Diễn đàn với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Tham dự có: Đại diện các nước GMS (Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam); lãnh đạo các tổ chức quốc tế, định chế tài chính như: Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, ASEAN; đại diện các đối tác phát triển; đại diện địa phương các nước GMS; đại biểu doanh nghiệp các nước GMS và ngoài khu vực. Thay mặt HĐQT – BGĐ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương Tổng giám đốc – CTHĐQT Ông Phạm Văn Học tham dự với tư cách một nhà đầu tư, doanh nhân có đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) gồm 5 nước thành viên là Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam cùng với 2 tỉnh biên giới Trung Quốc là Vân Nam và Quảng Tây. Với khoảng 340 triệu dân và tổng GDP đạt 1.300 tỷ đô la Mỹ (USD), đây thực sự là khu vực có nhiều tiềm năng kinh tế, lợi thế phát triển và cơ hội mở rộng thị trường nếu các nước thành viên biết liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trong khuôn khổ chung, cho dù, đó chỉ là những quốc gia nhỏ bé và tiềm lực hạn chế.
Diễn đàn được kỳ vọng sẽ tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp và chính phủ, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới. Thông qua các mạng lưới kết nối, các doanh nhân có điều kiện chia sẻ tầm nhìn phát triển, học hỏi cơ hội từ những người đi trước, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mình.
Trong phiên họp của Hội đồng kinh doanh GMS sáng 30/3, các đại biểu thảo luận về mô hình kinh doanh mới sử dụng công nghệ để thay đổi tổng quan cạnh tranh kinh doanh. Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân cũng chia sẻ tầm nhìn phát triển cho GMS trong thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 với bối cảnh sự khởi động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cho tới nay, GMS đã tổ chức 22 hội nghị Bộ trưởng và 5 hội nghị thượng đỉnh. Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng với mục tiêu dài hạn là thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc, đưa tiểu vùng Mekong mở rộng nhanh chóng trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng ở Đông Nam Á.