"Nước mắt" bệnh viện tư

- 20 lượt xem - Tin tức

Không biết, có phải ý "dìm hàng" con rể không, nhưng ông nhạc phụ tiếp lời vợ: "Cùng nghề, hai đứa yêu nhau, chồng cháu cũng là bác sĩ, nhưng chỉ làm ở bệnh viện tư nhân". Ngồi gần đó, một đại gia, đầu tóc bóng mượt lên tiếng: "Tư công gì, giờ đều là con, có lẽ bác phải công bằng để con rể đỡ thiệt thòi".
Tâm lý thích bệnh viện công?
Tại bệnh viện công như bệnh viện Việt – Tiệp, hay bệnh viện Lê Chân, bệnh viện Phụ sản… thành phố Hải Phòng, bất cứ ngày nào, tình trạng bệnh nhân chen nhau khám, chữa bệnh là chuyện diễn ra thường ngày. Bệnh viện trẻ em Hải Phòng (hay còn gọi là bệnh viện nhi Đức), lúc cao điểm có từ 2 đến 3 bệnh nhân nằm trên một giường (chưa kể số người nhà đi theo chăm sóc). Những bệnh viện tuyến Trung ương còn thê thảm hơn, bệnh nhân nằm dưới… gầm giường, ngoài hành lang, vườn hoa… diễn ra nhức nhối.
Còn ông Đặng Đình Giang- Phó Giám đốc bệnh viện phụ sản Tâm Phúc (Hải Phòng) đã thẳng thẳn hơn: "Tình trạng quá tải trong bệnh viện công là một trong những nguyên nhân gây tai biến, nhất là tai biến sản khoa"…
Trái ngược với sự "đông vui" đến bức xúc, nhức nhối của các bệnh viện công là tình trạng thưa thớt bệnh nhân của hệ thống bệnh viện tư. Tại Bệnh viện phụ sản Tâm Phúc (Hải Phòng), mặc dù cơ sở hạ tầng hiện đại, mọi vật dụng sạch bóng như khách sạn 3 – 4 sao, hàng ghế I – nốc bóng loáng, sự đón tiếp bệnh nhân từ khi bước chân vào bệnh viện cho đến khi xuất viện có lẽ không thể ân cần hơn được nữa. Chính tác giả bài viết này chứng kiến một điều dưỡng viên đang bón sữa cho một sản phụ.
Gặp bác sĩ Trần Thị Việt Phương sáng 26/3/2014, nữ giám đốc bệnh viện cho biết: "Vừa mổ xong cho bệnh nhân Vũ Thị Ngọc Anh, 36 tuổi, trú tại 185 Chiêu Trinh, Kiến An, Hải Phòng vì chửa ngoài dạ con. Điều đáng mừng bệnh nhân Ngọc Anh được kíp mổ giữ lại toàn bộ dạ con và vòi trứng, trong khi đó, tại một bệnh viện ở Singapore lại chuẩn đoán Ngọc Anh đau bụng do rối loạn kinh nguyệt" (vì chị đang đi du lịch-pv).
Còn Phó giám đốc, bác sĩ Đặng Đình Giang, cho hay: "Từ khi vào hoạt động, bệnh viện Tâm Phúc không để xảy ra bất cứ ca nào tai biến sản khoa. Mặc dù vậy, với 68 giường bệnh/100 giường theo kế hoạch, hiện công suất của bệnh viện mới đạt 43,55%".
Cũng như bệnh viện phụ sản Tâm Phúc, mặc dù được trang bị những thiết bị hiện đại, mọi bệnh nhân đến bệnh viện tư Hồng Đức (Hải Phòng) chưa bao giờ có một lời chê trách về thái độ phục vụ cũng như chất lượng khám, chữa bệnh nhưng công suất giường bệnh cũng chỉ đạt 50%.
Bà Trần Thị Vui 73 tuổi, trú tại số nhà 29 lô 2 tổng hợp, khu Công nhân, phường An Dương, quận Lê Chân (Hải Phòng) cho biết: "Khi tôi đến bệnh viện Hồng Đức, ngay cửa đã có một cô mặc áo blu trắng đón, dẫn tôi đi từng phòng để khám bệnh và làm các xét nghiệm, trong khi điều trị tại đây, các bác sĩ và nhân viên y tế rất chu đáo. Giờ tôi làm thủ tục xuất viện cũng rất đơn giản, chỉ cần ký vào bảng theo dõi bệnh nhân là về. Bệnh đau xương, khớp do tuổi già bây giờ không thấy đau nữa, còn sau này thì chưa biết, bệnh huyết áp tụt đã ổn định".
Vì bảo hiểm của tôi cùng tuyến nên tôi không mất đồng nào, có Bảo hiểm chi trả 100%. Còn tiền bồi dưỡng bác sĩ, tôi có đưa nhưng người ta nhất quyết không nhận, bà Vui cho biết.
Mới đây, tại Hội nghị "Tăng cường phối hợp giữa bệnh viện (BV) nhà nước và BV tư nhân thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện của Chính phủ" diễn ra tại Tp.HCM và Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, chủ trì hội nghị, đã khẳng định và thừa nhận: Mô hình khám bệnh hiện tại vẫn tồn tại nghịch lý, nơi thì quá tải trầm trọng, nơi lại thiếu bệnh nhân.

Theo bà Tiến, tình trạng quá tải tại nhiều cơ sở y tế công lập không chỉ ở khu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, mà ngay cả những khoa điều trị theo yêu cầu, khu dịch vụ của BV công cũng không còn giường, bệnh nhân vẫn phải nằm hành lang, người dân khám bệnh vẫn phải xếp hàng chờ kết quả. Trong khi đó, tại hệ thống bệnh viện tư nhân, nhiều bệnh viện có cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật tốt, chuyên môn cao, y bác sĩ tận tâm, mô hình quản lý hiện đại, giá thành không cao… nhưng bệnh nhân lại rất vắng.
Bệnh viện tư như đứa "con rể" vượt khó
Do lịch sử để lại, hệ thống bệnh viện công – "những đứa con đẻ" đã được Nhà nước giao "của hồi môn" là cấp cho những khu đất rộng rãi từ vài héc – ta đến hàng chục héc – ta, kèm với đó là hệ thống cơ sở hạ tầng được Nhà nước bỏ vốn hàng trăm tỷ đồng để đầu tư, xây dựng.
Khác với bệnh viện công, ở bệnh viện tư nhân, mỗi nhà đầu tư phải côi cút tự tìm đất để mua, để thuê, để xây dựng cho dù đã có rất nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương kêu gọi xã hội hóa y tế. Nhưng chưa có văn bản pháp lý nào có cơ chế riêng từ quy hoạch đến tài chính để hỗ trợ về đất đai cho bệnh viện tư nhân.
Ví như bệnh viện phụ sản Tâm Phúc (Hải Phòng), sau nhiều vật lộn với việc tự đi tìm đất, tìm địa điểm, cuối cùng các nhà đầu tư đành ngậm ngùi phải thuê của Công ty Tràng An 1.000m2 đất, với giá 100 triệu đồng/tháng và kêu gọi các cổ đông đóng góp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị với tổng vốn đầu tư hơn 62 tỷ đồng.
Cũng như vậy, về thiết bị y tế, trong khi bệnh viện công đều đã, đang và sẽ được Nhà nước đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp thiết bị, hoặc được tư nhân nhờ vả, luồn lách để đưa được thiết bị y tế vào bệnh viện công nhằm ăn chia lợi nhuận, thì bệnh viện tư nhân phải tự bỏ tiền túi hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng ra đầu tư. Dĩ nhiên các cá nhân chưa dại gì vào bệnh viên tư gạ gẫm đưa thiết bị vào để… xã hội hóa – một nhà chuyên cung cấp thiết bị y tế cho hay.
Được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng nên việc thanh toán viện phí của hệ thống bệnh viện công lập thấp hơn bệnh viện tư nhân. Liên quan đến vấn đề viện phí công thấp hơn tư, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chế độ BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thừa nhận: "Hệ thống y tế tư nhân vẫn còn sự thiệt thòi trong việc thanh toán BHYT do còn "long đong" trong việc xếp hạng bệnh viện. Trong khi đó, xếp hạng BV quyết định mức giá dịch vụ, danh mục thuốc được BHYT thanh toán, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người bệnh" và đề nghị để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh cũng như tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển cần phải có những tiêu chí rõ ràng trong xếp hạng bệnh viện để các bệnh viện tư nhân đủ điều kiện đều được ký hợp đồng khám BHYT nhằm thu hút bệnh nhân.
Không chỉ thiệt thòi về vốn đầu tư của Nhà nước, về cơ chế thanh toán viện phí, hệ thống bệnh viện tư nhân đang đối mặt với việc nộp ngân sách cho Nhà nước. Nếu ở bệnh viện công lập, việc nộp thuế chỉ diễn ra với khoa dịch vụ yêu cầu, bán thuốc, còn ở bệnh viện tư nhân, đang phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (theo Luật Doanh nghiệp).
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng mức thu viện phí công lập – tư nhân có sự chênh lệch. Đến thời điểm này, viện phí hệ thống y tế công lập mới chỉ tính 3/7 yếu tố trong khi các BV tư nhân hoạt động theo luật doanh nghiệp nên được tự công bố giá thu bù chi.
Dù cơ sở vật chất hiện đại, tinh thần, thái độ phục vụ tận tâm, tổng giá khám, chữa bệnh chưa hẳn đã cao hơn bệnh viện công lập nhưng tỉ lệ bệnh nhân đến khám, chữa bệnh của bệnh viện tư nhân rất thấp. Nguyên nhân chính là đang đối mặt với việc thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao. Bởi, bác sĩ tay nghề cao đã và đang nằm trong bệnh viện công lập.
Còn theo bác sĩ Trần Thị Việt Phương: "chỉ một số ít bác sĩ thật sự yêu nghề dù nghỉ hưu nhưng tâm huyết với nghề và có đội ngũ học sinh, mới quay lại trụ được ở bệnh viện tư nhân"; Trong khi đó, các sinh viên y khoa sau khi tốt nghiệp đua nhau… "chạy" vào bệnh viện công lập để không phải chịu áp lực "quy chế ứng xử với bệnh nhân" rất ngặt nghèo của bệnh viện tư nhân. Bởi nói như ông Nguyễn Phú Động – Tổng giám đốc bệnh viện phụ sản Tâm Phúc (Hải Phòng), hay bà Ngô Thuần Oanh – Giám đốc bệnh viện Hồng Đức: "Bệnh viện tư nhân không thể chấp nhận nhân viên y tế nhận "phong bì" của bệnh nhân, dù bất cứ lí do gì".
Ngoài ra, việc ít bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện tư nhân còn phải nói đến yếu tố tâm lý người Việt mình cứ cái gì của Nhà nước cũng là tốt nên đa phần bệnh nhân đến khám và điều trị ở bệnh viện tư nhân là những người có điều kiện kinh tế, những người có thu nhập trung bình ít dám tiếp cận với các kỹ thuật khám và điều trị ở bệnh viện tư. Bệnh nhân đến điều trị thưa thớt khiến nhiều bệnh viện tư đang trong cảnh thu không đủ bù chi – bác sĩ Trần Thị Việt Phương – Giám đốc bệnh viện phụ sản Tâm Phúc cho biết.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích câu nói của ông Phan Trọng Khánh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng: "Trong thời điểm hiện nay, những ai dám đầu tư vào bệnh viện tư nhân là dũng cảm". Và hình ảnh ông Nguyễn Phú Động – Tổng giám đốc bệnh viện phụ sản Tâm Phúc (Hải Phòng) khi gần kết thúc cuộc làm việc với nhà báo đã nói lên nhiều điều: Nét mặt ông buồn bã, mệt mỏi, lần đầu tiên, ông đã với tay lấy điếu thuốc để châm lửa (cho dù ông không hút thuốc lá), bỗng điếu thuốc bị tắt, khói bay vào mắt ông ứa thành dòng lệ. Chúng tôi tự hỏi: Không biết khói thuốc kia có làm cay mắt ai?

Vũ Trang

Back To Top