Tiến sĩ Jill Seaman hồi sinh vùng đất chết
Tiến sĩ Jill Seaman.
Được nhận giải thưởng “Người anh hùng trong lĩnh vực y tế” do tạp chí Time bình chọn năm 1997, tiến sĩ, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm Jill Seaman không bao giờ nghĩ mình có thể làm được những công việc phi thường như vậy. Ở khu vực phía Tây Thượng nguồn sông Nile, một nơi được cho là vùng sâu, vùng xa nhất trên thế giới, không có đường giao thông đi lại, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đất nước đang chìm trong chiến tranh, loạn lạc, dịch bệnh, chết chóc bủa vây, vậy mà một nữ bác sĩngười Mỹ cùng các đồng nghiệp của Tổ chức bác sĩ không biên giới đã lên đường đến Sudan vào năm 1983.
Ở đây đang lưu hành bệnh Kala azar, hay còn gọi là sốt đen, do nhiễm ký sinh trùng leishmania có tỷ lệ tử vong rất cao, đi đến đâu nhóm của bác sĩ Jill cũng gặp động vật và người chết hàng loạt vì căn bệnh này. Trong điều kiện trang thiết bị y tế vô cùng thiếu thốn, Chính phủ nước này cấm mọi tổ chức quốc tế hoạt động vì dịch bệnh hoành hành khắp nơi, có ngôi làng 1.000 dân chỉ còn 5 người sống sót, bệnh Kala azar đã càn quét ½ dân số khu vực, biến nơi đây trở thành vùng đất chết. Bác sĩ Jill Seaman và nhóm của mình đã làm việc không mệt mỏi và cứu được nhiều mạng sống.
Trong 7 năm làm việc ở đây, nhóm bác sĩ đã điều trị cho 19.000 người trong đó tiến sĩ Seman đích thân xử lý hơn 10.000 trường hợp. Sau này chính bà đã tình nguyện trở lại gắn bó với Sudan trong các dự án hỗ trợ y tế của riêng mình.
Bác sĩ Georges Bwelle- người xoa dịu nỗi đau
Cứ thứ sáu hàng tuần, tiến sĩ, bác sĩ Georges Bwelle người Cameron cùng các tình nguyện viên lại lên đường với các trang thiết bị y tế thiết yếu, thuốc thang để di chuyển qua các địa hình gồ ghề khó khăn đến với bệnh nhận ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nơi bệnh nhân không có đủ tiền để được khám bệnh. Mỗi chuyến đi họ thường khám cho khoảng 500 bệnh nhân.
Bác sĩ Georges Bwelle nhận giải thưởng của CNN.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 5 người Cameron thì có 2 người sống dưới mức nghèo khổ, họ không đủ tiền để tiếp cận với dịch vụ y tế cơ bản nhất.
Từ năm 2008 đến nay, bác sĩ Bwelle và cộng sự của mình khám và chữa bệnh cho 32.000 người, mổ miễn phí cho khoảng 700 người mỗi năm. Các đồng nghiệp của anh còn thốt lên : “Không hiểu bác sĩ Bwelle ngủ lúc nào bởi nếu không làm việc, anh cũng tìm nguồn tài chính cho các hoạt động nhân đạo của mình” như nhận phẫu thuật tại các bệnh viện tư nhân để lấy tiền quyên góp cho qũy.
Bác sĩ Bwelle tâm sự về nguyên nhân đưa anh đến với công việc thiện nguyện này: “Lý do tôi làm việc này để làm cho mọi người cười, giảm nỗi đau.”. Năm 2013, bác sĩ Bwelle trở thành 1 trong 10 người anh hùng do tập đoàn CNN bình chọn về những người đang làm thay đổi thế giới.
Bác sĩ bảo vệ phụ nữ
Denis Mukwege là bác sĩ sản khoa làm việc tại nước Cộng hòa dân chủ Congo, ông là giám đốc bệnh viện Panzi ở Bukavu, thủ phủ tỉnh Nam Kivu đã chăm sóc cho hàng nghìn phụ nữ bị hãm hiếp mỗi năm ở Congo.
Bác sĩ Mukwege và các bệnh nhân.
Bên lề các cuộc chiến tranh ở Congo, đất nước này còn phải chứng kiến cuộc chiến đấu chống nạn hiếp dâm phụ nữ mà bác sĩ Denis Mukwege kiên cường đi đầu trong cuộc chiến bảo vệ những người phụ nữ. Bác sĩ không chỉ chữa bệnh cho họ, mà ông còn điều trị tâm lý, cung cấp thức ăn, dạy nghề hay hỗ trợ pháp lý.
Hai lần bệnh viện bị phá là hai lần ông gây dựng lại bệnh viện từ đầu, đau xót hơn cả ông và gia đình của ông đều trở thành mục tiêu tấn công. Lần đó, chúng đã giết một người can ngăn và đánh đập ông đến bất tỉnh, nhốt và đe dọa 2 cô con gái của ông. Sau sự việc này cả gia đình ông phải ra nước ngoài tạm lánh.
Nhưng cũng chỉ được ít lâu, năm 2003 ông một mình quay lại Congo tiếp tục “cuộc chiến đấu” chống lại nạn hãm hiếp phụ nữ. Chính những nữ bệnh nhân ông từng cứu đã đứng lên tố cáo việc ông bị tấn công và quyên góp tiền mua vé máy bay đón ông trở về.
Hiện nay bác sĩ Denis Mukwege vẫn tiếp tục công việc của mình ở Congo, nhưng bên cạnh ông luôn có đến 20 nữ vệ sĩ bảo vệ, họ đều là những bệnh nhân cũ của ông,. Để ghi nhận những đóng góp của bác sĩ Denis Mukwege, năm 2013, ông được đề cử cho Giải Nobel hòa bình.
Tiến sĩ Gino Strada và các sứ mệnh nhân đạo
Bác sĩ người Italy, Gino Strada là ân nhân của rất nhiều bệnh nhân ở khắp châu Phi, Trung Đông. Ở đâu là điểm nóng chiến tranh, ở đó có ông. Tiến sĩ Gino Strada là một bác sĩ phẫu thuật, một chuyên gia trong lĩnh vực ghép tim, phổi, nhưng ông đã từ bỏ điều kiện sống tốt ở các nước tiên tiến, tình nguyện dấn thân vào những nơi được coi là “tồi tệ nhất’ trái đất như Afghanistan, Iraq, Sudan. Ông hoạt động trong một tổ chức hỗ trợ quốc tế khẩn cấp từ năm 1994, bất cứ quốc gia nào cần hỗ trợ nhân đạo, ông và các cộng sự của mình đều có mặt.
Bác sĩ Gino Strada.
Tại chiến trường Afghanistan, có thời điểm một mình ông phải chạy đôn chạy đáo 4 bệnh viện và 34 phòng khám để khám, chữa trị cho các bệnh nhân, trong đó, chủ yếu là những người bị thương trong chiến tranh. Bệnh viện trung tâm Salam ở Sudan do ông lập ra là niềm tự hào của bác sĩ Gino Strada, đây là bệnh viện duy nhất ở Sudan phẫu thuật tim hở miễn phí cho các bệnh nhân trên khắp châu Phi.
Trong suốt hành trình thực hiện sứ mệnh nhân đạo ở nhiều nơi trên thế giới, bác sĩ Gino Strada đã đích thân phẫu thuật cho 30.000 ca. Giờ đây ở tuổi 65, nhưng niềm vui duy nhất của bác sĩ Gino Strada vẫn là ở trong phòng điều hành Trung tâm Salam. Năm 2013, bác sĩ Gino Strada từng được đảng Phong trào 5 sao ở Italy đề cử tranh chức Tổng thống Italy.
Trần Hải (Theo Listverse, BBC, CNN)