết quả tiếp nhận Đường dây nóng về Sở định kỳ 6 tháng/lần.
Dưới đây là một số thông tin nổi cộm mà người dân phản ánh tới Đường dây nóng ngành y tế, đã được chuyển tới các cơ sở liên quan.
Công văn số 7878/BYT-VPB1 gửi Sở Y tế Hà Nội, đề nghị xác minh và xử lý hai phản ánh:
– Phòng khám của GS.BS. Nguyễn Gia Khánh tại 20 Hàng Hòm, Hoàn Kiếm, Hà Nội quảng cáo trên mạng là Chuyên khoa Nhi, Tiêu hóa. Bệnh nhân đến khám táo bón thì thấy bên ngoài là cửa hàng nội thất, bên trong là phòng khám không có bác sĩ, không trang thiết bị, chỉ có 1 nhân viên tự xưng là bác sĩ, không thăm khám gì mà kê đơn bán thuốc giá cao, không ký tên.
– Thẩm mỹ viện 14 Yên Phụ có BS. Mai Mạnh Tuấn tư vấn phẫu thuật núm vú. Khách hàng không được ký bất cứ giấy tờ gì, cũng không được làm xét nghiệm máu hay các xét nghiệm khác. Khi phẫu thuật không thành công, khách hàng quay lại yêu cầu kiểm tra thì Thẩm mỹ viện từ chối và ép khách ký vào bản cam kết chịu trách nhiệm khi hậu quả xảy ra, đồng thời đưa ra những hồ sơ xét nghiệm mà khách chưa từng làm. Đây là sự gian lận nghiêm trọng.
Công văn số 87/BYT-VPB1 gửi Sở Y tế Hà Nội, yêu cầu báo cáo về kết quả giải quyết đối với trường hợp Phòng khám Đông y Việt tại 35 Lê Văn Thiêm mà báo Sức khỏe&Đời sống đã kết hợp với Thanh tra Sở Y tế tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở trên, thông tin đã phản ánh trong bài báo “Đột nhập phòng khám “chui” Đông y Việt”.
Đề nghị những đơn vị đã nhận được công văn yêu cầu hồi đáp thông tin từ Đường dây nóng ngành y tế nhanh chóng xử lý, giải quyết và phản hồi đúng thời hạn. Ban XH-BĐ sẽ liên tục cập nhật và đăng tải những thông tin phản hồi qua Đường dây nóng ngành y tế nhằm giải tỏa bức xúc, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
XH – BĐ
Để tiện cho việc xác minh thông tin và phản hồi, giải quyết được triệt để, nghiêm khắc, đảm bảo quyền lợi cho người dân, Đường dây nóng ngành y tế đề nghị người dân khi phản ánh những bức xúc, tiêu cực cố gắng lưu giữ, thu thập những thông tin về vụ việc, con người cụ thể (thời gian, tên tuổi, địa điểm), đồng thời sẵn sàng cung cấp hóa đơn, chứng từ, hình ảnh liên quan (nếu có) để bộ phận chức năng có căn cứ xử lý.