Nỗi niềm ngành y tế

- 20 lượt xem - Tin tức

Có thể thấy, hình ảnh ngành y đang ngày một xấu đi. Vậy nên, trong những tháng ngày qua, ít ai nhắc đến thành tích và sự hy sinh thầm lặng của những người thầy thuốc đang ngày đêm cứu chữa người bệnh.

Nước mắt…

Tâm sự với chúng tôi, bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội cứ đau đáu một nỗi niềm: "Với ngành y chúng tôi, ngàn vạn cuộc đời được cứu sống không làm dịu đi nỗi đau của một sự mất mát. Điều này càng trở nên đúng hơn bao giờ hết khi mấy tháng qua, những vụ việc tồi tệ đã liên tiếp xảy ra với ngành". Từ vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B ở Quảng Trị, đến vụ "nhân bản kết quả xét nghiệm máu" tại BV Đa khoa Hoài Đức, đỉnh điểm là vụ bác sĩ vứt xác khách hàng xuống sông Hồng phi tang, đã làm dư luận xã hội dấy lên làn sóng căm phẫn về tình trạng y đức.

Trầm ngâm một lúc, bác sĩ Phúc tâm sự tiếp: "Mỗi buổi sáng đến bệnh viện, những tà áo trắng đã trở nên lặng lẽ và khép mình hơn, không còn những nụ cười thực sự vui vẻ, không có cả những bữa ăn ngon, những cuộc liên hoan hay những sinh hoạt tập thể đều bị hủy bỏ. Xã hội không ai còn đủ bình tĩnh để nói những lời thiện cảm với ngành, từ người dân đến các cấp lãnh đạo đều tỏ thái độ phẫn nộ, cảm thấy bất ổn, không còn biết tin vào ai trong ngành y".

 Nỗ lực cấp cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Hải Lý

Nỗ lực cấp cứu cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Hải Lý

Còn GS Nguyễn Lân Việt – Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cũng dành những lời ruột gan: "Sau những vụ việc xảy ra trong ngành y tế, gặp những người hàng xóm, tôi không dám ngẩng cao đầu, cảm giác cứ ngường ngượng. Hình như họ đang nhìn chúng tôi – những người mặc áo trắng bằng một ánh mắt khác, ánh mắt của sự phẫn nộ".

Có thể nói, thời gian qua, ở bất cứ nơi đâu, từ các cuộc trà dư tửu hậu ở những quán cóc vỉa hè cho đến các cuộc hội nghị, hội thảo, đâu đâu cũng nhắc đến hai từ "y đức". Những từ ngữ biểu cảm như: "bàng hoàng đau xót', "phẫn nộ tột cùng”, "không thể chấp nhận"… đã được nhiều lãnh đạo BV, lãnh đạo Bộ Y tế nhắc đi nhắc lại.

Cũng trong thời gian này, dù tỏ ra cứng rắn đến mấy, nhưng không ít lần nữ Bộ trưởng rơi nước mắt khi nói về những sự cố của ngành. Trước ý kiến của cử tri phàn nàn về y đức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng bày tỏ: "Bộ trưởng Bộ Y tế cũng rất đau khổ. Có nhiều cái nằm ngoài tính toán, những việc rất đau đầu không đáng có".

Và sự hy sinh thầm lặng

Ngay trong thời điểm dư luận đang "sôi sục" trước những hành vi khó chấp nhận của một vài cái nhân trong ngành y, thì câu chuyện bác sĩ đến tận nhà phẫu thuật cứu sống cho bệnh nhân tại Thái Bình vừa qua đã làm không ít người cảm động.

Đó là trường hợp của nữ bệnh nhân 36 tuổi ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư chửa ngoài tử cung trong tình trạng nguy kịch, mất 3 lít máu, không thể đến BV. Ngay khi nhận được thông tin, kíp mổ bộ môn Sản trường Đại học Y Thái Bình và BV Phụ sản Thái Bình lập tức lên đường về tận nhà bệnh nhân thực hiện phẫu thuật.

Các bác sĩ đã phải kê 2 chiếc bàn uống nước lại thành bàn mổ, do không có máy thở nên họ phải dùng phương pháp bóp bóng; không có máy hút máu nên buộc lòng phải dùng gạc thấm máu trong bụng bệnh nhân rồi vắt ra chậu. Chỉ sau 2 giờ đồng hồ với sự phối hợp nhịp nhàng của kíp mổ, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Cách đó ít ngày, sự kiện tách thành công trẻ sơ sinh dính liền tại BV Nhi đồng 2 là một nỗ lực lớn, thành tích đáng tự hào của ngành y tế Việt Nam. Ê kíp hơn 70 bác sĩ của nhiều BV đã hợp sức, chung lòng thực hiện một ca mổ kỷ lục kéo dài liên tục trong 10 giờ. Chỉ khi rời phòng mổ để thông báo ca phẫu thuật thành công, bác sĩ Trương Quang Định – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 mới thở phào nhẹ nhõm và nói lời cảm ơn đến 70 đồng nghiệp của mình.

Ngoài ra, hàng ngày, hàng giờ tại khoa Cấp cứu các BV, các bác sĩ vẫn ngày đêm dồn hết tâm huyết và trí lực để cứu người trong môi trường đầy áp lực giữa lằn ranh sống – chết. Đã không ít trường hợp bị phơi nhiễm bệnh nghề nghiệp, bị người nhà hành hung, thậm chí có nữ bác sĩ đuối sức, ngất ngay sau ca mổ…

Tại đêm giao lưu "Nữ thầy thuốc vượt khó, tận tâm với nghề" do Bộ Y tế phối hợp với Cổng thông tin Chính phủ tổ chức mới đây, nhiều câu chuyện cảm động được kể ra.

Nữ bác sĩ trẻ tuổi Nguyễn Thị Dịnh (hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu, Nghệ An) không ngại khó, ngại khổ cuốc bộ hàng chục km đường rừng đến "chảo lửa" sốt rét để dập dịch dù đang bụng mang dạ chửa. Hay chuyện bác sĩ TS. BS Phạm Thị Thanh Thủy – Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai) không ít lần đối mặt với nguy hiểm để cứu sống những ca bệnh dịch.

Nhắc đến những thành tích, sự hy sinh thầm lặng của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam, trong Diễn đàn về chất lượng BV được Bộ Y tế tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ: Đến giờ phút này, hệ thống cơ sở y tế, BV, trang thiết bị với đội ngũ khoảng 400.000 cán bộ nhân viên, trong đó có 60.000 bác sĩ, có trình độ chuyên môn ngang tầm quốc tế, đủ khả năng đảm nhận nhiều nghiệp vụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao, phức tạp như phẫu thuật tách trẻ song sinh dính nhau, hay ghép tạng, chữa hiếm muộn… Và trong 115 triệu ca khám, chữa bệnh hàng năm, không thể đếm được chính xác bao nhiêu người đã được cứu sống, bệnh tật thuyên giảm nhờ sự tận tâm, tận lực của các y, bác sĩ. Rất nhiều thầy thuốc tài năng, đức độ, quên mình vì người bệnh.

Ai đó đã nói rằng, cái tốt có thể không để lại ấn tượng lâu hơn cái đau đớn, tiếc nuối thì với ngành y điều đó không sai. Dù sốc và bất bình trước những hành động khó chấp nhận của một vài cá nhân, song những người thầy thuốc chân chính vẫn mong xã hội có cái nhìn khách quan và công bằng hơn đối với các thế hệ thầy thuốc Việt Nam.

Đoàn Hải

Back To Top