Nối 4 ngón tay đứt rời cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất

- 4 lượt xem - Tin tức

Quay lại nhìn đã thấy cháu mất nửa bàn tay…

Bà Trần Thị T. (45 tuổi, Lý Nhân, Hà Nam) – bà ngoại của bé Nguyễn Yến N. (16 tháng tuổi) kể: Cả làng có nghề làm bánh bánh đa. Lúc xảy ra tai nạn, bà ngồi ngay cạnh cháu gái nhưng “khi tôi thấy tiếng khóc, quay lại thì thấy bàn tay trái nó bị máy thái bánh đa nghiến đứt rồi”! Vò vội cây nhọ nồi dịt vào chỗ bàn tay đang chảy máu, phần 4 ngón tay đứt rời được bà T. cùng gia đình và hàng xóm cho ngay vào đá bảo quản rồi thuê xe lên thẳng BV Việt Đức.

Nối 4 ngón tay đứt rời cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất

Bàn tay bé N. đã sống tốt, các ngón tay hồng ấm trở lại.

Bé N. và gia đình đến BV lúc 11 giờ 30 phút, 4 ngón tay dài ngang gốc chỉ dính nhau phần da được bỏ trực tiếp trong túi đá. BV ngày cuối năm (31/12/2013) rất đông bệnh nhân nặng, nhận định là một tổn thương rất nặng trên bệnh nhi quá nhỏ tuổi, các bác sĩ khẩn trương sơ cứu và bảo quản lại phần đứt rời, tiến hành mổ tối cấp cứu nối các ngón đứt rời dưới kính hiển vi phẫu thuật ngay lúc 13 giờ cùng ngày.

Giành lại bàn tay sau 8 giờ căng thẳng

TS.BS. Nguyễn Hồng Hà – Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình – Hàm mặt BV Việt Đức cho biết: Tổn thương đứt rời hoàn toàn bàn ngón tay thường gặp ở người trưởng thành và rất hiếm gặp ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Các thống kê trên thế giới cho thấy, tỉ lệ thành công sau nối từ 50 – 70%, hầu hết là các trung tâm lớn với đội ngũ bác sĩ phẫu thuật giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, cần sự phối hợp nhiều chuyên khoa như phẫu thuật tạo hình, chấn thương chỉnh hình, gây mê hồi sức, phục hồi chức năng… Nối chi thể đứt rời ở trẻ em gặp rất nhiều khó khăn do mạch máu rất nhỏ, nguy cơ tắc mạch cao, nguy cơ gây mê kéo dài ở trẻ nhỏ…

Nối 4 ngón tay đứt rời cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất

Ca vi phẫu nối 4 ngón tay đứt rời cho bé N.

ThS.BS. Vũ Trung Trực – người trực tiếp tham gia kíp phẫu thuật cho biết thêm: Phần  ngón tay đứt rời của bé N. được bảo quản đá lạnh trực tiếp là không đúng cách. Rất may là bệnh nhi N. đến viện sớm (sau 2 tiếng rưỡi sau khi xảy ra tai nạn) nên thời gian bị bảo quản trực tiếp trong đá ngắn. Điều khó khăn trong ca phẫu thuật cho bé N. là 4 ngón tay chỉ dính nhau ở phần da rất nhỏ ngang gốc ngón, coi như là đứt rời cả 4 ngón nên phải nối mạch máu riêng cho từng ngón tay, thời gian phẫu thuật sẽ phải kéo dài. Hơn nữa, các mạch máu rất nhỏ (đường kính 0,4 – 0,6mm). Các bác sĩ phải dùng chỉ phẫu thuật nhỏ 10/0, 11/0 (bé hơn cả sợi tóc) với độ phóng đại lớn nhất của kính hiển vi. Độ phóng đại càng lớn, trường phẫu thuật (phạm vi làm việc của phẫu thuật viên) càng hẹp, độ rung cao đòi hỏi thao tác phải vô cùng tỉ mỉ và chính xác. Ca vi phẫu đã thành công sau 8 tiếng đồng hồ.

Sau phẫu thuật 15 ngày, tình trạng bệnh nhi ổn định, bàn tay hiện tại sống, các ngón hồng ấm. Tuy nhiên, theo ThS. BS. Vũ Trung Trực, bé N. cần được tiếp tục theo dõi điều trị và có thể phải trải qua vài lần phẫu thuật nữa để phục hồi chức năng của bàn tay.

Mai Linh

Phải bảo quản thân thể đứt rời đúng cách

Bọc phần chi thể đứt rời lại bằng gạc hoặc vải sạch, cho vào túi nilon sạch buộc kín, sau đó lại cho vào túi nilon (hay hộp nhựa) khác đựng nước rồi mới cho vào hộp hoặc thùng đựng đá. Như vậy để tránh cho bộ phận đứt rời tiếp xúc trực tiếp với đá gây bỏng lạnh đồng thời cũng làm tăng thời gian sống cho bộ phận đứt rời.

Back To Top